Xã hội

Nghệ An: Quyết liệt trong chỉ đạo cải cách hành chính

Trúc Ly 26/06/2024 17:39

Với phương châm “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt”, 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở Nghệ An có bước chuyển biến rõ rệt. Sự chi đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã giúp cho công tác CCHC rò ràng hơn, cụ thể hơn và hiệu quả hơn.

Trọng tâm từ cơ sở

Với chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số - Tập trung nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình - Tỷ lệ số hóa hồ sơ - Tỷ lệ thanh toán trực tuyến”, công tác CCHC tại Nghệ An được quan tâm nhiều nhất từ trước đến nay. Theo đó, để chủ động thực hiện các nhiệm vụ CCHC của tỉnh, UBND tỉnh Nghệ an đã ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch, trong đó đã đề ra 8 mục tiêu, 41 nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp triển khai thực hiện. Nhờ vậy, tính đến ngày 31/5/2024, đã có 25/41 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh được hoàn thành, đạt tỷ lệ 60% so với kế hoạch.

1.jpg
Kiểm tra giải quyết TTHC tại xã Nghia Lâm, Nghĩa Đàn. Ảnh: TL

Không những vậy, để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) trong năm 2024, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã chọn 7 đơn vị làm điểm chỉ đạo. Đến nay, các địa phương, đơn vị cũng đã nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo ra bước đột phá mới trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, tại các phiên họp UBND tỉnh thường kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp tục chỉ đạo, quán triệt và đặt ra yêu cầu cao đối với các ngành, các địa phương về tăng cường đẩy mạnh CCHC, thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý, giải quyết công việc “nhanh - đúng - hiệu quả”.

Đơn cử như, thị xã Hoàng Mai, công tác CCHC đã có sự bứt phá rõ nét. Cụ thể, năm 2021 địa phương này xếp thứ 11 về CCHC, tuy nhiên đến năm 2022 đã bứt phá lên thứ 5 và tiếp tục thăng hạng lên thứ 4 năm 2023 về CCHC. Năm 2024, thị xã Hoàng Mai tiếp tục quyết liệt cải cách TTHC, tạo điều kiện “Tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất” cho doanh nghiệp khi đầu tư vào thị xã; rà soát đơn giản hóa các TTHC, nhất là một số lĩnh vực như: Đất đai, đầu tư, xây dựng, an sinh xã hội…; chỉ đạo xử lý hồ sơ tồn đọng, hồ sơ chậm thời gian giải quyết.

Nhờ vậy, hiện nay trong 272 TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện ở TX. Hoàng Mai đã có 119 thủ tục được thực hiện dịch vụ công toàn trình. Cùng đó, các phường xã trên địa bàn thị xã cũng đã nỗ lực trong bố trí cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, thực hiện mô hình hỗ trợ nộp dịch vụ công ngay tại Bộ phận Một cửa; tạo mã QR hỗ trợ tổ chức, công dân tra cứu TTHC và nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến.

Theo Nguyễn Anh Văn, phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết, địa phương luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp trong chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước cấp trên về những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý gắn với công tác đánh giá xếp loại hàng năm.

Hay như tại huyện Đô Lương, để tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong giải quyết TTHC, UBND huyện Đô Lương thường xuyên theo dõi kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của các phòng thuộc UBND huyện, các xã, thị trấn trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; qua đó kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị đẩy nhanh quá trình giải quyết hồ sơ, hạn chế tình trạng trễ hạn.

Do đó, đến nay, toàn huyện Đô Lương đã cung cấp 261 bộ thủ tục hành chính cấp huyện (trong đó, có 111 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 150 dịch vụ công trực tuyến một phần); 156 bộ thủ tục hành chính cấp xã (trong đó, có 36 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 114 dịch vụ công trực tuyến một phần). Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 03/05/2024, Bộ phận Một cửa cấp huyện Đô Lương đã tiếp nhận 645 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%; cấp xã tiếp nhận 3.555 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 88,9. Kết quả số hóa hồ sơ giải quyết TTHC quý I/2024 có chuyển biến rõ nét, số hồ sơ có số hóa đạt 99,76%. Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của huyện Đô Lương năm 2023 đứng 7 thứ toàn tỉnh (tăng 1 bậc so với năm 2022).

Kết quả khả quan

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2024, công tác CCHC của tỉnh Nghệ An có nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 37 Quyết định công bố danh mục TTHC với 807 thủ tục (577 TTHC cấp tỉnh, 90 TTHC cấp huyện, 38 thủ tục cấp xã và bãi bỏ 07 thủ tục); ban hành 31 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Về việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, tổng số kỳ trước chuyển sang và tiếp nhận mới là 637 (trong đó 345 PAKN không đúng thẩm quyền, 292 PAKN đã được chuyển cho các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý). Kết quả giải quyết: 179 PAKN đã được xử lý công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 113 PAKN hiện đang xử lý. Đồng thời, đường dây nóng cũng đã tiếp nhận 48 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Trong khi đó, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã được kiểm soát chặt chẽ qua Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đa số đúng hẹn. Tính đến ngày 31/5/2024, Hệ thống đã cung cấp: 1.899 TTHC gồm dịch vụ công một phần: 841 TTHC; Dịch vụ công toàn trình: 1058 TTHC. Cấp tỉnh: 1.380 TTHC; Cấp huyện: 274 TTHC; Cấp xã: 156 TTHC; cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh 89 TTHC. Các đơn vị sử dụng: 21 Sở, ngành; 21 huyện, thành phố, thị xã và 460 xã thực hiện giải quyết TTHC trên Hệ thống.

2.jpg
Cán bộ huyện Đô Lương giải quyết TTHC cho người dân tại Trung tâm Hành chính công huyện. Ảnh: ĐB

Kết quả tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC tính từ ngày 10/12/2023 đến 31/5/2024 là 480.646 (tiếp nhận trực tiếp và qua bưu chính: 243.927 hồ sơ, 236.719 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, số hồ sơ kỳ trước chuyển qua: 15.202 hồ sơ), trong đó: 472.146 hồ sơ đã được giải quyết (có 459.788 hồ sơ giải quyết xong trước hạn và đúng hạn; có 12.358 hồ sơ giải quyết quá hạn theo thời gian quy định); Số hồ sơ đang giải quyết: 10.517; Số hồ sơ chờ bổ sung: 2.800. Số hồ sơ trả lại/rút hồ sơ: 10.385. Ngoài ra, công tác CCHC còn thể hiện ở cải cách tổ chức bộ máy, Cải cách chế độ công vụ, công chức; Cải cách tài chính công; Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số…

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, qua theo dõi kiểm tra thực tế các sở, ngành được chọn làm điểm về công tác công tác cải cách hành chính đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện rõ trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo giải quyết TTHC. Nhất là các thủ tục hành chính liên thông thiết yếu để phục vụ người dân, do đó công tác cải cách hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất, rõ nét, có nhiều điểm sáng ở một số đơn vị, địa phương. Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục kiểm tra các nội dung cải cách hành chính để chỉ đạo, đôn đốc ở các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số của công tác này.

Với việc chọn 7 địa phương, đơn vị để chỉ đạo điểm cải cách hành chính của năm 2024, Nghệ An đã và đang nỗ lực nhằm thực hiện tốt việc cải cách các TTHC hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó từng bước phấn đấu nâng chỉ số PCI, PAR Index, PAPI vào nhóm đầu cả nước như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Theo Tin viết
Tin viết
Copy Link
Tin viết
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Quyết liệt trong chỉ đạo cải cách hành chính