Giao thông

Nghệ An: Xe điện có thể phải dừng hoạt động

Điền Bắc 12/07/2025 08:24

Xe điện 4 bánh đã trở thành một trong những phương tiện vận tải du lịch đặc trưng tại Cửa Lò (Nghệ An). Tuy nhiên, căn cứ quy định mới tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ, hàng trăm phương tiện xe điện tại Cửa Lò có thể sẽ bị “khai tử”.

1(3).jpg
278 xe điện tại Cửa Lò trước nguy cơ dừng hoạt động. Ảnh: Đ.B.

Mắc “kẹt” do thiếu đường

Từ ngày 1/1/2025, việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe điện 4 bánh có gắn động cơ sẽ được thực hiện theo các quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Nghị định số 158 và 165 năm 2024. Đặc biệt, khoản 2, Điều 24 của Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định: “Từ ngày 15/2/2025, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/h, áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông”.

Tại Cửa Lò, hiện có 278 xe điện đang hoạt động, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, theo rà soát, không có tuyến đường nào trong địa bàn có thiết kế tốc độ tối đa dưới 30km/h cho tất cả phương tiện. Hầu hết các tuyến đều có vận tốc thiết kế tối thiểu từ 50km/h trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ xe điện 4 bánh ở Cửa Lò sẽ không có đường đủ điều kiện để lưu thông theo quy định mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Lữ hành du lịch Cửa Lò cho biết: Năm 2011, UBND thị xã Cửa Lò (cũ) đã xin phép thí điểm mô hình xe điện 4 bánh và được Chính phủ đồng ý. Thời điểm đỉnh cao có 558 xe hoạt động. Đến năm 2022, theo yêu cầu quản lý, nhiều người bán xe cũ để đầu tư xe mới đạt chuẩn đăng ký, đăng kiểm và vào HTX. Hiện còn 278 xe đang hoạt động hợp pháp. “Thông tin xe điện buộc phải ngừng lưu thông vì không có tuyến đường đủ điều kiện khiến các hộ kinh doanh hết sức lo lắng. Nếu điều này thành hiện thực, hàng trăm hộ dân sẽ mất kế sinh nhai, trong khi Cửa Lò sẽ mất đi một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ phục vụ du khách”- ông Hùng bày tỏ.

Anh L.X.T - người dân phường Cửa Lò gắn bó với nghề xe điện nhiều năm, chia sẻ: “Chúng tôi từng hoạt động manh mún, sau được quy hoạch bài bản. Người dân vay vốn đầu tư xe mới, vào hợp tác xã, chấp hành đầy đủ quy định. Nhưng Nghị định 165 khiến chúng tôi không biết đi đâu, về đâu. Mong muốn là các cấp có thể xem xét điều chỉnh quy định cho phù hợp thực tiễn địa phương, hoặc ban hành cơ chế chuyển tiếp hợp lý để người dân yên tâm kinh doanh”. Một số ý kiến đề xuất có thể quy hoạch làn riêng cho xe điện trong khu vực nội đô du lịch, hoặc thí điểm giới hạn tốc độ tại một số tuyến đường phù hợp, qua đó tạo hành lang pháp lý cho loại hình phương tiện đặc thù này được tiếp tục hoạt động.

Nghiên cứu cắm biển hạn chế tốc độ

Trước thực tế trên, chính quyền phường Cửa Lò cũng đang tích cực vào cuộc. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Lò, cho biết: Phường đang làm việc với Sở Xây dựng, lực lượng Cảnh sát giao thông để nghiên cứu phương án cắm biển hạn chế tốc độ dưới 30km/h tại những đoạn phù hợp, nhất là trên tuyến đường Bình Minh, trục giao thông du lịch chính của phường. “Nếu được đồng thuận, đây sẽ là giải pháp hài hòa giữa quy định pháp luật và thực tiễn vận hành du lịch” - ông Hùng nói.

Tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vừa qua, vấn đề quản lý xe điện 4 bánh ở Cửa Lò cũng đã được đưa ra thảo luận. Nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu phân làn, điều chỉnh tốc độ tại một số tuyến để tạo điều kiện pháp lý cho xe điện hoạt động hợp pháp, tiếp tục phục vụ du lịch. Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Thí điểm xe điện 4 bánh trên toàn quốc, gồm Cửa Lò, đã kết thúc ngày 1/1/2025. Hiện, xe phải tuân thủ Luật Giao thông, Luật Đường bộ, Nghị định 158 và 165/2024. “Hiện nay ở Cửa Lò chưa có tuyến đường nào có đặt biển báo tốc độ dưới 30km/h, đáp ứng được yêu cầu theo quy định để xe điện được phép lưu hành” - ông Quang thông tin.

Cũng theo ông Quang, việc cắm biển hạn chế tốc độ là cần thiết, tuy nhiên cái khó hiện tại là việc khảo sát và lựa chọn tuyến đường để cắm biển báo tốc độ 30km/h, nhằm tạo điều kiện cho xe chở người 4 bánh hoạt động. Giám đốc Sở Xây dựng cũng khẳng định, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp để tìm ra giải pháp tối ưu, vừa tuân thủ pháp luật vừa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Với đặc thù là đô thị du lịch biển, nhu cầu sử dụng phương tiện thân thiện môi trường như xe điện tại Cửa Lò là rất lớn. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, loại hình vận tải này cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng các cấp, ngành có phương án tháo gỡ vướng mắc, vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa bảo vệ sinh kế hàng trăm hộ dân và tạo thuận lợi cho du khách. Sự linh hoạt, lắng nghe thực tiễn địa phương sẽ là chìa khóa giúp chính sách phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Xe điện có thể phải dừng hoạt động