Người ưa hoài niệm, nhớ về xưa cũ là kể ra được hàng loạt những nghề cùng ăm ắp kỷ niệm của 1 thời. Đó là những nghề như khắc bút, hàn áo mưa, hàn dép… Còn tôi lại nhớ đến một nghề đến cách đây chừng 30 năm và cũng tạm biệt khách, tạm biệt phố mươi năm rồi. Đó là nghề “Đánh máy vi tính”, thường là chung chủ hay ghép với những hàng photocopy.
Có thể nói chỉ thế hệ 7X trở về trước mới biết rõ và kể được “lộ trình” của nghề này, chứ cánh 8X và thế hệ sau có biết nhưng không thể tường tận bằng. Ngày đó văn bản, tài liệu được “đánh máy vi tính”, copy vào đĩa mềm hoặc đĩa CD mang về. Chủ và khách ngồi ríu lấy nhau cả ngày cả buổi, mồ hôi nhễ nhại, hoa cả mắt đọc, gõ, soát, thi thoảng lại phải ra làm cốc trà đá hạ nhiệt. Thế nhưng, khi cầm bản A4 thơm phức thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tiêu tan…
“Lý lịch” của nghề này mới đó mà đã trên dưới 30 năm và giờ đây tìm mỏi mắt trên phố cũng không còn người hành nghề này nữa, có thể nói nó đã nhanh chóng kết thúc sứ mệnh của mình.
Là một 7X, tôi tự xem thế hệ mình như 1 gạch nối giữa những thế hệ đi trước 5X,6X và vẫn có thể đối thoại được với thế hệ 4X mà không bị coi là “nhanh nhẩu”, khoảng cách thế hệ quá mức. Và với những 8X, 9X cũng có nhiều sự đồng cảm, giao thoa không mấy bị các em, các cháu “chê bôi” vì chậm và kém công nghệ. Là những người chứng kiến thời kỳ đầu “mở cửa” chúng tôi thấy phố xá tươi mới bởi những biển hiệu mi-ca cắt dán chữ vi tính nhưng chúng tôi cũng vẫn thấy rất nhiều những bảng hiệu gỗ sơn xanh, sơn nâu thậm chí để mộc viết phấn hay viết tay chữ màu đỏ, màu vàng…
Có thể nói là người “trong cuộc” nên thập niên cuối của thế kỷ trước tôi đã tập viết lách và tôi đã biết đến trong những cửa hàng photocopy trên phố xá Hà Nội đã có nhân viên ngồi đó đánh máy vi tính, nhưng so tính giá thành từng trang đánh máy nên ngày ấy tôi vẫn chọn đánh máy chữ.
Tôi đã đánh máy những truyện ngắn, những bài báo đầu tiên từ một ông cụ trên đường Bê Tông, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông cụ có nhà là 1 căn hộ trong những tòa nhà tập thể 5 tầng xù xì bên đường. Khoảng sân nhỏ có cây xanh là chỗ chơi, hóng mát cho người già và trẻ con mỗi chiều. Ông cụ đã chọn 1 chỗ nho nhỏ, để cái biển gỗ tự tạo “Nhận đánh máy chữ”. Bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ, khi ấy ông cụ chừng gần 70 tuổi, người mảnh dẻ, đúng kiểu công chức. Ông cụ giao tiếp nhã nhặn, cách nhận và trả bản thảo lịch sự, chu đáo. Sau những lần giao tiếp tôi hiểu ông không hề chỉ là người thợ gõ máy chữ mà ông còn là người hiểu biết. Khi về hưu, ông có nghề nên mua cái máy tính này để làm thêm, kiếm thu nhập cũng là đỡ nhàm chán khi nghỉ hưu. Khách hàng của ông thường là những người già, có lẽ tôi là 1 khách hàng trẻ, chữ tháu, nên ông hay phải hỏi lại. Có lần tôi được ông khen, nhớ mãi.
Thế rồi, cơn lốc máy vi tính với những phông chữ tùy chọn, khổ giấy A4 trắng tinh, thơm phức, nổi bật lên những dòng chữ đen lấp lánh đã hấp dẫn tôi. Tôi đã lựa chọn đánh máy vi tính các bản thảo. Đặc biệt là tôi đã thuê đánh máy luận văn tốt nghiệp. Sau khi in, photo xong người thợ khéo léo đóng bìa cứng màu xanh cho 3 bản “công trình khoa học đầu đời” tôi nhớ mãi. Nhưng tôi nhớ về ông, mỗi lần đi qua đó vẫn trông vào, vẫn thấy ông ngồi đó, cặm cụi gõ, cái biển gỗ vẫn để chỗ gốc cây. Rồi, sau đó đi làm, chuyển nhà, bận bịu công việc và đặc biệt là con đường mở rộng, mang tên mới khiến tôi chẳng còn nhận ra “tọa độ” của khu nhà tập thể và chỗ ngồi của ông cụ đánh máy chữ ấy nữa.
Với tôi, ông là 1 người cất giữ kỷ niệm về những trang bản thảo đầu tiên về những người làm nghề đánh máy chữ thế hệ cuối trong thành phố này.
Những năm cuối của thế kỷ trước, để sở hữu 1 cái máy tính và 1 cái máy in là điều không hề dễ dàng. Nhưng những văn bản viết tay đã dần được thay thế bằng những bản đánh máy A4 trình bày chuẩn. Ngay đến cả những văn bản, bản thảo đánh máy chữ cũng “tiu nghỉu” là chắc chắn. Hồi đó, những trung tâm “Tin học văn phòng” mọc lên như nấm và đương nhiên cánh 6X, 7X dù nghèo đến mấy cũng phải dắt nhau đi học “tin học”. Người dạy đắt sô, ngày dạy đến mấy ca, người học thì cố mà học từ việc mở máy tắt máy tính cho đến cách gõ 10 ngón tay chứ ai lại cứ “mổ cò”.
Tất tần tật các văn bản giao, nộp dần dần chuẩn hóa trên các khổ A4, A5, A0 hết và đương nhiên là người đánh máy vi tính làm không hết việc. Cánh chị em văn phòng thế hệ cũ dùng máy chữ đã nhanh chóng tiếp cận và múa trên bàn máy vi tính từ bao giờ không biết. Cánh không chuyên lại chưa sở hữu được máy tính thì đương nhiên phải ra hàng thuê đánh máy. Có những người phải ngồi miết ở đây để soát, đọc, chỉnh sửa văn bản của mình, khi tạm thời yên tâm thì bản cứng in ra, đóng bìa cứng, bìa xanh mềm cầm về, bản mềm là copy vào đĩa phòng bị, mãi sau này mới có USB hay ổ cứng.
Thật là 1 thời đáng nhớ và thời ấy những người hay xuất hiện ở những hàng photocopy, đánh máy vi tính luôn là những người 6X, 7X, không nhiều những chú 5X. Rất có thể 5X là sếp, họ đã có máy tính ở cơ quan, được đi học những “cua” tin học văn phòng và họ đã dần sử dụng thành thạo máy tính để bàn. Cánh 8X với những người có điều kiện, rất có thể họ đã được tiếp cận với máy tính và trở nên thành thạo. Dù không phải là người đánh máy chuyên nghiệp mà phần lớn họ biết múa ngón tay trên bàn phím và họ là những người lựa chọn cách đánh máy văn bản chứ không phải là viết tay.
Thế nhưng, những người thế hệ trước phần vì chưa thạo máy móc, phần vì bảo thủ muốn viết tay để vừa viết vừa suy ngẫm cho thấu đáo hơn nên thời kỳ này số người viết tay vẫn còn kha khá. Và đương nhiên kéo theo những người đánh máy vi tính vẫn còn nhiều việc và những cửa hàng photo-copy vẫn còn kèm dòng “đánh máy vi tính”.
Và rồi, khi mà những chiếc máy vi tính đời đầu “õng ẹo” cần phòng máy lạnh để ngự, hay bị đơ cũng đã được thay thế liên tục bởi những dòng máy mới và máy tính xách tay đã trở nên phổ biến hơn thì có thể nói cả 5X, 6X, 7X, 8X đồng loạt đã tự gõ văn bản. Sổ và bút cũng vắng bóng dần trong các cuộc họp, người ta trở nên thân quen với máy tính hơn bao giờ hết. Có những người học lỏm, học mót chưa qua 1 lớp tin học văn phòng nào cũng đã trở nên thành thạo máy tính xách tay. Những người chỉ biết đến word thì thấy đời mình sang trang khi mà sức lao động được giảm nhiều, đầu óc thảnh thơi nghĩ, tay chỉ việc gõ, sửa và đánh dấu dễ dàng hơn nhiều. Đặc biệt là không bị chép đi chép lại, chẳng ai tính đếm chuyện chữ xấu, khó đọc… Và thế là những file văn bản, những word, excel trở nên gắn bó mật thiết với đông đảo mọi người, mọi ngành nghề. Kinh tế phát triển, nhu cầu công việc đòi hỏi, cơ quan đầu tư máy tính, cá nhân cũng sắm sửa cho mình máy tính để bàn, máy tính xách tay và trăm ngàn thứ chung riêng cất cả trong máy, trong hộp thư, trong USB, sau này là ổ cứng…
Và thế là, nhãng đi cho đến khi, quãng chừng trên dưới 20 năm sau, phố không còn biển hiệu “Đánh máy vi tính” nữa. Những cửa hàng photocopy chỉ còn nhân viên trình bày, in ấn, đóng bìa quyển mà thôi.
Trong câu chuyện của thế hệ 7X, chuyện “đi học tin” và thuê đánh máy vi tính còn rõ mồn một, vì đó là thời của họ, đầy bỡ ngỡ khi tiếp cận và nói thật tuy lượng người thành thạo không nhiều như thế hệ 8X sau này nhưng phải nói rằng họ cũng đã theo kịp công nghệ bằng những nhát “mổ cò” đầu tiên.
Đám 8X không mấy quan tâm, cánh 9X, 2k có thể còn không biết rằng có 1 thời khi chúng chưa ra đời, hay chúng còn rất bé thì thế hệ bố mẹ, ông bà chúng đã từng rất quan tâm đến nghề này và rất hay sử dụng dịch vụ “đánh máy thuê” này.
Với tôi một 7X không giỏi công nghệ, đi từ viết tay sang gõ máy tính thoăn thoắt thì nghề “đánh máy vi tính” và những biển hiệu “Photocopy - đánh máy vi tính” rất đáng nhớ. Phần vì là bước ngoặt của 1 người làm nghề viết, phần vì bản luận văn tốt nghiệp “công trình khoa học đầu đời” của tôi được đem đi “đánh máy vi tính”, thật đẹp và sang trọng.