Ông Phùng Đình Giáp (Song Hồ, Bắc Ninh) 70 tuổi là nghệ nhân cuối cùng còn làm phỗng đất tại Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm phỗng bằng đất. Ông Giáp kể: ‘’Tôi không nhớ rõ mình bắt đầu làm phỗng đất từ bao giờ, vì từ đời ông tôi, bố tôi ai cũng làm phỗng cả. Tôi nhớ có lần học cấp một, cô giáo giao bài tập thủ công là cắt xé giấy thành các con vật, nhưng tôi lại nộp cho cô một con phỗng đất tôi tự tay làm. Lúc ấy tôi cũng run lắm, vì làm không giống yêu cầu của cô. Song, sau khi nộp bài, tôi nhận được điểm 10 mĩ thuật. Cô còn tặng thêm một điểm 10 nữa vì sự sáng tạo và xin tôi luôn con phỗng đất. Đó là lần đầu tiên tôi biết mình làm phỗng cũng đẹp". Tại mảnh đất Bắc Ninh, có hai loại phỗng là phỗng giấy và phỗng đất. Tổ tiên của ông là những người đầu tiên nghĩ ra cách làm con phỗng bằng đất. Con phỗng được nặn từ loại đất thó, nằm sâu 2 m dưới lòng đất và chỉ có khoảng 20-25 cm. Sau khi được đào lên, miếng đất sẽ được vợ chồng ông đập thật nhuyễn rồi sàng cho thật mịn. Sau khi thu được bột đất sẽ trộn cùng với giấy được ngâm từ lâu, tạo thành một loại chất dẻo kết dính như đất sét. Chỉ bằng những vật dụng đơn sơ, như que tăm, cây bút bi hết mực, vài thanh sắt, nghệ nhân Phùng Đình Giáp đã biến những cục đất đơn điệu thành những hình hài ngộ nghĩnh. Khi thì là con gà, khi thì là con chuột.. Theo truyền thống, một bộ phỗng đất Trung Thu gồm 5 nhân vật với 5 ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Con chim thể hiện cho khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả bao la và sự tích thần Kim Quy - biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hóa trong tâm trí người Việt; tượng phỗng người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống. Đặt ở vị trí trung tâm trong bộ 5 tượng phỗng là nhân vật phỗng hình Phật mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống đức độ, hiền lành, đúng mực. Mỗi khi làm việc, ông như để cả tâm tình vào miếng đất. “Tôi làm phỗng chẳng bao giờ để ý đến việc bao lâu sẽ xong, cứ ngồi xuống vân vê miếng đất là quên hết tất cả. Có khi tôi ngồi từ sáng sớm, ngẩng đầu lên là trời đã tối rồi’’ - ông Giáp chia sẻ. Khách hàng của ông Giáp chủ yếu là những người có niềm đam mê với đồ chơi dân gian. Hiện nay, tác phẩm của ông cũng được đặt tại một số bảo tàng trong thành phố Hà Nội. Do hiệu quả kinh tế đem lại không cao, lại chỉ bán được trong dịp Trung thu. Tiền ít mà công sức bỏ ra nhiều, cả làng Song Hồ, Bắc Ninh đều bỏ phỗng đất để chuyển sang làm hàng mã. Tuy nhiên, ông Giáp vẫn quyết kiên trì đến cùng với phỗng đất dân gian. Ông truyền dạy cho con cháu của mình cách làm phỗng, ý nghĩa của từng hình tượng. Giờ đây cháu ông cũng có thể nặn thành thạo con phỗng. Bên cạnh việc làm phỗng đất dân gian với các hình tượng quen thuộc, ông Giáp còn sáng tạo thêm các hình tượng mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra, cháu ông cũng đã lập fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook để chia sẻ kiến thức về phỗng đất dân gian. Tuy phỗng đất ngày nay được ít người biết đến. Song, giá trị của nó sẽ còn mãi với thời gian như một dấu tích về nét đẹp văn hoá của người Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.