Nghệ nhân dành hơn 70 năm thổi hồn vào những chiếc đèn kéo quân dịp Trung thu

Lê Khánh 17/09/2023 12:24

Trước sự phát triển của những chiếc đèn Trung thu hiện đại, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1939) đã có hơn 70 năm làm đèn kéo quân vẫn miệt mài ngày đêm, thổi hồn cho những món đồ chơi dân gian, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Hơn 70 năm làm đèn kéo quân

Tìm về làng Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi đây được coi là ngôi làng có truyền thống lâu đời làm đồ chơi Trung Thu, đặc biệt là những chiếc đèn kéo quân. Chúng tôi được gặp Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (84 tuổi) đang ngồi vót nan tre để làm ra những chiếc đèn kéo quân.

Ở tuổi 84, những nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn còn rất nhanh nhẹn, bàn tay thoăn thoắt. Vừa làm vừa nói, ông Quyền kể, khi ông còn nhỏ, cứ đến dịp Tết Trung thu, các cụ trong nhà lại làm đèn cho con cháu chơi. Bởi ngày xưa làm gì có tiền ra Hà Nội mua đồ chơi Trung thu nên lũ trẻ cùng nhau đi kiếm tre và vài tờ giấy để làm đèo kéo quân. Vậy là thành nghề.

Dù đã tuổi 84 nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn còn rất nhanh nhẹn, bàn tay thoăn thoắt để cưa, vót những thanh tre để làm đèn kéo quân.

"Cách đây khoảng 60 năm, đèn kéo quân rất thịnh hành ở vùng nông thôn. Bởi hầu như nhà nào Tết Trung thu cũng làm đèn kéo quân cho con cháu chơi. Gia đình tôi cũng vậy, đa phần chỉ làm cho con cháu trong nhà chơi, ai người quen thích thì làm cho chứ chẳng mua bán gì.

Đến nay, khi đồ chơi nước ngoài tràn ngập, đèn kéo quân nói riêng, đồ chơi truyền thống nói chung mai một dần, ngày càng ít người chơi", ông Quyền kể.

Mặc dù vậy, ông Quyền vẫn giữ nghề, mỗi dịp Tết Trung thu lại làm đèn cho các con cháu chơi. Tuy nhiên, kể từ năm 2006 khi được hướng dẫn các bạn trẻ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam làm đèn kéo quân thì lúc đó mới có nhiều người biết đến ông và bắt đầu tìm về mua những món đồ chơi truyền thống.

Ông Quyền kể trước đây, làng ông có nhiều nhà làm đèn kéo quân, nhưng đến nay cả làng bỏ nghề vì làm đèn kéo quân tốn nhiều thời gian trong khi thu nhập khá thấp.

Sau khi vót tre xong ông Quyền bắt đầu tạo khung cho chiếc đèn kéo quân.

"Một chiếc đèn kéo quân được làm rất kỳ công ,mất từ 7-8 tiếng, trong khi giá thành chỉ có 180.000 đồng, nên nghề làm đèn không phải nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Do yêu nghề nên đến nay tôi vẫn chưa từ bỏ nghề.

Trong gia đình tôi ai cũng biết làm làm những chẳng ai muốn theo nghề, vì làm cầu kỳ mà công lại rất thấp", ông Quyền tâm sự.

Sau đó ông dùng giấy để bọc xung quanh các khung tre để tạo độ thẩm mỹ cho đèn.

Theo ông Quyền, để làm hoàn thiện một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đòi hỏi tính kiên nhẫn của người làm. Đầu tiên ông phải lựa chọn những cây tre già ngâm nước khoảng 3 tháng để tre đỡ mối mọt rồi mới bắt đầu vớt để phơi khô.

Sau khi phơi khô, ông phải tỉ mỉ vót rồi dựng khung, làm tán, chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy, bên dưới có chỗ để cắm nến. Xung quanh đèn dán giấy nến (hoặc giấy bản).

Chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy.

Để tạo thêm thẩm mỹ, bên ngoài chiếc đèn dán thêm những họa tiết trang trí nhỏ để chiếc đèn nhìn sinh động, bắt mắt hơn. Khi đốt nến bên trong, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong sẽ giãn nở và tăng thể tích, đẩy chóng chóng bên trên quay khiến các con vật dán trên vòng tròn cũng quay theo. Qua đó, nhìn từ phía bên ngoài sẽ thấy bóng các con vật (các quân) cứ nối đuôi nhau chạy thành vòng tròn. Từ đó cái tên gọi kéo quên ra đời.

Chiếc đèn của lòng hiếu thảo

Theo ông Quyền đèn kéo quân trông đơn giản thế thôi, nhưng nó có nhiều ý nghĩa. Chuyện kể rằng, thời xa xưa, ông Lục Thức là một người con có hiếu, mồ côi cha từ nhỏ. Ông ở với mẹ già, vừa đi học, vừa phải đi làm kiếm sống.

Thương mẹ già ốm yếu nằm ở nhà một mình, ông Lục Thức nghĩ đến việc làm ra cái đèn có gắn các con vật, đốt nến bên trong cho các con vật quay xung quanh, để tạo cảm giác lúc nào trong nhà cũng có bóng người sẽ khiến mẹ ông đỡ buồn hơn. Khi chiếc đèn làm xong, mẹ ông vui lắm, trẻ con trong xóm thấy vậy cũng thường đến nhà ông ngắm đèn, nên nhà ông lúc nào cũng đông vui.

Hình ảnh những con vật được dán trong đèn kéo quân.

Một ngày nọ, nhà vua vi hành đi qua làng, thấy trong ngôi nhà tranh vách nát nhưng lại đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nhà vua tò mò hỏi thăm người dân trong làng. Nghe dân làng kể về tấm gương hiếu thảo của ông Lục Thức, nhà vua vào xem và thấy cái đèn được làm rất tinh vi nên rất cảm động.

Để ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của ông Lục Thức, nhà vua lệnh cho nhân dân từ nay trở đi, đến Rằm tháng Tám hay Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu phải làm đèn kéo quân để trưng bày và biểu dương tấm gương hiếu thảo của ông Lục Thức cho đời.

Mất từ 7-8 tiếng mới có thể hoàn thành xong một chiếc đèn.

Từ đó, nhân dân ta bắt đầu làm và chơi đèn kéo quân. Các ông bố, bà mẹ mỗi khi làm đèn kéo quân cho con cháu chơi, đều kể cho con cháu nghe sự tích của chiếc đèn kéo quân với mục đích giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu.

Ngoài ra, theo ông Quyền trước đây, các cụ làm đèn kéo quân cho trẻ em ngoài mục đích như một món đồ chơi còn mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, vì vậy những hình dán lên các thân mặt đèn kéo quân thường có hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận.

Ông Quyền bên chiếc đèn kéo quân đã hoàn thành.

"Khi đất nước không còn chiến tranh thì bên trong các quân có thể thành những con vật quen thuộc như trâu, bò, lợn, gà, hoặc hình người theo chủ đề sỹ nông công thương, ngư tiều canh mục…

Sau này, các hình vẽ được dán lên đèn phong phú hơn, nhiều trẻ em sáng tạo, mua đèn về rồi xé bỏ những con vật có sẵn, tự cắt hình các nhân vật hoạt hình yêu thích", ông Quyền cho hay.

Năm 2019, nhằm ghi nhân công lao về gìn giữ món đồ chơi truyền thống, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ nhân dành hơn 70 năm thổi hồn vào những chiếc đèn kéo quân dịp Trung thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO