Là một người có niềm đam mê với những giá trị nhân sinh, cùng với tư tưởng tiêu dao của Đạo gia, từ sớm Mai Chí Cường có cơ hội tiếp xúc với nhiều học thuật mà tiền nhân lưu lại. Trong đó, Cổ Cầm là nhạc cụ mà anh lựa chọn.
Cổ Cầm đem đến cho Mai Chí Cường một niềm vui trong việc tìm thấy bản thân mình, cũng như nghiên cứu sâu hơn về âm luật, lịch sử, văn hóa và triết học được lồng ghép trong các truyện ngụ ngôn và cầm khúc. Thông qua việc kể chuyện qua tiếng đàn, niềm vui từ Cầm với anh là bất tận.
Cầm đạo là một môn rất mới mẻ ở Việt Nam hiện nay, mặc dù trong lịch sử đã từng có nhiều danh sĩ chơi Cầm, từ các vị hoàng đế Lý-Trần, danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh cho đến những bậc y tổ như cụ Hải Thượng Lãn Ông. Mai Chí Cường chọn học chơi đàn Cầm từ sự yêu thích học thuật cổ xưa, lĩnh hội từ cái đẹp và sự vi tế trong thanh âm và lối chơi. Đến với môn nghệ thuật này, Cường được sự giúp đỡ về tư liệu cũng như Cổ Cầm từ các tiền bối trên cả nước. Thoạt đầu chưa có đàn, Cường tập luyện hình thế ngón đàn và đàn tưởng tượng thanh âm qua 7 dây căng ra, cùng với những bản thu âm của các đại sư Cổ Cầm Trung Hoa từ thế kỉ trước.
“Cầm phổ cổ xưa còn gợi ý các tình huống, các nơi có thể đàn Cầm như khi gặp tri âm, khi ngồi thuyền,... không nhất thiết là nơi cảnh núi rừng yên tịnh”, nghệ sĩ Mai Chí Cường cho biết.
Theo nghệ sĩ Mai Chí Cương, người học Cổ Cầm không phải chỉ chú trọng hình thức mà phải mài dũa các đức tính tốt bên trong, vừa tuân theo cái đạo của tự nhiên vừa hòa đồng với mọi người. Đó là thành quả chính đáng cần có được.
Nghệ sĩ Mai Chí Cường chọn cách sống ẩn mình, tĩnh lặng. Sinh ra tại TPHCM, tuổi thơ trải qua ở Tây Ninh. Nếu không dành thời gian cho việc nhập thất, mỗi tuần, Mai Chí Cường lại đi từ Tây Ninh, nơi anh dành thời gian nghiên cứu chế biến thuốc từ cây cỏ thực vật, về thành phố để dạy hoặc chơi đàn cùng tri âm. Khi ra Hà Nội, Cường cùng bạn bè đi thuyền ra giữa sông Hồng thả trôi mà chơi đàn, uống rượu, trò chuyện và ngắm hoàng hôn xuống bên kia xa cầu Nhật Tân. Rồi anh lại tìm nơi thôn dã bình yên, hay núi rừng để vui cùng thanh âm của thiên nhiên. Sự tĩnh lặng ấy thật đẹp và giúp anh nạp rất nhiều năng lượng từ tạo hóa, an định trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc tiêu dao.
Nghệ sĩ Mai Chí Cường ưa thích đến các núi, động và sông suối khác nhau. Anh cho không hẳn là một mình, vì nơi ấy có chim, có côn trùng tạo thanh âm, bè bạn tâm giao cũng được cuộc rượu, trà. Đàn trong hang động với Cường cũng thật thú vị và phiêu linh. Đêm giữa núi có thế đốt lửa đun trà và nhìn chòm sao Bắc đẩu mà đàn. Đi dạo núi đêm ngắm nhìn đom đóm hay sơn khí rẽ mây từ đỉnh thượng cũng bình lặng và thong dong.
“Con đường của tôi có nhiều quý nhân trợ duyên, song chân tôi đi vẫn là độc hành”, nghệ sĩ Mai Chí Cường chia sẻ. “Tôi vẫn học hỏi hàng ngày để tìm thấy những không gian tâm thức mới thú vị. Tôi xóa bỏ mọi mục tiêu để cuộc tiêu dao có nhiều điều bất ngờ, từ đó mỗi cuộc đàn của tôi là duy nhất. Có thể an định lặng lẽ trước mọi tình huống có thể xảy đến. Con đường tôi đi là mong muốn tạo sự cảm hứng cho những người hữu duyên tôi gặp, dù họ từ những lĩnh vực nào. Ngoài ra, âm thầm mục tiêu phát triển môn Cầm học theo đúng bản chất của nó. Và điều hướng tới là có thể dùng âm thanh của Cầm để chữa lành thân tâm”.
Để có thể sống tự do theo cách mà bản thân muốn, với Cường, đó là sự thuận duyên. Hợp duyên từ gia đình cha mẹ tôn trọng tự do cá nhân của con cái khi đã lớn. Duyên từ tiền bối anh chị em bạn bè khắp nơi tạo cảm hứng và hỗ trợ. Duyên từ những những tôn giáo mà anh đã viếng bái. Duyên vì đã tháo gỡ những tư tưởng gò bó để tự tại chu du. Và duyên vì mình đã sớm nhìn thấy chính mình.
Một ngày của Mai Chí Cường thường là sáng một ấm trà, ngày ngày đọc sách thuốc và những điều anh cho là hay, có thể giúp ích cho mọi người. Nếu ở phố thị Cường dạy đàn và cùng bạn bè tâm giao. Ở núi rừng, anh vui cùng cảnh sắc, tránh xa ồn ào thị phi của thế nhân.