Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Tình riêng với Hà Nội

TRẦN THỊ TRƯỜNG 12/10/2022 06:18

Lê Vượng chụp nhiều về các vùng quê của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, nhưng ông đặc biệt dành tình cảm cho Hà Nội. Ông đắm mình trong không gian và thời gian của mảnh đất ông sinh sống và thường mang máy ảnh theo người lững thững đi tìm những khoảnh khắc đẹp về đời sống của con người và phong cảnh nơi này.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng. Ảnh: Thư Hoàng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia tộc ông đã có tới gần 600 năm sinh sống ở đất Thăng Long. Gia đình ông sống tại số nhà 63 phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Ông gọi cụ Lê Hoan-Quan Khâm sai đại thần triều Nguyễn, người có tư tưởng kháng Pháp, ủng hộ nghĩa quân Đề Thám, là ông nội.

Ngay từ năm 18 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Albert Sarraut Hà Nội, Lê Vượng đã gắn bó, đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, có lẽ ông thuộc những người cầm máy ảnh sớm nhất ở miền Bắc. Lê Vượng rất yêu Hà Nội, chụp nhiều về Hà Nội và các vùng quê của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, nhưng ông đặc biệt dành tình cảm cho Hà Nội. Ông đắm mình trong không gian và thời gian của mảnh đất ông sinh sống và thường mang máy ảnh theo người lững thững đi tìm những khoảnh khắc đẹp về đời sống của con người và phong cảnh nơi này.

Chú của ông là họa sĩ Lê Phổ, một danh họa nổi tiếng của Việt Nam, tên của Lê Phổ được nhắc đến ở quốc tế. Bởi thế từ nhỏ, Lê Vượng đã mê hội họa và thích chụp ảnh. Ông giao du với nhiều họa sĩ, được tắm mình trong một không gian nghệ thuật nên ảnh của ông rất mạnh về tạo hình, có nhiều lớp không gian, bố cục chặt chẽ, phong phú về mặt chi tiết, mảng chính - phụ hài hòa, bổ sung cho nhau.

Màu sắc trong ảnh thường là đối lập nhau hay pha trộn theo những nguyên tắc phối màu của hội họa, tạo hiệu quả thị giác ấn tượng đặc biệt. Những nhà nhiếp ảnh cùng thời và lớp trẻ cầm máy sau này, khi xem ảnh của Lê Vượng đều nói: Lê Vượng chỉ có ảnh đẹp, ông không biết chụp ảnh xấu. Ngay cả những ảnh thuộc đề tài người lao động lam lũ vất vả, trong ảnh ông vẫn bừng lên ánh sáng của hy vọng như nét đẹp át hẳn cái khó nhọc kia, cho người xem cảm xúc nhẹ nhàng.

Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lê Vượng.

Những năm 30 của thế kỷ trước, ông đã lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô. Nhìn những tác phẩm chụp Hà Nội xưa của Lê Vượng, thấy được tài nghệ của một tay máy có hạng: Ông thường hướng góc máy vào những con phố nhỏ, mái nhà cổ, đình làng để người xem thấy được những nét văn hóa dân gian độc đáo của Việt Nam. Một cành cây, một đường tàu điện cắt ngang qua phố, hay một vẻ đẹp tĩnh tại, cổ kính, trầm mặc cũng là đề tài sáng tác của Lê Vượng. Tác phẩm nhiếp ảnh của ông mang chiều sâu văn hóa và những giá trị tư liệu quý về di sản kiến trúc, về không gian, thời gian của Hà Nội…

Năm 1962, khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, ông trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của bảo tàng với nhiệm vụ ghi lại các tư liệu cần lưu giữ về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội và Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, ông tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ với hàng vạn cuộn phim tư liệu và hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng như những di sản ký ức vô giá.

Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông tham gia biên soạn nhiều tập sách ảnh giới thiệu về Việt Nam đất nước con người do UNESCO ấn hành như: “Huế giữa chúng ta”, “Nghề gốm mỹ nghệ Việt Nam” in tại Pháp năm 1983, “Việt Nam - đất nước của Bác Hồ” in tại Liên Xô năm 1985.

Ông có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm quốc tế như: tại Rumani năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977; tại Pháp năm 1971, 1972; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm 1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hồng Kông (Trung Quốc), Pakistan, Canada năm 1997, tại Pháp năm 1998. Hơn 40 tác phẩm ảnh của ông được triển lãm ở Rumania nhân Hội nghị nguyên thủ các quốc gia nói tiếng Pháp - Francophonie. Rồi lần lượt triển lãm của ông xuất hiện ở Canada, Pháp, Nhật Bản…

Cầu Thê Húc trong ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận xét: “Lê Vượng không chạy theo trường phái nào cả, ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc, nhất là ảnh phong cảnh. Không chỉ đẹp mà những bức ảnh của Lê Vượng nhiều ý nghĩa. Mặc dù lãng mạn, ảnh của ông lại mang tính chính xác, nhiều khi mang tính dân tộc học vì ông chụp cho Viện bảo tàng Mỹ thuật hàng vạn phim ảnh làm tư liệu nghiên cứu". Còn nhà nhiếp ảnh Quang Phùng - người đã giành Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - nhận xét: "Lê Vượng chụp ảnh đã thành tinh”.

Ảnh của ông đẹp từ bố cục, kết cấu đến những quy luật của thị giác. Mỗi bức ảnh của ông đều khiến người xem thêm một lần ngẫm nghĩ về cuộc sống. Không chỉ là hình, khối, màu, sắc mà dường như bên trong mỗi tấm ảnh của ông có cả tiếng nói. Lê Vượng thích những mái nhỏ cổ kính nhấp nhô của Hà Nội xưa. Vẻ đẹp quyến rũ của những mái ngói màu nâu sẫm phủ đầy rêu phong nằm nép mình sau những tán cây chính là điều làm nên sự khác biệt của Hà Nội với những thành phố khác, cũng là nguồn cảm hứng trong rất nhiều bức ảnh của Lê Vượng.

Ông từng kể câu chuyện trèo lên một căn nhà ở gần bờ hồ. Khi đó, Hà Nội đã bị bê tông hóa khá nhiều, mất đi phần nào nét đẹp cổ kính ngày xưa. Tuy nhiên khi nhìn về phía rạp Tố Như ở phố Hàng Bạc, Lê Vượng đã vô cùng bất ngờ khi những nét đẹp truyền thống của những chiếc mái ngói vảy cá vẫn hiện hữu giữa những nóc nhà bằng phẳng theo phong cách hiện đại. Sau một hồi nhìn ngắm những mái nhà truyền thống, đậm chất Việt ấy, ông đã giơ ống kính lên để lưu giữ một vẻ đẹp có thể sẽ không còn trong nay mai.

Ảnh của ông có nhiều những con phố nhỏ với mái nhà đặc trưng kiến trúc Việt Nam, những ngôi chùa cổ phảng phất màu hương khói; những cây bàng lá đỏ nghiêng nghiêng bên góc phố; cầu Thê Húc in bóng mặt hồ Gươm… Những hình ảnh rất đặc trưng Hà Nội.

Ông còn là một trong 2 nhà nhiếp ảnh Việt Nam được Trung tâm giao lưu nghệ thuật Đông Dương tuyển chọn 2 tác phẩm “Lòng đất” và “Đường nét công nghiệp” để trưng bày tại Hoa Kỳ. Đến nay ông đã sở hữu nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá, trưng bày ảnh ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Cuốn sách ảnh khổ lớn mang tên “Những khoảnh khắc” của ông rất có giá trị đối với giới làm nghệ thuật trong nước và quốc tế. Bìa cuốn sách là bức ảnh “Cội nguồn” được chụp năm 1990, ghi lại hình ảnh cây đa Cổ Loa nghìn năm tuổi.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Cùng với nhà văn Tô Hoài, giáo sư Phan Huy Lê, nhiếp ảnh gia Quang Phùng, nhà nghiên cứu Giang Quân… Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trao cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng là sự tôn vinh tâm huyết, những cống hiến, đóng góp của ông cho thủ đô Hà Nội”.

Tuổi càng cao, nhà nhiếp ảnh Lê Vượng càng nhiều niềm vui bởi con cái thành đạt. Con trai của ông là Lê Cường, không những nối nghiệp cha cầm máy, nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi, một nhà nghiên cứu uy tín. Con gái ông là nhà giáo Lê Thiếu Ngân - phu nhân của Đại sứ Nguyễn Phú Bình. Chị cũng là một họa sĩ được nhiều người nhắc đến.

Để nối tiếp truyền thống vẻ vang và danh giá của gia tộc, nhà nhiếp ảnh Lê Vượng dạy con bằng tấm gương lao động miệt mài, tận tuỵ, trách nhiệm. Bằng sự đam mê sáng tạo nghệ thuật, ông đã là tấm gương sáng cho con cháu. Cả một cuộc đời đam mê sáng tạo, sống nhân nghĩa, thanh bạch ông đã dành được tình yêu thương, sự ngưỡng mộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu quý, kính trọng ông và nghệ thuật của ông. Ông để lại cho đời một gia tài ảnh rất có giá trị trước khi rời cõi thế vào một ngày thu tháng 10 năm 2021, thọ 103 tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng được phong Tước hiệu A- FIAP của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), Giải thưởng Bifota (Đức) với tác phẩm “Đôi bàn tay khéo” (1967). Giải nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô (1972) với tác phẩm “Nghệ nhân Song Hỷ thêu tranh”. Huy chương đồng CHDC Đức năm 1973 cho tác phẩm “Ruộng bậc thang”. Giải ACCU (Nhật Bản) năm 1984 với tác phẩm “Hội Đền Hùng”. Huy chương bạc FIAP năm 1996 với tác phẩm “Lòng đất”. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2016. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Huân chương Lao động hạng Ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Tình riêng với Hà Nội