Mạng xã hội phát triển, vấn nạn phát ngôn thiếu văn hóa trên nền tảng thông tin xã hội trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Đáng nói, những văn hóa lệch chuẩn đó lại xuất phát từ những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng.
Từ những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên các nền tảng mạng xã hội, giới văn, nghệ sĩ đã và đang phải gánh chịu “cơn bão” chỉ trích từ chính những người hâm mộ.
Lộng ngôn trên mạng xã hội… cái giá "đắt" phải trả
Đã một thời, dư luận choáng váng trước phát biểu của NSƯT Đức Hải, những lời lẽ thiếu văn minh đăng tải trên trang Facebook của nam nghệ sĩ có nội dung công kích người khác và sử dụng một số từ ngữ thô tục. Bài viết ngay sau đấy bị dư luận chụp màn hình rồi mang ra bàn luận.
Trước làn sóng tẩy chay mạnh mẽ, nam nghệ sĩ bị miễn nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Đây là cái giá phải trả cho việc phát ngôn thiếu suy nghĩ trên mạng xã hội.
Trước đó, không ít lần khán giả bắt gặp nữ người mẫu Trang Trần nói tục trên trang cá nhân. Thậm chí có lần còn “đe dọa” một nữ nghệ sĩ khác bằng những từ ngữ thiếu văn hóa. Đây là đỉnh điểm khiến công chúng bất bình về cách cư xử của cô.
Nữ ca sĩ Tóc Tiên cũng từng gây bất ngờ khi đăng tải bức hình chụp chiếc áo của một người bạn in dòng chữ có nội dung “xấu xí”. Ngọc Trinh cũng đã bị công chúng chán ngán khi “đá” thêm vài câu từ tục tĩu trong clip hậu trường chụp ảnh, clip tập nhảy sexy…
Nổi tiếng với vẻ ngoài lịch lãm, thế nhưng mới đây, nam ca sĩ Noo Phước Thịnh gây hoang mang khi cập nhật dòng trạng thái được cho là "thô thiển" vì những lời lẽ gợi tưởng đến chuyện 18+. Ngôn ngữ trong bài đăng được cho là không phù hợp với không gian mạng, dòng trạng thái ngay sau khi đăng tải đã nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều.
Trước “bão” tranh luận từ cư dân mạng, Noo Phước Thịnh gỡ bài đăng khỏi trang cá nhân. Nam ca sĩ cho biết sẽ cẩn trọng hơn khi chia sẻ trên mạng xã hội.
Anh viết: “Noo gửi một lời xin lỗi chân thành đến khán giả và những người yêu thương mình”. Anh coi đây là bài học về hành xử trên mạng xã hội đối với bản thân.
Có không ít lần khán giả bắt gặp nữ diễn viên Phan Thị Trà My chửi đổng trên mạng xã hội. Những lời lẽ vô văn hóa xuất hiện dày đặc trên trang cá nhân của nữ diễn viên Thương nhớ ở ai khiến khán giả đặt nghi vấn về văn hóa phát ngôn thiếu chuẩn mực của giới văn, nghệ, sĩ.
Những lời lẽ đấy vô hình chung trở thành rào cản tạo khoảng cách giữa người nghệ sĩ và công chúng.
Giữ đúng chuẩn mực văn hóa
Ông cha ta vẫn thường truyền tay nhau câu nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua…”, loạt phát ngôn ‘chợ búa” thiếu suy nghĩ của giới văn, nghệ sĩ đã khiến họ mất điểm trong lòng công chúng.
Suy cho cùng, nghệ sĩ cũng là con người, cũng có lúc này lúc kia, cũng không ai là hoàn hảo 100%. Thế nhưng, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Họ vốn là những người có sức ảnh hưởng nhất định tới công chúng.
Vì thế, hơn ai hết nghệ sĩ hãy là người có suy nghĩ tích cực, là tấm gương đẹp về cách sống, ứng xử có văn hóa, vì khán giả, vì cộng đồng hơn là vì bản thân mình, xứng đáng là người của công chúng, người nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa.
Ăn nói giữ chừng mực, phát ngôn có suy nghĩ, nói lời hay ý đẹp cũng là cách để nghệ sĩ xích lại gần hơn với công chúng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online về vấn đề phát ngôn của giới văn, nghệ sĩ trong thời gian gần đây, luật sư Nguyễn Tiến Hiếu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra một số nhận xét.
Theo luật sư Hiếu, việc giới nghệ sĩ phát ngôn phản cảm, thiếu chuẩn mực xã hội thời gian gần đây đều đáng bị lên án. Bởi, nghệ sĩ là những người có lượng fan lớn, vì vậy những phát ngôn thiếu chuẩn mực sẽ tác động tiêu cực đến xã hội đặc biệt là định hướng phong cách sống của giới trẻ.
“Có một hiện tượng gọi là tâm lý đám đông, ban đầu là ủng hộ theo phong cách thần tượng, sau đó bị cuốn theo câu nói, hành vi dần dần hành động theo đó, vô tình hình thành một nhân cách sống lệch lạc như: bạo lực học đường, sống kiểu “anh em giang hồ” trên mạng… điều này cần bị lên án mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm chấn chỉnh để hoạt động văn hóa văn nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn mang những giá trị văn hóa dân tộc”, Luật sư Hiếu nhấn mạnh.
Nêu một vài biện pháp hạn chế tình trạng lộng ngôn của giới văn, nghệ sĩ, luật sư Hiếu thông tin: “Gần đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ để Quốc Hội thông qua, tôi rất mong chờ chi tiết nội dung của bộ quy tắc này.
Đây sẽ là quy tắc nghề nghiệp không chỉ tôn vinh nghệ sĩ - những con người góp phần xây dựng văn hóa tinh thần dân tộc mà còn đưa ra những quy tắc chung về ứng xử đối với đồng nghiệp công chúng, hay trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội”.