Một thời gian dài, nhiều nghệ sĩ đã dùng sự nổi tiếng của mình để quảng cáo và thổi phồng một số sản phẩm. Đây có thể coi là hành vi lợi dụng lòng tin, lừa dối khán giả. Một số nghệ sĩ vi phạm đã bị xử phạt hành chính, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.
Còn những kẽ hở pháp lý
Luật Quảng cáo đã có những quy định về nội dung và hình thức quảng cáo. Cụ thể, Điều 19 quy định, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng. Hình thức được thể hiện trên các phương tiện khác nhau sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nội dung.
Như vậy có thể thấy, đã có cơ chế, chế tài, quy định để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo có. Bên cạnh đó, cũng đã có những quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo.
Những năm gần đây, việc quảng cáo của các nghệ sĩ, đặc biệt là trên các mạng xã hội, gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người lên án gay gắt tình trạng nghệ sĩ lợi dụng danh tiếng để quảng cáo trên mạng mà bỏ qua tính xác thực của sản phẩm.
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương, thời gian qua có rất nhiều quảng cáo trên môi trường mạng chưa phản ánh đúng chất lượng sản phẩm. Đối với một số nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng lớn quảng cáo sai sự thật, cần có chế tài chặt chẽ hơn. Bởi họ có ảnh hưởng lớn, định hướng người tiêu dùng, định hướng sự lựa chọn sản phẩm sai nếu như nghe theo quảng cáo.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, do chúng ta đang ở giai đoạn đầu, các hình thức quảng cáo còn nhiều điểm mới, luật pháp cũng chưa hoàn toàn chặt chẽ dẫn đến việc có nhiều quảng cáo sai, không đúng chức năng, công dụng, trong đó có sự tham gia của các nghệ sĩ và người nổi tiếng. Có thể là do nghệ sĩ, người nổi tiếng hoàn toàn tin tưởng vào nhãn hàng, công ty quảng cáo, chỉ nghĩ mình đóng vai như họ đã từng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật khác. Nhưng cũng có những nghệ sĩ, dù biết, nhưng vì chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội, đạo đức của mình đối với công chúng, do hoàn cảnh kinh tế thúc ép hay những nguyên nhân khác, vẫn tham gia, tiếp tay cho việc quảng cáo sai sự thật. Đó là những điều chúng ta cần chấn chỉnh trong thời gian tới.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đăng tải bài viết, tham gia chương trình/video quảng cáo một cách thổi phồng, sai sự thật về sản phẩm trên các trang mạng xã hội đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội.
“Mặc dù đã có những quy định, chế tài xử lý vi phạm nhưng để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể thì lại khác. Rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đã quảng cáo theo phương thức “trải nghiệm sản phẩm của bản thân” hay “chia sẻ thông tin bổ ích” nhằm tránh bị xử phạt. Hơn nữa, pháp luật hiện nay cũng chưa quy định rõ ràng hoạt động quảng cáo thông qua bên/người trung gian đóng vai trò quảng bá sản phẩm. Do đó, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định bên vi phạm và quy trách nhiệm cho bên nào vi phạm” - ông Bình nói.
Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ sức răn đe
Liên quan đến việc nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, bị các cơ quan chức năng nhắc nhở và dư luận lên án, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đưa ra quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín, nghĩa là chúng ta không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có uy tín khác. Người có uy tín đó sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là vì nhiều lý do khác nhau, không chỉ liên quan đến trách nhiệm của các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Tuy nhiên, đây là những vấn đề quan trọng, cần phải quan tâm. Trong Luật Quảng cáo (2012) trước đây, có định nghĩa về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhưng ở chương 2 của Luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo lại không đề cập đối tượng này. Đây chính là kẽ hở pháp luật khiến khó xử phạt các hành vi vi phạm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, cần phải xử lý nghiêm các nghệ sĩ, ca sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật. Để ngăn chặn triệt để được hành vi trên là rất khó khăn, đòi hỏi chế tài xử phạt cần phải nghiêm khắc hơn đối với nghệ sĩ, ca sĩ như hạn chế xuất hiện trên mạng xã hội, truyền hình hay cấm diễn trong một thời gian hoặc vĩnh viễn thậm chí là phạt tù có thời hạn. Không chỉ vậy, giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ, ca sĩ và những người có trình độ chuyên môn cần có sự trao đổi kỹ lưỡng nhằm tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy đối với hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi bổ sung được thông qua hứa hẹn sẽ giải quyết được bài toán khó này.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc chờ đợi những sửa đổi của Luật Quảng cáo, sự chung tay, lên tiếng của công chúng, thậm chí là tẩy chay nghệ sĩ, người có ảnh hưởng là hết sức cần thiết. Bởi khi đó, các nghệ sĩ, người có ảnh hưởng cẩn trọng hơn, thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn trong hoạt động quảng cáo.