Đang trong thời kỳ hoạt động nghệ thuật đạt nhiều thành tựu, nghệ sĩ Thu Trần (sinh năm 1970) đối mặt với bệnh tật và phải thường xuyên đến viện điều trị.
Trong thời gian giãn cách vừa qua, chị lại bị tai nạn phải trải qua ca phẫu thuật mổ chân phức tạp. Dù gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt với những thay đổi bất thường, nhưng nghệ sĩ Thu Trần nhanh chóng quay trở lại sáng tạo nghệ thuật với tâm thế chấp nhận, thay đổi để thích ứng.
“Trong khoảng thời gian này tôi cảm thấy dễ dàng để nghệ thuật hòa nhập tâm hồn trong mọi khoảnh khắc. Điều đó làm tôi vui sướng như cô gái đang được yêu”, nghệ sĩ Thu Trần chia sẻ.
1. “Sau bao năm để đi được cùng với nghệ thuật, lúc này nhìn lại, tôi thấy như những giấc mơ dài và không hiểu mình đã đi qua lúc nào, thật sự là một chặng đường dài miên man.
Đi tìm con đường riêng có lẽ là điều bất cứ một hoạ sĩ nào cũng mong muốn, tôi đi tìm đường như đi tìm tình yêu cho chính mình. Tình yêu này như một con đường không có điểm đến, tôi đã xác định đi vào điểm mù không tỏ lối, cả đầy rẫy những bất lực và khó khăn mọi bề. Cuối cùng tôi hiểu ra khó khăn lớn nhất là đấu tranh với chính mình, tìm được chính mình quả là chẳng dễ dàng gì.
Tôi mất rất nhiều năm tháng để trải nghiệm và đại đa số hình như ở xa xa kia là tia sáng cuối đường hầm nhưng chỉ là le lói thôi chứ vẫn mông lung mà ta chưa thực sự có được nó.
Cuộc dượt đuổi theo chính bản thân và những ý tưởng đã đem lại cho tôi niềm tin và tình yêu trong nghệ thuật, đó là giá trị hạnh phúc cá nhân, rồi mới đến những giá trị khác. Những việc gọi là thành công tôi không nghĩ nhiều đến thế”.
“Khi được vẽ, được giăng tơ bên vải, đó là lúc không biết sức khoẻ từ đâu tới thật miên man cứ thế mà vùng vẫy trong khoảng không gian của mình, khi không hoạt động nghệ thuật tôi lại thấy mình yếu đuối, nhưng tôi nghĩ Chúa đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh, tình yêu của mọi người cho tôi sức mạnh!
Tôi nghĩ sống đến hơn 50 tuổi rồi có bệnh cũng là lẽ đương nhiên, sống chung và vui vẻ chấp nhận nó thôi, miễn mình lựa nó để được đi cùng tình yêu của mình đấy mới là vui.
Tôi phải cắt bớt rất nhiều thứ mà tôi cho là nên dừng lại để được vẽ được có những tác phẩm mới nóng hôi hổi, thực ra là chạy đua với thời gian, nên còn lại bên mình rất ít những điều mà mấy chục năm tích cóp. Bạn xưa, bạn nay… vật chất… chúng ta ai cũng có 24 tiếng đồng hồ vậy nên tôi không thể lan man được, có mạng xã hội cũng giải quyết phần nào để không tốn thời gian nữa.
Đúng là sống trong mơ, nên không giống các công việc khác của mọi người ngoài các công việc cho cuộc sống tối thiểu thì cứ mơ tiếp đi!”
2. “Cái chân gãy nhanh thật đấy, ai cũng bảo may mà chị bị trong lúc giãn cách nên yên tâm dưỡng thương! Tôi thì nhát gan, sợ đau, nhưng rồi cũng qua, lần tiểu phẫu đầu xuyên đinh để kéo tạ, nghe sợ quá tôi yêu cầu gây mê, tôi phát hiện gây mê như đưa tôi vào cõi mộng, khi bác sĩ gọi để tỉnh đã hỏi tôi: “Cô Thu ơi cô tỉnh chưa, cô đang nghĩ gì thế?” Tôi ú ớ bảo: “Ôi gây mê thật tuyệt, như một bức tranh trừu tượng lớn mênh mông…!” (Cười).
Tôi đi viện chỉ khổ con gái vì có một mình, phải chăm mẹ không ai thay, lại giãn cách nên bạn ấy phải vất vả, nhưng lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất vì mẹ con yêu thương chia sẻ từng miếng ăn và giấc ngủ và cả sự đau đớn.
Khoa ngoại Chấn thương - chỉnh hình của Bệnh viện Việt Xô là nơi tôi nằm và được chữa lành cái chân gãy. Ra viện vui vẻ vì được thương yêu chia sẻ từ khi vào viện đến khi ra viện. Tôi xúc động và hứa sẽ quay trở lại vẽ những bức tranh để treo trong khoa của họ, tặng họ sự thấu hiểu của mình đối với những gian khó thâu đêm ngày, với bao bệnh nhân già yếu đủ các kiểu bệnh, họ nhẫn nại, miệt mài!
Việc giữ gìn, trị liệu tập đi cũng thật vất vả, bác sĩ dặn không được ngã, tì chân mổ xuống đất. Vậy mà tôi vẫn ngã mất mấy lần, cũng chệch xương, bác sĩ bảo của chị vẫn trong điều cho phép, may không lệch trục chính. Gần đây đi tiêm vaccine về chóng mặt lại ngã nữa, chắc là ảnh hưởng đến xương… nhưng thôi nghĩ và sợ cũng không làm được gì cuối tháng đi chụp lại chắc cũng không sao, hy vọng thế!”
3. “Trong thời điểm này xung quang chúng ta đều có ít nhiều lo âu về dịch bệnh. Tôi tìm hiểu về đoạn tuổi nên tôi không thấy có vấn đề gì, trong mọi hoàn cảnh thế nào ta cũng sống tốt được, làm được việc mà chúng ta mong muốn, khó khăn sẽ giải quyết dần dần, không ai cãi lại được mệnh trời, kiếp nhân sinh như vòng luân hồi ta hiểu vậy sẽ nhẹ nhàng hơn! Ngày đầu tập đi, tôi phải tập đứng trước khi tập đi nên dò dẫm từng bước để cho xương vững dần, mỗi ngày cố gắng tập luyện một chút. Trong lúc này khi tâm hồn gần như trở lại thì những khó khăn về tay chân, xúc cảm sẽ bị hạn chế nhiều thứ nên đôi khi tỏ ra bất lực. Thực hiện những ý tưởng trên toan nhỏ cho bộ sắp đặt sẽ trưng bày tại Hà Nội trong thời gian khi khoẻ lại.
Trước đó tôi đã chuẩn bị một cuộc hành trình mới như khép lại những chặng đường cũ để chuyên tâm vào 2 cuộc triển lãm tại Hà Nội, bây giờ vẫn thế, chỉ chậm lại thôi. Tôi mới hiểu ra, việc thực hiện một triển lãm theo ý tưởng bền vững theo thời gian, mà không nhất thiết phải dựa vào cảm xúc nhất thời, tôi bám vào những niềm vui đó và giúp mình sống mỗi ngày có ích!
Mỗi một bước đi tôi lại gặp nhiều sự sẻ chia của nhiều người, đầy những cảm kích bất ngờ, mỗi cung bậc tình cảm đó cho tôi một cảm xúc mới, nhân lên thành những giai điệu trong sáng tác và cứ thế mỗi bước đi lại mở ra một động lực mới trong nghệ thuật. Nếu bạn không bước đi, nếu bạn không hành động, nếu bạn không thực sự trăn trở thì không có điều gì mới đến với bạn, tôi vẫn luôn nghĩ đến!
Tôi không còn hình thành của riêng tôi, tôi lớn lên được là nhờ những tình yêu như thế từ gia đình, những người thầy, các anh chị và cả những đứa trẻ ngây thơ cho tôi tình yêu như thế, như vậy tôi muốn nói đến sự biết ơn tới cuộc đời!”.