Tinh hoa Việt

Nghệ sĩ Thu TrầnTP Hồ Chí Minh: Nghệ thuật đương đại sâu lắng và thực tế

Việt Quỳnh 07/04/2025 09:15

Từ năm 2019 đến nay, nghệ sĩ Thu Trần có nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại tích cực và nổi bật. Mỗi tác phẩm của chị là sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật và hình thức: hội hoạ, sắp đặt vải quy mô lớn cùng âm nhạc thể nghiệm nhằm truyền tải văn hoá truyền thống dân tộc Mường nói riêng và tinh thần Việt nói chung.

Gần đây nhất là triển lãm “Té Tất Té Đák” tại trung tâm TP Hồ Chí Minh đã gây ấn tượng mạnh tới công chúng thưởng lãm.

Chan dung Ns Thu Tran
Nghệ sĩ Thu Trần.

“Tôi cứ đi theo tiếng gọi của chính cái thôi thúc của tôi từ cái bên trong và những hình thức nghệ thuật diễn biến bên ngoài. Câu chuyện cá nhân cùng nhìn nhận trong chính tâm thức của mình đã có manh nha trong suốt dọc hành trình thực hành mình đã đề cập đến. Phải bắt đầu từ 2008 đến 2019 tôi mới chính thức cho mình một sự đề cập mới trong câu chuyện nghệ thuật đương đại. Khởi đầu là “Giăng tơ” trình diễn thời trang nghệ thuật và sắp đặt - hội hoạ tại Hội An do nhà văn nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang làm giám tuyển và điều phối”. Nghệ sĩ Thu Trần chia sẻ.

15 năm qua, đã bớt đi sự ồ ạt phong trào, nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng tập trung đi vào tìm tòi thử nghiệm theo chiều sâu. Nhiều nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại, có ý thức về việc học hành bài bản từ nhà trường, xác định con đường chuyên nghiệp rõ ràng hơn. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều không gian được dành cho nghệ thuật đương đại. Dù nghệ thuật đương đại mang tính học thuật, hàn lâm cao nhưng đã lan toả được đến công chúng và tác động tích cực đến sự phát triển sáng tạo của các tác phẩm đại chúng.

Đầu năm 2020, chị thực hiện sắp đặt “Giăng tơ 2” tại KoKo Bay Đà Nẵng. Đầu năm 2021 là sắp đặt tại địa hình “Trở về” - Chiềng Đi - Vân Hồ - Sơn La với khung cửi đường kính là 5,7m x 5,7m x 4,5m cùng với khung sắt hàn và 5000m oganza được vẽ cùng hơn 200kg Acrylic và 60 lít màu nước. Tháng 11 năm 2023 tại nhà máy xe lửa Gia Lâm là một kết hợp Hội hoạ - Sắp đặt những bức tranh dài 3m đến 60m tại không gian công nghiệp 3000 mét vuông. Gần đây nhất đầu năm 2025 với hai dự án hội hoạ sắp đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là lúc nghệ sĩ Thu trần đã kết hợp được nghệ thuật của mình với âm nhạc đương đại và nghệ sĩ trình diễn.

“Tôi thực hiện dự án cùng với nghệ sĩ Tây Phong từ khi chắp bút đến khi hình thành ý tưởng chứ không còn chắp nối từng phần như những lần làm dự án trước đây”. Nghệ sĩ Thu Trần tâm sự. “Chúng tôi cùng nhau tìm nguồn nguyên liệu là văn hoá truyền thống của “Mường” để chia những phần như: hội hoạ - sắp đặt - trình diễn - âm nhạc - thời trang, cùng nhau chia sẻ và kết hợp tạo ra một chương trình nghệ thuật đương đại mang tên cả hai người. Đó là điều mà chúng tôi mong mỏi tạo nên được sắc thái mới trong câu chuyện nghệ thuật đương đại của mình.

Khi quan tâm tới sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” của dân tộc Mường, tôi đã có rất nhiều thời gian sinh sống tại đất Mường, tiếng rừng, tiếng núi, tiếng sông, tiếng chiêng Mường đã thực sự ngấm vào tôi. Khi tôi chiêm nghiệm điều đó và chia sẻ với người đồng hành cùng tôi là Tây Phong, tôi thấy mình thực sự được chắp cánh bởi hội hoạ - thi ca - âm nhạc, thành một hệ thống câu chuyện nghệ thuật đương đại. Đó chính là con đường chúng tôi muốn kể chuyện cùng nhau để ra một không gian khác trong hội hoạ của tôi và tinh thần âm nhạc trình diễn của nghệ sĩ Tây Phong”.

Với nghệ sĩ Thu Trần, mọi vấn đề khó khăn chẳng còn tồn tại, khi chị thấy ngôn ngữ nghệ thuật của mình được tái hiện qua tác phẩm. Những lần triển lãm tại TP Hồ Chí Minh, đã mang tới chị nhiều thử thách, lo âu. Với Thu Trần, nơi một thành phố đô hội, rộng lớn, văn minh và nhiều khán giả hơn nên chị cũng cần cẩn thận kỹ lưỡng hơn khi thực hiện bộ tác phẩm: “Nhưng khi tiến hành triển lãm, dù công việc rất nhiều và bộn bề, nhưng lần nào tôi cũng được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ chu đáo nhanh gọn. TP Hồ Chí Minh mang lại niềm cảm hứng cho tôi và những tác phẩm tôi mang tới được đón chào một cách nồng nhiệt, đó là một niềm vinh hạnh nhất của cá nhân tôi”.

15 năm qua, nghệ sĩ Thu Trần nhận thấy nghệ thuật đương đại tại TP Hồ Chí Minh đã phát triển theo một cách khác. Mỗi nghệ sĩ chủ động trong câu chuyện đương đại của bản thân hơn. Nghệ thuật đương đại không còn là phong trào. Nó sâu lắng hơn và rõ ràng hơn cho từng cá nhân nghệ sĩ. Các nghệ sĩ trẻ cũng theo đuổi một cách thực tế hơn và dần phát triển phong cách riêng. Mỗi tác phẩm đều thể hiện được cảm xúc tư tưởng con người bên trong chính mỗi nghệ sĩ và được biểu hiện theo theo nhiều phương cách khác nhau. Nhưng với nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại, theo nghệ sĩ Thu Trần, vấn đề kinh phí cho việc thực hiện tác phẩm vẫn là điều đáng lo nhất, nên đó cũng là lý do phần nào cho thiếu vắng sự ồ ạt.

“Việc một nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại và học có bài bản từ nhà trường cũng là một điều khó nói trước. Bởi trong quá trình sáng tác và tìm kiếm cái tôi của mỗi bản thể các nhân mới có thể dần hình thành đường lối. Khi đó nghệ sĩ mới biết mình đã tìm được đúng con đường mình đã chọn hay chưa? Con đường chuyên nghiệp là cả một vấn đề, người nghệ sĩ sẽ phải cung cấp cho mình rất nhiều kiến thức xã hội…. Nguồn văn hoá là một cánh cửa vô cùng cần thiết, nếu nghệ sĩ không tự học, tự nghiên cứu, thực hành và trải nghiệm thì con đường chuyên nghiệp sẽ sớm dừng lại. Đó là điều mà kinh nghiệm bản thân tôi đã từng diễn biến trải nghiệm, tôi vẫn không nghĩ mình đến với nghề vẽ là để làm nghệ thuật đương đại, đơn thuần tôi chỉ nghĩ đến vẽ và vẽ được đó đã là một niềm hân hoan vô cùng đối với tôi. Nhưng sau đó mỗi một bước đi trong nghề, mỗi ngày hình như câu chuyện giá vẽ lại dần xa tôi hơn và thay vào đó nhiều người gọi tôi là “Thu vẩy” và gần đây nhất, anh Đặng Thân viết về tôi là “Thu không vẽ mà Thu Vỡ”. Vâng, tôi đã làm tất cả các trạng thái và các hành động để thay đổi mình, để nhìn thấy và hy vọng vào một thứ mà tôi thấy trước mắt là “Hình như” và “Hồ như” và những thứ đó tôi tạm gọi là sự “Mù mờ” mỗi ngày hiện dần ra trong ý nghĩ và trong quá trình thực hành nghệ thuật cũng như vòng đời của bản thân.

Thế giới mỗi ngày một biến động, thiên nhiên biến động, con người biến động… đó là lý do tôi đi cùng các cung bậc trải nghiệm đó mà biến động trong tâm thức mỗi ngày để câu chuyện nghệ thuật cũng cần thay đổi mỗi ngày”, Nghệ sĩ Thu Trần tâm sự.

Theo chị, tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều không gian để thực hành nghệ thuật đương đại và đây cũng là nơi diễn ra vô vàn các sự kiện nghệ thuật đương đại trong năm. Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là nơi tạo nhiều cơ hội cho các hoạt động nghệ thuật đương đại diễn ra thuận lợi hơn các thành phố khác trong cả nước:

“Một nơi phát triển rầm rộ như TP Hồ Chí Minh cũng là nơi dễ dàng chấp nhận những thử nghiệm mới và những thử nghiệm mới đưa ra cũng luôn được đón nhận nhanh hơn so với các trung tâm tỉnh thành khác. Hà Nội cũng là nơi phát triển các phong trào đương đại một cách rõ ràng của nhiều năm trước khi phong trào nghệ thuật đương đại được thịnh hành ở Việt Nam”.

Với nghệ sĩ Thu Trần, để có được một tác phẩm nghệ thuật đương đại tốt, trên hết vẫn là từ ý niệm, câu chuyện nghệ thuật đưa ra có thật sự gây được sự cuốn hút của người thưởng ngoạn hay không. Mỗi các nhân nghệ sĩ khi thực hiện tác phẩm đưa ra trước công chúng đều có những bước khởi niệm từ xây dựng ý tưởng và dần hình thành ý niệm và đầy đủ các bước chuẩn bị cho tác phẩm ra đời đều phải sử dụng đến học thuật. Dù hàn lâm cao hay bỏ qua các quá trình hàn lâm, miễn sao tác phẩm hoàn thành phải thực sự chạm đến thị giác của công chúng một cách nào đó, gây lan truyền, tò mò, yêu thích, cuốn hút đến nỗi người ta không thể bỏ qua dù chưa hiểu, hoặc chẳng hiểu gì rồi dần dần hiểu, thì việc tác động tích cực đến đại chúng là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ Thu Trần TP Hồ Chí Minh: Nghệ thuật đương đại sâu lắng và thực tế