“Từ ngày hoạt động biểu diễn phải tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mất nghề chính, tôi chạy grab để kiếm thêm đồng ra đồng vào”, anh Bùi Duy Tân (40 tuổi, công tác tại Nhà hát múa Rối Thăng Long, Hà Nội) nói về những ngày đời sống rơi vào khủng hoảng khi đối mặt với làn sóng lớn của dịch bệnh.
Đời sống của người dân vừa hồi phục chút ít sau khi dịch Covid-19 đợt 1 tạm lắng xuống thì lại phải tiếp tục gánh chịu tổn thất nặng nề hơn với làn sóng thứ 2, thứ 3. Từ tháng 4 đến nay, tất cả các ngành nghề dường như bị “kiệt sức” bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài.
Cũng như nhiều ngành nghề khác, các nghệ sĩ truyền thống rơi vào “bế tắc” khi mọi hoạt động biểu diễn đều “đóng băng” do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19. Trong xã hội hiện đại, các nghệ sĩ theo đuổi các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn đã gặp nhiều khó khăn khi đi tìm khán giả cho mình, thì nay, sự nghiệp của họ lại còn khó khăn hơn gấp bội phần.
Làm thêm đủ nghề… để kiếm sống
Là một trong những gương mặt quen thuộc của Nhà hát Múa Rối Thăng Long, nghệ sĩ Bùi Duy Tân (40 tuổi, Hà Nội) stress nặng vì khoảng thời gian dài không được đi biểu diễn do mọi hoạt động tại Nhà hát tạm thời đóng cửa ngừng đón du khách.
Nghệ sĩ Duy Tân cho biết, tình trạng này diễn ra từ ngày 11/7/2020 đến nay, khiến công việc của anh nói riêng và của cả những diễn viên khác tại Nhà hát Múa Rối nói chung đều bị “cửa đóng then cài”. Không có việc làm, anh và những đồng nghiệp của mình rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Anh Tân chia sẻ, mới đây, gia đình anh tích góp, dành dụm được chút tiền mua tạm một căn chung cư ở Long Biên để vợ chồng thoát cảnh ở thuê bằng hình thức trả góp. Những tưởng mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, khoản nợ trên sẽ nhanh chóng được vợ chồng anh thanh toán. Thế nhưng, dịch Covid-19 bất ngờ ập xuống, ngày 11/7/2020, nhận được tin nhà hát đóng cửa, anh Tân lo lắng vì không biết thời gian tới bản thân sẽ làm gì.
Vì là một nghệ sĩ, anh Tân cũng muốn giữ hình ảnh cho bản thân, cho nghề nghiệp, nên phải mất thời gian đắn đo, suy nghĩ hồi lâu, anh mới quyết định chia sẻ với Đại Đoàn Kết Online câu chuyện thật nhất về những khó khăn của mình để khán giả, xã hội và đồng nghiệp cùng hiểu hơn về sự vất vả trong đại dịch của các nghệ sĩ như anh...
“Những ngày sau đó với tôi là chuỗi ngày rơi vào khủng hoảng, bởi trong suốt cuộc đời của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày không biết phải làm gì để kiếm sống. Mất việc, tôi đành chạy Grab để kiếm thêm thu nhập”, anh Tân nhớ lại.
Dịch bệnh kéo dài khiến mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng, cơ quan nơi anh Tân công tác cắt giảm 30% số lương cơ bản, mọi hoạt động tạm ngưng nên không có show diễn ngoài. Thu nhập từ công việc chạy Grab cũng chỉ được vài ba trăm nghìn đồng một ngày, ngày nào không chạy thì không có.
Nghệ sĩ Duy Tân nói, 4 triệu tiền lương cứng là số tiền “bất di bất dịch” để anh trả nợ. Vợ anh cũng phải tạm ngưng công việc ở một cơ sở Spa vì dịch bệnh, số tiền kiếm thêm được từ việc chạy Grab, anh thêm vào để chi tiêu cũng như mua thêm thức ăn cho cả gia đình.
Chung tình trạng với anh Tân, chị Quỳnh Trang (27 tuổi, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thế nhưng, chị Trang vẫn may mắn hơn những đồng nghiệp của mình khi được nhận gói trợ cấp từ cơ quan.
Diễn viên Chèo Quỳnh Trang nói, trong những ngày dịch bệnh bùng phát, ai cũng rơi vào cảnh khó khăn, đặc biệt là những nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Hầu hết những ngành nghề liên quan đến dịch vụ đều phải tạm ngưng, đồng lương thì ít, chạy show bên ngoài thì không thể, vì vậy, dẫn đến tình trạng eo hẹp, khó khăn.
Những ngày ở nhà, buồn tay, buồn chân, chị Trang kiếm việc bán hàng Online để kiếm thêm thu nhập. Lắm khi nhớ nghề, chị ngân nga vài câu hát cho mọi người cùng nghe. Chị than thở: “Diễn viên như chúng tôi mà không được biểu diễn thì buồn lắm”.
Công việc bán hàng Online tuy không phải công việc chính thế nhưng phần nào đỡ đần chị Trang trang trải, lo toan cho cuộc sống hàng ngày. “Cũng nhờ có công việc này mà mọi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” vơi bớt đi đôi phần, tôi không phải chật vật làm thêm công việc chân tay như nhiều đồng nghiệp của mình”, chị Trang thở phào nhẹ nhõm.
“Mong lắm ngày mai”
Tương tự, cuộc sống gia đình diễn viên Lê Thiện Tùng cũng bị đảo lộn từ ngày công việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội đi vào ngõ cụt. Là lao động chính của cả gia đình, anh Tùng chỉ biết chi tiêu tiết kiệm, dè xẻn, tính toán từng đồng, từng cắc.
Anh Tùng cho hay, tất cả các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong suốt gần 2 năm nay rất khó khăn, gần như bị “đóng băng”. Mọi chi tiêu của gia đình anh đều phải cắt giảm, tính toán kỹ lưỡng, có sao tiêu vậy, làm sao để đảm bảo được cuộc sống ở mức tối thiểu nhất có thể.
Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến đời sống của các nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ truyền thống. Là người của công chúng và hiểu được tình hình chung, ngoài việc cố gắng duy trì hoạt động ca hát, biểu diễn, họ vẫn cố gắng lan tỏa những hoạt động tích cực, thái độ lạc quan đến khán giả để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Diễn viên Lê Thiện Tùng gửi gắm mong muốn, anh chỉ mong dịch bệnh qua đi thật nhanh để có thể tiếp tục trở lại với công việc thường ngày, trở về với nghệ thuật, được đón khán giả trở lại nhà hát, được làm nghề và được sống trong không khí nghệ thuật. “Đấy không chỉ là ước mong của riêng nghệ sĩ mà có lẽ là của tất cả các ngành nghề khác, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 quá khủng khiếp”, nam diễn viên chia sẻ.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết Online, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thông tin, đợt dịch Covid-19 đã khiến cho đời sống của những nghệ sĩ làm việc tại Nhà hát rơi vào khó khăn. Để hỗ trợ cho đời sống của nghệ sĩ, Nhà hát thường xuyên tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ, động viên đời sống tinh thần cho giới nghệ sĩ.
“Bên cạnh đó, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động biểu diễn trực tuyến với bệnh viện, khu cách ly cũng được Nhà hát vận động anh, chị, em nghệ sĩ duy trì, một phần để các nghệ sĩ đỡ nhớ nghề, phần nữa để duy trì thói quen tập luyện cho mọi người”, NSND Trung Hiếu thông tin thêm.
Không riêng gì diễn viên Thiện Tùng, diễn viên Chèo Quỳnh Trang và nghệ sĩ Duy Tân đều hi vọng về một ngày mai tươi sáng, khi cuộc sống ổn định trở lại, người dân không còn phải lo toan “cơm áo gạo tiền”, lúc đấy nghệ thuật mới được trở về với đúng nhiệm vụ của nó.
"Nghệ thuật là món ăn tinh thần, chỉ khi khán giả sẵn sàng lắng nghe, khi đó nghệ thuật mới được sống đúng với nhiệm vụ của mình”, anh Tân nói.