Ánh mắt buồn bã của trẻ thơ vùng cao trong trang phục thổ cẩm, trên lưng địu em nhỏ đang thiu thiu buồn ngủ ám ảnh vào trong sáng tác của anh mỗi khi vẽ từng nét hoa văn thổ cẩm bằng bút bi.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Vinh (sinh năm 1979 tại Hà Tây cũ) không chọn ở lại bám trụ thành phố, anh trở về quê, nuôi dưỡng đam mê hội họa của mình, và tiếp tục nghề dạy học. Cũng nhờ cuộc sống có phần tách biệt, không bị ồn ã phố phường làm ảnh hưởng hay những bon chen thị thành gây xáo trộn, anh miệt mài bên những bức tranh chân dung vẽ bằng bút bi khổ lớn, để rồi mỗi tác phẩm khi công bố, đều làm người xem ưa thích, thán phục.
Bố mẹ của họa sĩ Lê Vinh đều là nông dân gắn bó với ruộng đồng, gia đình không có ai liên quan gì tới nghệ thuật. Tuổi thơ của anh gắn liền với nhũng kí ức làng quê từ công việc chăn trâu cắt cỏ đến những trò chơi giản dị như thả diều, bắn bi, nghịch đất, nặn những con vật bằng đất sét, vẽ những bông hoa. Khi học cấp 2, gia đình khó khăn, Lê Vinh phải làm những công việc đồng áng phụ giúp bố mẹ, điều kiện học tập của anh không được như nhiều bạn cùng trang lứa. Từ đó trong anh nung nấu quyết tâm phải học lấy một nghề để không chỉ lo được cho bản thân gia đình mà còn có ích cho xã hội.
Năm 1994, khi biết rõ mình có lòng yêu thích hội họa, Lê Vinh chủ động đi tìm thầy để học thêm. Người thầy đầu tiên dạy vẽ cho anh là cố họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt sống ở làng bên cạnh, Cổ Đô - Ba Vì. Đó là ngôi làng có nhiều họa sĩ sinh sống, cũng là nơi đặt nền móng cho con đường nghệ thuât của anh đến bây giờ.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lê Vinh thi vào Trường CĐSP Nhạc Họa Trung ương. Học xong, anh trở về quê dạy học với mong muốn là truyền lửa đam mê hội họa cho những trẻ em nông thôn hiếu học. Nhưng, chưa muốn dừng lại ở đó, để nâng cao tay nghề, và cũng muốn sáng tạo nên những tác phẩm theo ý thích bản thân, Lê Vinh đã thi và học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2008 đến 2012. Sau khi rời trường, anh bắt đầu thỏa mãn đam mê hội họa của mình, nhưng đồng thời, vẫn tiếp tục theo nghề dạy học.
Lê Vinh đã học 3 năm cao đẳng và học tiếp 5 năm tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nên trải qua việc học hỏi cũng như sử dụng rất nhiều chất liệu: lụa, khắc gỗ, sơn dầu, màu bột... Trước đây, anh cũng vẽ bút bi, nhưng chỉ vẽ theo cảm tính, diễn tả ít chân dung đường nét nhân vật như nhấn vào mắt, mũi, miệng... Khi còn học ở trong trường, kí họa là môn học mà Lê Vinh rất thích. Anh có thể vẽ bất cứ ở đâu, cứ nhìn thấy cái gì thích là lại lấy bút giấy ra vẽ. Có khi quên không có bút chì thì tiện có bút bi cũng vẽ luôn. Dần việc sử dụng bút bi trở nên quen thuộc vì vừa tiện vừa sạch. Khi ấy, cũng chưa thể nghĩ đó chính là bước khởi đầu cho con đường vẽ tranh bằng bút bi.
Vào năm 2012, khi nhận ra màu mực bút bi có cái gì đó rất hay và lạ mà cũng vô cùng gắn bó thân thuộc, họa sĩ Lê Vinh quyết đinh đi sâu vào khai phá tìm tòi chất liệu mới mẻ này.
Trong một lần đi từ thiện tại vùng cao, Lê Vinh bắt gặp những ánh mắt ngây thơ trong sáng, hồn nhiên của những em nhỏ sống tại bản người Mông ở Bắc Hà (Lào Cai). Khi tìm hiểu, biết cuộc sống của em rất thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần, trường học thì lại ở rất xa nhà nên các em không được đi học mà phải ở nhà phụ giúp cha mẹ. Trong khi gùi em bé trên lưng, các em lên nương bẻ ngô đào sắn hoặc đi bán những cái móc chìa khóa để thêm tiền lo cho gia đình. Hình ảnh đó làm Lê Vinh xúc động. Ánh mắt buồn bã của trẻ thơ vùng cao trong trang phục thổ cẩm, trên lưng địu em nhỏ đang thiu thiu buồn ngủ ám ảnh vào trong sáng tác của anh mỗi khi vẽ từng nét hoa văn thổ cẩm bằng bút bi.
Những cô gái vùng cao trong những bộ trang phục do chính tay các cô thêu trước ngày cưới cũng là hình ảnh đẹp và gần gũi. Mỗi dân tộc như Mông, Dao Đỏ, Dao Khâu… mỗi nơi có phong tục tập quán riêng, thiết kế trang phục, đường nét hoa văn càng không giống nhau, nhưng có điểm chung là các cô gái đó đều xinh đẹp tràn đầy sức sống, hồn nhiên như núi rừng, vì thế, Lê Vinh mong muốn thể hiện được sự đẹp đẽ đó trong tranh.
Với họa sĩ Lê Vinh, nghệ thuật là không giới hạn, chất liệu thực ra không quan trọng bằng việc mình phải làm thế nào để có được một tác phẩm đẹp từ ý tưởng, nội dung, hình thức, kỹ thuật thể hiện đến chất liệu bền vững với thời gian.
Những kí họa chân dung bằng bút bi trên giấy Cason, sau mỗi lần vẽ, ngắm lại, anh thấy cần đẩy sâu kỹ hơn để tác phẩm mang sự dung dị. Anh đã quyết định vẽ một bức tranh chân dung bằng bút bi xanh nhằm thử xem với chất liệu này, nếu làm kĩ thì ra tác phẩm sẽ như thế nào. Anh chọn vẽ chân dung ba mình. “Thật bất ngờ sau khoảng 40 tiếng đồng hồ miệt mài lao động, tôi đã rất vui vì khi tác phẩm vẽ xong, ai cũng khen đẹp”.
Khi vẽ kí họa bằng bút bi, người mẫu ngồi và anh vẽ nhanh trong khoảng 10 đến 20 phút. Giờ đây, để có một tác phẩm lớn trên một mét, cần phải có nhiều tài liệu. Như vẽ chân dung các thiếu nữ dân tộc, Lê Vinh phải đến tận bản, vào gia đình của họ để tìm hiểu phong tục, tập quán và trang phục dân tộc, cũng như các họa tiết đặc trung của từng nhóm các dân tộc khác nhau để vẽ lại và hiểu về chúng.
Về cách vẽ, bút bi hay bút chì thì cũng giống nhau. Đối với anh, vẽ bút chì dễ hơn, bởi vì khi vẽ, anh có thể xóa hoặc là thêm bớt, còn bút bi thì khi bắt đầu đặt bút xuống vẽ thì đòi hỏi người vẽ phải có tư duy ngay từ đầu vì bút bi không thể xóa được. Nếu vẽ gần xong tác phẩm mà bị hỏng, bị rớt mực hoặc sai đều phải bỏ và phải vẽ lại. Đặc trưng của bút bi là vẽ phải cẩn thận từ nét đầu tiên.
“Theo quan điểm của tôi, tranh chân dung là miêu tả thần thái đặc điểm của nhân vật thông qua các chi tiết gọi là ngũ quan: tai, tóc, mắt, mũi, miệng. Muốn vẽ giống thật được thì phải diễn tả cái ngũ quan đấy phải chính xác. Sau đó tiến hành vẽ cơ, khối ở trên khuôn mặt. Để vẽ được một đôi mắt thì phải mất hết 5 đến 6 giờ đồng hồ mới xong, hoặc là chỉ mỗi cái gọng kính thôi đã mất hết 4 giờ rồi.
Với tôi, chất liệu chỉ là phương tiện, còn chủ đề chỉ là cái cớ thôi, tôi quan điểm đã là tranh thì nó phải đẹp. Cái đẹp thì nó không có một chuẩn mực, một cái đích nào cả. Cái quan trọng nhất là cái tác phẩm của người họa sĩ vẽ ra nó là sản phẩm của trí tuệ khi nó được ra đời mà được công chúng công nhận, yêu thích. Đó cũng là thành công của họa sĩ”.
Chia sẻ vì sao không ở lại phố mà chọn về quê, Lê Vinh chia sẻ, anh rất yêu quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi có những kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ. Anh cũng rất yêu trẻ con vì sự ngây thơ hồn nhiên trong sáng. Mỗi lần lên thành phố để làm triển lãm, với anh trở thành trải nghiệm vui vì được gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè gần xa, ôn lại những kỉ niệm, học hỏi thêm các kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm sống bên cốc trà đá vỉa hè.
Mặc dầu với tâm hồn nghệ sĩ, nhưng Lê Vinh cũng là người rất nguyên tắc, nghiêm túc trong công việc. Vào buổi sáng, anh đến trường bên các em học sinh. Buổi chiều, anh dành 4 tiếng để vẽ tranh, sau đó đi chơi thể thao. Buổi tối, anh có thêm 2 đến 3 tiếng để vẽ.
Về dự định trong tương lai, họa sĩ Lê Vinh chia sẻ, anh sẽ gắn bó và trung thành với chất liệu bút bi. Thông qua một số triển lãm, tác phẩm của anh đã được đồng nghiệp cũng như giới chuyên môn đánh giá cao, làm anh yên tâm hơn với con đường sáng tác hiện tại. Còn có thể, 5 đến 20 năm sau, anh vẫn tiếp tục dành tình yêu cũng như đam mê để vẽ về các em bé, cũng như các thiếu nữ dân tộc.