Tối 12/10, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ TP Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc cuộc thi tài năng diễn viên múa 2020 khu vực phía Bắc, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và một số đơn vị liên quan tổ chức. Đêm tổng kết trao giải sẽ diễn ra vào tối ngày 17/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng thật khó nói rằng sẽ có được gương mặt thật sự xuất sắc.
Được biết, cuộc thi tài năng diễn viên Múa 2020 có sự tham gia của hơn 100 cá nhân, đơn vị. Đáng chú ý, trong ban giám khảo có sự góp mặt của biên đạo múa Hà Lan Arthur Kuggeleyn. Như vậy, có thể thấy “khát vọng” mà cuộc thi đặt ra là khá lớn.
Cuộc thi quy tụ các diễn viên múa tại nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa và các thí sinh tự do từ 16 tuổi trở lên tham gia tranh giải ở 4 bảng thi với 4 phong cách múa: Ballet, đương đại, dân gian và hiện đại. Cuộc thi cũng nhằm phát hiện, khuyến khích, động viên các tài năng trẻ nghệ thuật biểu diễn múa, hướng tới đáp ứng các tiêu chí của các cuộc thi múa khu vực và quốc tế.
Nói như NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi thì sẽ siết chặt tiêu chí chấm chuyên môn, điều đó được ngầm hiểu là sẽ không có “mưa huy chương” như nhiều cuộc thi nghệ thuật khác. Ông Phương cũng kỳ vọng, cuộc thi để nhà quản lý, đào tạo có cái nhìn chính xác, toàn diện về thực trạng ngành múa hiện nay. Từ đó, có những giải pháp trong công tác đào tạo tài năng về nghệ thuật biểu diễn.
Vậy, nên hiểu thế nào là “siết chặt tiêu chí chuyên môn”? Vẫn theo ông Phương, những gương mặt được trao giải cao sẽ là những tài năng sáng giá của nghệ thuật múa nước nhà. Cụ thể, động tác múa phải thể hiện rõ tính biểu cảm, truyền tải thẩm mỹ đẹp. Cộng với đó, thí sinh phải phô diễn rõ nét kỹ thuật cá nhân và thông qua đó tạo được cảm xúc cho người xem.
Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra tại cuộc thi, có thể thấy cũng thật khó chọn được “gương mặt sáng giá”. Đơn giản nhất những cũng rất căn bản là một số thí sinh vẫn bị nhầm lẫn giữa các dòng và phong cách múa (trong khi ban tổ chức đã chia làm 4 bảng với 4 phong cách khác nhau), không rõ múa đương đại hay dân gian, dân tộc. Tất nhiên trong các phong cách có sự giao thoa nhưng nếu xét về tư duy nghệ thuật thì đó là điều phải tránh.
Thực tế những năm gần đây nghệ thuật múa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nhân lực, tìm kiếm nhân tài. Nhân lực (có thể hiểu là nguồn tuyển sinh) đã hạn chế thì cũng rất khó có thể có được tài năng, càng khó hơn khi mơ về một thế hệ múa sáng giá. Điều đó khiến những người hoạt động trong lĩnh vực này lại nhớ về “ngày xưa” với những nghệ sĩ múa mà từng động tác hình thể của họ như những nét vẽ ngưng đọng trong không gian. Không chỉ phô diễn kĩ thuật mà họ còn kể lại một câu chuyện đời bằng nghệ thuật múa qua sự chắt lọc cùng thăng hoa của tâm hồn.
Trong số đó, có các nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn, Kim Quy, Kim Chung, Viết Việt… Họ “dừng cuộc chơi” để lại nhiều tiếc nuối và cũng thật tiếc là không có được những hậu bối xứng tầm.
Người ta nói rằng, bất cứ vũ công nào cũng phải thực hiện sứ mệnh mang cái đẹp đến cho đời, cống hiến giá trị nhân văn cho xã hội. Để có được một diễn viên múa đích thực thì buộc phải trải qua quá trình đào luyện lâu dài, gian nan. Khó, khổ nên không ít người đã rẽ ngang và còn nhiều hơn là những người vội vã “chạy sô” khi mà kĩ năng cơ bản chưa đến nơi đến chốn. Sự “lạm phát” múa trong các tiết mục ca nhạc thời gian qua đã cho thấy không ít “vũ đoàn” mang nhiều tính nghiệp dư, lạm dụng thái quá độ non tươi của hình thể tuổi trẻ nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt nghề nghiệp. Điều đó đã làm cho nghệ thuật múa biến dạng cũng như tạo ra không ít nghi ngờ mơ hồ về nghề này trong xã hội.
Rồi đây sẽ có những gương mặt trong cuộc thi tài năng múa được xướng lên. Hy vọng nếu đúng như NSND Phạm Anh Phương nói sẽ siết chặt quy chế chấm thi thì cũng có nghĩa là “đặt đường ray” đúng cho nghệ thuật múa. Sự vinh danh xứng đáng mới là tấm gương soi chung, vì rằng đó là giá trị thật chứ không chỉ có xiêm y; và cũng không chỉ là “độc”, “lạ” như nhiều người vẫn cổ xúy một cách hồn nhiên.