Với mong muốn lan toả thông điệp “chống dịch như chống giặc” hơn 100 nghệ sĩ, biên đạo múa trên cả nước đang chung tay dàn dựng tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản của chương trình.
PV: Thưa bà, được biết hơn 100 nghệ sĩ, biên đạo múa trên cả nước đang chung tay dàn dựng tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”. Xuất phát từ ý tưởng nào mà bà quyết định kêu gọi các nghệ sĩ tham gia tổ khúc múa này?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm “đóng băng” nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong gần 2 năm qua. Trong khi đó cuộc chiến chống Covid-19 lại đang cần những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm để lan tỏa thành quả nỗ lực “chống dịch như chống giặc”.
Với xúc cảm của người trong cuộc - một công dân - một người nghệ sĩ múa, tôi đã khởi xướng gửi lời kêu gọi tới các biên đạo múa, nghệ sĩ biểu diễn trong cộng đồng nhảy múa tại Hà Nội và TPHCM cùng nhau đóng góp trí tuệ sáng tạo, những giờ tập luyện, lao động nghệ thuật của mình để làm nên tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”. Tôi và các nghệ sĩ đã và đang làm việc rất chăm chỉ cả về mặt sáng tạo và nghệ thuật để những người làm công tác tiền tuyến có thể cảm nhận được sự trân trọng của chúng tôi với tất cả những gì họ đã, đang và sẽ làm cho cộng đồng. Bởi, khi truyền đi thông điệp về sự tích cực thì nhảy múa hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào sẽ góp phần nâng cao vẻ đẹp tâm hồn của mọi người. Đại dịch đang gây khó khăn và chúng ta cần những “liều thuốc” tinh thần và thể chất để giúp mọi người loại bỏ những tiêu cực, trầm cảm, căng thẳng, đau khổ về cảm xúc.
Việc dàn dựng một vở múa với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ đang đặt ra không ít những thách thức. Với vai trò là Tổng đạo diễn chương trình, bà đã có những phương án, kế hoạch cụ thể nào?
- Quyết định tổ chức sản xuất, dàn dựng với số lượng nghệ sĩ tham gia lên đến hơn 100 người cùng ê kíp biên đạo, tổ chức, kỹ thuật, đội ngũ ghi hình đang một thách thức rất lớn đối với vai trò Tổng đạo diễn của tôi.
Đối với tôi, Covid-19 không chỉ là thách thức mà nó còn là một cách thử sức với bản thân. Ở đó, yêu cầu mình phải sáng tạo trong phương pháp tổ chức sản xuất, làm chủ công nghệ và đặc biệt phải hiểu rõ về năng lực chuyên môn của từng nghệ sĩ, từng thành viên trong ê kíp. Thực tế cho thấy một tác phẩm nghệ thuật nếu trình diễn trong nhà hát có thể chỉ có 800 đến hơn 1000 khán giả được thưởng thức nhưng nếu được trình chiếu trên nền tảng công nghệ thì số lượng khán giả được thụ hưởng sẽ là cấp số nhân. Vì vậy yêu cầu chuyên môn về mặt thị giác đối với các tác phẩm biểu diễn trực tuyến sẽ hoàn toàn khác với tác phẩm trình diễn trên sân khấu hình hộp, yêu cầu mọi công đoạn phải thay đổi.
Ví dụ, viết kịch bản giờ đây phải chuyển sang chi tiết từng giây. Ngôn ngữ động tác phải kết cấu chặt chẽ với bối cảnh, tiết tấu phải nhanh, ý đồ phải rõ ràng. Hay đối với tập luyện thì các biên đạo múa online phải được Tổng đạo diễn làm việc trước, chốt đến từng tổ hợp, hình dung hiệu quả cuối cùng của sự tương tác, phối hợp đội hình, tuyến múa sau đó mới dựng cho các nghệ sĩ biểu diễn… Khi làm vở theo phương thức này sẽ kỳ công trong khâu tổ chức, kết nối và mất nhiều thời gian hơn dựng vở truyền thống rất nhiều.
Được biết vở múa có sự tham gia của các nghệ sĩ múa đến từ nhiều loại hình khác nhau. Liệu sự kết hợp có biến vở diễn thành một “nồi lẩu thập cẩm” hay không?
- May mắn đối với tôi vì kinh nghiệm từ diễn viên rồi trở thành biên đạo múa, nên với vai trò Tổng đạo diễn, nến với vở diễn này tôi rất sát sao và kỹ lưỡng trong từng cảnh diễn. Tôi quy định rất rõ múa như thế nào, múa với đạo cụ gì, múa với tâm trạng gì và phối hợp ra sao từ trong kịch bản biên đạo ra sao? Vì vậy mỗi nghệ sĩ đến với múa từ sở trường của họ như ballet, đương đại, jazz, hiphop… đây chỉ là “chìa khóa” để các bạn mở cửa vào lớp học mà thôi. Và khi vào lớp học các bạn sẽ được hướng dẫn, rèn luyện, khi bạn đủ năng lực về kỹ thuật, kỹ xảo, kiến thức nền sẽ giải mã được nhân vật, điều hành được cơ thể để nói ra ý cho khán giả hiểu.
Vì vậy trong vở diễn này, tôi thống nhất ngôn ngữ múa đương đại là bao trùm, nhưng trong đó có những phong cách trình diễn ấn tượng từ sở trường. Đó chính là cá tính nghệ thuật, cũng là yếu tố gốc của mỗi người diễn viên. Bên cạnh đó, vở diễn cũng chính là không gian riêng, khoảng trống nho nhỏ để các nghệ sĩ được đồng sáng tạo, được nhảy múa thể hiện bản thân mình ở đó.
Bên cạnh hoạt động biểu diễn, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã có hỗ trợ gì cho các nghệ sĩ gặp khó khăn?
- Đa số nghệ sĩ múa trẻ đều đang hưởng mức lương hợp đồng thấp. Đối với các nghệ sĩ tự do còn khó khăn hơn nữa khi hơn 1 năm không có các show diễn hay các chương trình nghệ thuật được tổ chức. Nhiều nghệ sĩ phía Nam và gia đình cũng từng bị F0, F1, nhiều nghệ sĩ xung phong các hoạt động thiện nguyện hoặc tham gia vào các tổ chức phòng chống dịch tại địa phương rất xúc động. Thường trực Lãnh đạo Hội luôn quan tâm, chia sẻ động viên về mặt tinh thần tới các nghệ sĩ cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, người khó khăn ít giúp đỡ người khó khăn nhiều trong điều kiện và khả năng có thể.
Hội cũng đang vận dụng nguồn kinh phí đầu tư cho sáng tác, tài trợ và xét giải thưởng hàng năm để hỗ trợ phần nào cho các nghệ sĩ có tác phẩm, công trình hay kịch bản múa là hội viên của hội. Đối với lực lượng nghệ sĩ biểu diễn đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật công lập có lẽ sẽ may mắn hơn các nghệ sĩ hoạt động tự do. Nhưng chúng ta vẫn còn may mắn hơn nhiều những hoàn cảnh thương tâm nơi tâm dịch. Chúng ta vẫn sống tốt và sứ mệnh của nghệ sĩ là cần sáng tạo, cống hiến và lan tỏa những tác phẩm đẹp. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần giúp cho những khó khăn, góp phần phòng chống dịch để cuộc sống bình thường mới sẽ đến một ngày gần nhất.
Trân trọng cảm ơn bà!