Ngay sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực đã cho thấy những hiệu ứng tích cực đối với việc nâng cao ý thức, giảm thiểu vi phạm của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả bền vững, cần duy trì đều đặn.
Tai nạn giao thông cùng vi phạm giảm sâu
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe" có hiệu lực.
Đặc biệt, nhiều mức phạt được tăng nặng, ngay lập tức Nghị định 168 đã mang đến những tác động tích cực sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người tham gia giao thông.
Theo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, quý 1/2025 sau khi áp dụng Nghị định 168 (từ ngày 1/1 đến 31/3), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 728.818 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt giảm 341.519 trường hợp.
Trong đó, xử lý vi phạm về nồng độ cồn là 149.931 trường hợp, giảm 130.340 so với cùng kỳ; vi phạm tốc độ 168.598 trường hợp, giảm 92.213 trường hợp; lỗi vượt đèn đỏ giảm 36,6% với 9.131 trường hợp…
Trong quý 1/2025, tình hình tai nạn giao thông cũng có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương. Toàn quốc đã xảy ra 4.440 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 2.446 người, bị thương 3.026 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 1.821 vụ, giảm 245 người chết và giảm 1.864 người bị thương.
Từ những số liệu, có thể thấy rằng, thời gian qua, một cuộc cải cách về bảo đảm trật tự, ATGT đã được thực hiện trên diện rộng. Việc tăng mức xử phạt cùng các biện pháp xử lý hành chính kèm theo như trừ điểm giấy phép lái xe, xử phạt bằng camera, đã có hiệu quả tích cực. Từ việc sợ bị phạt đến hình thành thói quen, ý thức chấp hành pháp luật và từ đó dẫn đến hành vi cụ thể khi tham gia giao thông.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: "Chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng, thực tế giao thông tại các đô thị lớn đã đi vào nền nếp. Người tham gia giao thông đã chấp hành và tuân thủ đúng quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như dừng đỗ xe đúng vạch là vi phạm về lấn làn xe, tốc độ... Bên cạnh đó, vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ cũng đã giảm đáng kể".
Ông Lê Kim Thành phân tích, từ những số liệu báo cáo của Bộ Công an, chỉ trong những tháng vừa qua, tai nạn giao thông đã giảm sâu về số vụ vi phạm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy hiệu quả của nghị định đã rất hữu ích và đem đến sự thay đổi nhận thức cho đến hành vi của người tham gia giao thông.
Cần duy trì bền vững, lâu dài
Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, các quy định mới, đặc biệt là Luật Trật tự, ATGT đường bộ và Nghị định 168 của Chính phủ, đã tác động mạnh mẽ đến ý thức tham gia giao thông của người dân.
"Việc tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm do lỗi cố ý như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, điều khiển xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn và các chất kích thích giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành.
Bên cạnh đó, quy định nhân văn trong trừ điểm giấy phép lái xe, tạm giữ giấy phép lái xe trên môi trường điện tử cũng là biện pháp răn đe hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông", Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định, những quy định mới này đã và đang đem lại hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm trật tự, ATGT, làm thay đổi nhận thức của người dân cũng như góp phần không nhỏ trong việc xây dựng văn hóa giao thông.
Theo ông Lê Kim Thành, với tốc độ tăng trưởng của phương tiện và dân số như hiện nay, Nghị định 168 ra đời là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, vẫn còn những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp để xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, cần sự đồng bộ và đồng hành của chính quyền, của người dân và của toàn xã hội để chung tay kéo giảm tai nạn giao thông trên toàn quốc.
"Mỗi người cần phải có trách nhiệm khi tham gia giao thông bằng cách tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, như đi đúng làn đường, phần đường, đi đúng tốc độ, đã uống rượu, bia thì không lái xe; các bậc phụ huynh phải là những tấm gương cho con em của mình và không giao xe cho người không đủ điều kiện để tham gia giao thông…", ông Thành chia sẻ.