Đã bước sang tuổi 46, chỉ cao vỏn vẹn 1,1m và nặng gần 30 kg do ảnh hưởng của chất độc da cam, thế nhưng chị Vũ Thị Nga (sinh năm 1977, Hải Dương) đã vượt qua mọi mặc cảm về ngoại hình, cố gắng vươn lên để trở thành cô giáo dạy nghề, tự nuôi sống bản thân và còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều bạn trẻ khác.
Tự tin xuất hiện trên sân khấu của "Trạm yêu thương" với chiếc áo màu xanh lá do chính tay mình móc bằng len, chị Vũ Thị Nga tự hào giới thiệu đó là một trong những sản phẩm do chính mình làm ra. Công việc móc len không chỉ là động lực giúp chị có thêm thu nhập, thêm niềm tin mà còn giúp chị cảm thấy cuộc cống có ý nghĩa hơn khi có thể giúp đỡ được nhiều người.
Qua lời kể của cô Nguyễn Thị Hải, mẹ của Vũ Thị Nga, ngay từ khi sinh ra, Nga đã không may mắn như những đứa trẻ khác: “Những ngày đầu, gia đình nghĩ cháu bị dị dạng bẩm sinh, sau này chúng tôi mới biết là ảnh hưởng của chất độc da cam. Dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn thế. Do bị vẹo cột sống, lưng gù, chân tay co quắp nên việc di chuyển của cháu hết sức khó khăn. Việc phát âm của cháu cũng bị ảnh hưởng”.
Đối với chị Nga, việc mình được sinh ra, được sống chính là món quà của tạo hoá. Biết rõ bệnh tình của bản thân, cộng thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị đã tự nhủ phải lạc quan, cố gắng không ngừng và học thật giỏi để thay đổi số phận, không phụ công sức của cha mẹ. Đường đến trường dù xa, việc đi lại vô cùng khó khăn nhưng chưa bao giờ Vũ Thị Nga thôi cố gắng. Chị luôn tự nhủ không được tự ti, phải chứng tỏ cho mọi người thấy mình có thể làm được mọi việc như những người bình thường. Nhiều năm liền là học sinh giỏi, Vũ Thị Nga khiến thầy cô và bạn bè nể phục bởi sự chăm chỉ và ý chí vươn lên.
Mặc dù rất ham học nhưng học hết cấp hai, Vũ Thị Nga đành xin nghỉ để chuyển sang học nghề, kiếm thêm thu nhập, san sẻ gánh nặng kinh tế đang đè nặng trên vai bố mẹ. Sau đó ít lâu, Vũ Thị Nga nhận được giấy mời học nghề dành cho người khuyết tật của tỉnh Hải Dương. Tại trung tâm 8/3, Nga được dạy học nghề đan móc. Một lần nữa, chị lại nỗ lực hết sức mình. Đôi tay nhỏ bé, yếu ớt lại có năng khiếu thêu móc. Sau 3 tháng kiên trì, tỉ mỉ, cần mẫn từng đường kim, Vũ Thị Nga hoàn thành xuất sắc khóa học thêu và được trung tâm giữ lại làm việc. Chị trở thành cô giáo dạy nghề đan móc cho nhiều người khác. Lúc đầu nhiều người lo lắng cho việc di chuyển và dạy học của chị Nga, thế nhưng qua những buổi học, nhìn cô giáo với đôi tay thoăn thoát đâm từng đường kim, mũi chỉ và tận mắt chứng kiến những sản phẩm do đôi tay không lành lặn của chị Nga làm ra, nhiều người càng thêm cảm phục và ngưỡng mộ tài năng cũng như nghị lực của cô giáo khuyết tật.
Qua phóng sự của "Trạm yêu thương", khán giả sẽ được tận mắt chứng kiến lớp học rất đông học sinh của cô giáo Vũ Thị Nga. Những chia sẻ của những học sinh trong lớp học đặc biệt ấy sẽ giúp khán giả phần nào hiểu hơn về những cố gắng của cô giáo 7x này. Không chỉ đan móc những sản phẩm nhỏ xinh, Vũ Thị Nga còn đan túi xách, quần áo, đặc biệt là áo dài… Mỗi sản phẩm chị làm đều thể hiện sự tinh tế, khéo léo, và sáng tạo. Những đường đan móc cẩn thận đã làm nên những tác phẩm bằng len mang một tâm hồn riêng biệt. Vũ Thị Nga luôn hạnh phúc và tự hào khi công việc này đã giúp chị có thể tự lập, tự lo cho cuộc sống, san sẻ gánh nặng với gia đình và đặc biệt là tạo công ăn việc làm, truyền cảm hứng sống cho nhiều người khác.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, chị Nga chỉ mong muốn bản thân có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục việc dạy học, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ cùng nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, chị cũng hy vọng sản phẩm của mình có chất lượng cao hơn, có chỗ đứng trên thị trường.
Còn rất nhiều câu chuyện thú vị về cô giáo tí hon Vũ Thị Nga, câu chuyện về cuộc đời chị chính là tấm gương và động lực cho rất nhiều bạn trẻ noi theo. Bên cạnh đó thử thách móc len ngay tại "Trạm yêu thương" chắc chắn sẽ mang đến nhiều khoảnh khắc thú vị cho khán giả trong khung giờ quen thuộc 10h00 thứ Bảy ngày 23/9/2023 trên kênh VTV1.