Nghỉ Tết Nguyên đán 2017: 7 hay 10 ngày?

Lan Hương 03/11/2016 06:48

Chưa khi nào lịch nghỉ Tết Nguyên đán lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều như năm nay. Ngay sau khi Bộ LĐTB&XH đưa ra 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 và 10 ngày đã gây sự tranh cãi kịch liệt giữa các đại diện doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ). Cả hai đều đưa ra những lập luận lý do chính đáng.

Nghỉ Tết Nguyên đán 2017: 7 hay 10 ngày?

Nghỉ lễ, tết là dịp để người lao động tái tạo sức lao động.

Nhiều ý kiến trái chiều

Phương án thứ nhất mà Bộ LĐTB&XH đưa ra, công chức sẽ nghỉ từ 26/1 đến 1/2/2017, tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu.

Do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.

Còn phương án thứ hai, công chức nghỉ từ 27/1 đến 5/2/2017, tức 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Việc hoán đổi ngày nghỉ thực hiện như sau: Công chức đi làm thứ Bảy 11/2/2017 nghỉ thứ Sáu 3/2/2017, để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.

Đưa ra ý kiến về nghỉ Tết, đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nên căn cứ theo điều kiện sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp để chủ động phân công, phân ca.

Tỏ ra lo ngại về tình trạng đơn hàng hoặc hàng hoá dồn ứ nhiều ngày, ông Phòng cho rằng, đây là Tết cổ truyền của Việt Nam, chứ các nước phương Tây vẫn hoạt động bình thường trong những ngày này.

“Chúng tôi tính và kiến nghị phương án cho phép doanh nghiệp được bố trí người lao động nghỉ bù đúng theo quy định, nhưng cũng giúp doanh nghiệp có sự linh hoạt trong phân công người lao động ứng trực xử lý công việc trong dịp Tết”- ông Hoàng Quang Phòng nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên kiến nghị, chỉ nên nghỉ Tết 7 ngày. Vì nghỉ dài, doanh nghiệp phải tăng ca cho kịp tiến độ đơn hàng, phải bồi dưỡng thêm, tiền lương, tiền công cho lao động cũng cao hơn.

Năm 2016 vì lịch nghỉ tết dài nên đối tác ép công ty phải giao hàng trước Tết. Chính vì vậy công ty phải tăng ca liên tục, buộc công nhân làm đêm làm hôm, rất mệt mỏi, nguy hiểm.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ NLĐ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng, đa số người lao động ủng hộ phương án nghỉ 10 ngày. Bởi nhiều lao động phía Nam ra Bắc ăn Tết thường gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện tàu xe.

Về ý kiến cho rằng, nghỉ Tết dài ngày sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu, ông Mai Đức Chính nói: Nếu doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt, khi Chính phủ công bố thời gian nghỉ Tết thì họ phải tính đến việc sản xuất trong thời điểm đó như thế nào. Không nên bị động chuyện này. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng có lịch nghỉ dài”. Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh, điều quan trọng là sau nghỉ Tết là phải trở về làm việc nghiêm túc.

Cần hợp lý lợi ích đôi bên

Xung quanh ý kiến tranh luận trái chiều về việc nghỉ Tết, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu tính toàn bộ nghỉ lễ, Tết năm nay là khoảng 20 ngày.

Nếu so với các nước trên thế giới, thời gian nghỉ là không cao, nhưng xét trên phương diện mặt bằng trong nước, tình hình kinh tế - xã hội, năng suất lao động của chúng ta thì đó là thời gian dài và lãng phí.

Ông Lợi cho rằng, nếu nghỉ quá dài thì lấy đâu ra tiền lương, thu nhập, lấy gì kích thích tiêu dùng? Cho nên, thời gian nghỉ Tết cần hợp lý để vừa giải quyết được vấn đề thăm thân, gia đình. Giải quyết tình cảm nhưng phải nghĩ đến vấn đề việc làm, năng suất lao động.

Nghỉ lễ dài ngày có ảnh hưởng đến năng suất lao động hay không vốn dĩ là câu hỏi được đặt ra từ lâu. Song thực tế cho thấy việc hoán đổi ngày nghỉ đã được thực hiện trong mấy năm qua và không có ảnh gì đến doanh nghiệp.

Bởi thực tế, doanh nghiệp đều đã lên phương án sản xuất cả năm và bố trí lao động luân phiên nghỉ dịp Tết chứ không cho nghỉ đồng loạt như khối hành chính, công chức. Chưa kể, việc nghỉ dài sẽ kích cầu tiêu dùng, mua sắm, sử dụng các dịch vụ du lịch, giải trí, giúp người lao động có thời gian ở bên gia đình.

Về vấn đề này đại diện Bộ LĐTB&XH khẳng định: Mục tiêu hoán đổi ngày làm việc để mong muốn người lao động có thêm ngày nghỉ Tết, xum họp gia đình rồi gắn kết các mối quan hệ gia đình.

Tổng số ngày làm việc của người lao động, của cán bộ công chức vẫn giữ nguyên nên không có chuyện nghỉ Tết ảnh hưởng đến năng suất lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghỉ Tết Nguyên đán 2017: 7 hay 10 ngày?