Nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh (1948-2023) và 35 năm ngày mất (1988-2023) của nhà viết lịch Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt chương trình nghệ thuật “Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời” với 4 vở diễn đặc sắc của ông.
Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ được đánh giá là hiện tượng đặc sắc của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX. Ông mất đã 35 năm nhưng người ta vẫn còn nhớ lúc sinh thời ông đã nói về sáng tác của mình rằng “những con chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật”. Trong những năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới, kịch Lưu Quang Vũ xuất hiện như tia chớp trên bầu trời giông bão với tư cách là những cuộc đối thoại quyết liệt với thời cuộc, với khán giả đương thời.
Xuất phát từ cuộc đời thực với nhiều băn khoăn trăn trở, những hoài bão lớn lao và cả những lưỡng lự, ông đã đối thoại với chính mình, với cuộc đời.
Kịch của Lưu Quang Vũ cũng là những vấn đề muôn thuở của nhân loại, như tình yêu, tình cảm gia đình, lẽ sống - chết, hạnh phúc và nhân cách con người… nhưng dưới góc nhìn rất riêng biệt của một tài năng lớn tất cả đã hiện lên một cách sống động, mãnh liệt.
Thời gian trôi qua càng thấy rằng Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu Việt Nam. Trong một khoảng thời gian không dài chỉ hơn 10 năm ông đã sáng tác hơn 50 vở kịch. Trong một Liên hoan sân khấu toàn quốc, 6 vở kịch của ông được các đoàn dựng thì có tới 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Tới nay, có ai được như Lưu Quang Vũ?
Thật xót xa vào chiều ngày 29/8/1988 (ngày 18 tháng 7 âm lịch), một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã khiến Lưu Quang Vũ và người vợ thân yêu của ông - nữ thi sĩ Xuân Quỳnh phải chia tay cõi nhân gian. Khoảng trống ấy mãi vẫn không thể lấp đầy.
Nhớ về Lưu Quang Vũ, nghĩ sâu thêm về những vở kịch của ông thì dường như cũng lại thêm băn khoăn về sân khấu kịch hiện nay. Đã nhiều năm rồi, dù cho có xã hội hóa sân khấu đi nữa, biên độ của loại hình nghệ thuật này được mở rộng thì cũng không có mấy vở kịch hay. Càng không xuất hiện một kịch tác gia nào đúng nghĩa với danh hiệu ấy.
Nhiều hội thảo, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề làm gì để sân khấu kịch trở lại thời hoàng kim, để nhà hát luôn sáng đèn hàng đêm, để kéo khán giả đến với sân khấu kịch nói. Những cố gắng ấy là đáng ghi nhận nhưng rốt lại vẫn không có kịch bản hay. Kịch là phải đối thoại với cuộc đời nếu không hiểu nó, hiểu một cách hời hợt, càng dở hơn là né tránh nó thì làm sao có tư cách để đối thoại, cao hơn nữa là để thuyết phục được người đương thời?
Để có một vở diễn hay cần nhiều yếu tố, nhưng then chốt vẫn là nội dung kịch bản. Một kịch bản nặng về trình bày, diễn giải, “dạy đời”, hay là ve vuốt cảm xúc sẽ không bao giờ đứng được. Vì rằng, khán giả sẽ thấy mình như người ngoài cuộc, câu chuyện không tác động gì đến mình. Họ không được buồn vui sướng khổ với nhân vật, không được khơi dậy trong trái tim mình tình yêu cao cả đối với cuộc đời. Không cứ gì chính kịch, hài kịch mà ngay cả bi kịch thì những giọt nước mắt nó mang lại cũng phải giúp thanh lọc tâm hồn con người.
Nhớ về Lưu Quang Vũ, nghĩ về kịch lại ao ước có những vở kịch được viết bằng “những con chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật”. Thật với mình thì mới thật được với người, với cuộc đời. Trong ý nghĩa đó thì một vở kịch giả tạo không bao giờ là một vở kịch hay.