Từ năm 1992, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Trải qua 32 năm, đã có hàng nghìn cá nhân tiêu biểu với nhiều nghĩa cử cao đẹp trên các lĩnh vực đời sống xã hội được vinh danh.
Cùng với đó, hàng vạn người dân khác vẫn âm thầm làm việc, làm lan tỏa các giá trị, tôn bồi sự phát triển chung cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trong số 10 công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh năm 2012, có bà Nguyễn Thị Vui (Chủ nhiệm HTX sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên).
Bà Vui tham gia công tác tại địa phương từ năm 1960 với các cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ, Xã đội phó, Chủ nhiệm hợp tác xã, đặc biệt có 45 năm làm Bí thư Chi bộ, bà luôn nhiệt tình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Góp phần giữ gìn và phát triển nghề sơn khảm truyền thống của quê hương, suốt nhiều năm HTX do bà làm chủ nhiệm đã dạy nghề miễn phí cho gần 2.500 trẻ khuyết tật, mồ côi, con em gia đình chính sách trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Bà Vui cho biết, bản thân cống hiến, làm việc tốt không chờ được vinh danh. Song sự tôn vinh của các cấp, thành phố là nguồn động viên, khích lệ những công dân như bà tiếp tục phấn đấu, nỗ lực làm việc. Việc dạy nghề khảm trai cho người bình thường đã khó, với người khuyết tật càng khó hơn.
Thế nhưng, bà Vui vẫn kiên trì để nhiều em khiếm khuyết có thể phát huy được bản thân mình. Trong thời gian học ở cơ sở của bà, các em không phải đóng bất cứ một khoản chi phí nào, việc ăn, ở đều được HTX lo chu đáo. Có thời gian, HTX sơn khảm Ngọ Hạ có tới 150 học viên, bà Vui và các xã viên phải huy động tới 6 nhân viên nấu ăn cả ngày cho các em.
Một “Công dân Thủ đô ưu tú” khác là tiền đạo Phạm Hải Yến - một trong những trụ cột không thể thiếu của tuyển nữ Việt Nam. Cô gái của thể thao Hà Nội đã vinh dự nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023. Cô cho biết, danh hiệu là điều khá bất ngờ với một người trẻ. Cô hiểu rằng giải thưởng luôn gắn liền với trách nhiệm, đặc biệt đối với vận động viên đỉnh cao luôn có áp lực thành tích.
“Tôi sẽ cố gắng phát huy, làm tốt khả năng của mình để có thêm nhiều thành tích cùng câu lạc bộ và đội tuyển. Về lâu dài, tôi muốn trở thành một huấn luyện viên để gắn bó với môn thể thao này. Hiện tại, tôi đã học xong chương trình tại khoa Huấn luyện của Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức để chuẩn bị bước tiếp theo khi không còn là vận động viên thi đấu”, Phạm Hải Yến tâm sự.
Suốt những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của phong trào “Người tốt, việc tốt”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giúp phong trào phát triển rộng khắp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố. Những điều đó đã huy động được sức mạnh của cả cộng đồng, được nhân dân ủng hộ.
Cụ thể, Hội Cựu chiến binh thành phố đã gắn với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Nông dân gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà nội gắn với phong trào xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...; Liên đoàn Lao động gắn với phong trào “Sáng kiến - Sáng tạo” và các chương trình tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô; Hội Chữ thập đỏ thành phố thường tổ chức tôn vinh gương “Người tốt, việc thiện”...
Nhờ những cách làm sáng tạo, đến nay, phong trào “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi sâu vào các mặt đời sống xã hội.
Lòng tốt bắt nguồn từ tâm hồn tử tế, với mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp đến muôn nơi. Thấu hiểu điều đó, nên rất nhiều người, với cách cho đi phù hợp, tùy theo khả năng của mình. Từ em học sinh, sinh viên đến cán bộ công chức, viên chức.
Từ người còn đang làm việc đến người cao tuổi, người đã nghỉ hữu. Mỗi đóng góp lớn hay nhỏ đều hữu ích. Nhờ thế, từng ngày các hành động, việc làm đẹp, việc tốt được chắt chiu, đan dệt thành những tấm thảm hoa đời tuyệt đẹp.