Ở vào thời điểm xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều người Việt rơi vào cảnh trắng tay, nguy hiểm cận kề. Nhưng giữa vòng xoáy khủng hoảng đó, hàng nghìn người đã sống trong sự đùm bọc, yêu thương của đồng bào. Khó khăn còn đó nhưng nghĩa đồng bào, tình đoàn kết, sẽ còn được kể mãi…
Trở về từ vùng xung đột Ukraine, họ đã bật khóc. Tiếng nấc nghẹn khi nhắc đến tài sản tích luỹ bao năm phải bỏ lại xứ người; và rồi lại vỡ òa cảm xúc bởi biết bao yêu thương. Vì còn sinh mạng, là còn tất cả, để hy vọng vào tương lai…
1. Chúng tôi theo chân đoàn công tác do bà Bùi Thị Thu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tìm đến gia đình anh Nguyễn Hữu Thụ và chị Tạ Thị Vân, ở xóm Chùa Cổ, thôn Trượng Trì Ấp, xã Hoài Thượng- một trong những gia đình người Việt sinh sống ở Odessa (Ukraine) được Nhà nước hỗ trợ trở về trong chuyến bay thứ 2.
Trải dài bên bờ sông Đuống, Hoài Thượng vốn nổi danh là vùng đất trai tài, gái đảm. Con đường vào làng quanh co, uốn lượn, trong mưa bụi lất phất bay là những ngôi nhà mới khang trang.
Đến nhà anh Thụ, không gặp bố mẹ anh vì “hai cụ còn bận đi làm”. Theo giải thích của bà Chủ tịch Mặt trận huyện thì “bản tính của người dân nơi này rất chịu thương chịu khó, họ chẳng bao giờ ngồi yên, không làm việc này thì sẽ làm việc khác”.
Gia đình anh Thụ gồm hai vợ chồng và 3 cháu nhỏ đón chúng tôi trong “cơn ngái ngủ” vì lệch múi giờ. Nhưng sự mệt mỏi có lẽ không đến nhiều từ phía đó, mà đến từ những gì đã để lại sau nhiều ngày chạy loạn, với chị Vân, đôi lúc vẫn như thấy có tiếng bom nổ ở ngay bên mình.
Đôi mắt chị buồn rười rượi trong cái nhìn xa xăm. Thế mà cũng đã tròn hai thập niên anh chị gắn bó với thành phố cảng Odessa. Ngày mới đến nơi đất khách quê người, cuộc sống của anh chị gặp vô vàn khó khăn bởi ngôn ngữ bất đồng, công việc bấp bênh. Hai người nên duyên vợ chồng và đã nỗ lực không ngừng để có một cuộc sống ổn định. Dành dụm mãi, họ cũng có cửa hàng ở chợ KM7 - một khu chợ có đông người Việt đang làm ăn ở đó.
Đúng lúc cuộc sống dư dả hơn, khi hai vợ chồng có cửa hàng, có một tổ ấm xinh xắn, thì khó khăn ập đến. Chị Vân nhớ lại, rạng sáng ngày 24/2 khi cả gia đình đang ngủ thì tiếng bom nổ rung chuyển thành phố. Tất cả đều kinh hoàng. Trên các hội nhóm viber của người Việt bảo nhau “ngày mai ngừng mọi hoạt động buôn bán”. Nhiều người vội vàng lên đường lánh nạn. Nhưng cũng có người chờ đợi. Trong đó có nhà chị và 3 gia đình người Việt đang sinh sống tại tòa chung cư là bám trụ đến cùng để nghe ngóng thêm tình hình.
“Với gia đình tôi, đi hay ở là một quyết định cân não. Nếu có rời đi thì toàn bộ tài sản bao năm gia đình dành dụm được gồm nhà cửa, xe cộ, hàng hóa đều phải bỏ lại. Nhưng khi tiếng bom ngày càng nhiều hơn, gần hơn. Điều ấy có nghĩa tính mạng của cả gia đình đang trong vòng nguy hiểm. Chúng tôi quyết định rời khỏi Odessa, tìm đường để trở về Việt Nam”, chị Vân nhớ lại.
Khi xung đột lan rộng trên toàn lãnh thổ Ukraine, Hội người Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã họp bàn cách cho bà con người Việt di tản sang nước khác và chờ chuyến bay hồi hương. Hội đã lập ra nhóm Viber để mọi người có nguyện vọng rời đi tham gia nhóm, cử người có kinh nghiệm phổ biến cách thức khi đi lại và liên hệ với đại diện cộng đồng người Việt tại nơi đến. Hội cũng đồng thời chỉ đạo các đơn vị trưởng các khu vực nắm quân số, nguyện vọng của bà con mong muốn được hồi hương... Tình người Việt xa quê lúc này trở nên ấm áp lạ kỳ - ông Hải Anh (Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Odessa, Ukraine) chia sẻ.
Tài sản phần lớn nằm ở hàng hoá. Chỉ kịp mang theo mấy bộ quần áo ấm cho bọn trẻ cùng chút lương thực, nước uống, từ thành phố Odessa cả gia đình chị lên ô tô bắt đầu đến cửa khẩu biên giới Moldova. Dù quãng đường chỉ dài hơn 100km nhưng di chuyển khá khó khăn. Mưa to, tuyết rơi, đường trơn trượt nên phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ mới làm xong thủ tục để nhập cảnh vào Moldova. Nhiều người do chờ đợi sốt ruột đã bỏ lại xe, dắt díu nhau đi bộ để có thể nhanh chóng rời khỏi vùng chiến sự.
Sau khi nhập cảnh qua cửa khẩu, cả gia đình chị lại tiếp tục hành trình vượt gần 200km để đến thủ đô Kisinau của Moldova. Trong thời gian 2 ngày ở đây, gia đình chị được một người bạn cho ở nhờ trước khi tiếp tục di chuyển quãng đường gần hơn 400km sang Romania.
Một hành trình rất dài, đầy ắp những âu lo. Nhưng đó cũng là hành trình của cảm xúc. Suốt chặng đường, gia đình chị luôn nhận được trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam ở Romania, các tổ chức nhân đạo quốc tế, hội đoàn người Việt. Tại các cửa khẩu biên giới, những người Việt di tản từ Ukraine đều được hỗ trợ đồ ăn, nước uống, sim điện thoại để liên lạc. Cùng với đó, trên các diễn đàn những nhóm tương trợ người Việt ở Ukraine được thành lập để chia sẻ những thông tin cần thiết trong quá trình di chuyển, hướng dẫn mọi người cách thức để tìm đến các địa điểm an toàn. Khi đến biên giới Romania có những hội nhóm đồng hương người Việt đã vượt chặng đường cả trăm cây số để trực tiếp đón bằng được bà con mình. Những giọt nước mắt vỡ oà khi gặp được đồng bào nơi xa xứ…
“Từ Romania, Chính phủ Việt Nam đón chúng tôi trở về. Đó thực sự là món quà vô giá”, chị Vân xúc động nói.
2. Chúng tôi ngược dòng sông Đuống để tìm về với sông Lô. Chiều cuối xuân, sông Lô chảy qua TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang êm đềm như một dải lụa. Dòng sông quê hương đã in đậm trong trái tim bà Nguyễn Thị Oanh (60 tuổi), phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang- người vừa được Nhà nước đón về trong chuyến bay đầu tiên. Một người đàn bà mạnh mẽ, can trường từng bôn ba nơi xứ người, vậy mà, trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng bà Oanh lại đưa tay lên ngực như muốn níu giữ những cảm xúc lúc nào cũng trực trào dâng.
Như một thước phim quay chậm, ám ảnh, bà Oanh nhớ lại giây phút khi nghe tiếng bom nổ lớn ngày một nhiều hơn, mọi người đều vô cùng hoảng loạn. “Lúc đó mong muốn lớn nhất của tôi và mọi người là được trở về quê hương, bởi trong lúc bom rơi, đạn lạc rủi ro, nguy hiểm sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”.
Sáng 27/2, bà Oanh và một vài gia đình cùng sống trong khu chung cư quyết định rời khỏi thành phố Odessa. Giống như gia đình chị Vân, bà Oanh đi qua Moldova trước khi đến thủ đô Bucharest của Romania.
“Trong khi chờ đợi có chuyến bay về Việt Nam thì được nghe tin Nhà nước tổ chức bảo trợ công dân về nước, không chỉ bản thân tôi mà mọi người đều vỡ òa xúc động. Từ tận đáy lòng chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ tận tình, giúp chúng tôi được trở về nhà an toàn”, bà Oanh xúc động nói.
Đối diện với nhà bà Oanh trên con phố Lê Hồng Phong, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang là nhà của chị Trương Thúy Hạnh. Trong chuyến bay, 2 con chị Hạnh được bà Oanh đưa cùng lên máy bay để trở về Việt Nam ngày 8/3. Cùng chung sống trong khu Làng Sen - một khu đô thị của người Việt ở thành phố Odessa, hai gia đình vốn là hàng xóm láng giềng ở quê nhà nay lại thêm yêu thương, thân thiết.
Khác với những đứa trẻ nhà chị Vân, hai con chị Hạnh nói tiếng Việt rất tốt, lý do là vì tại Làng Sen có lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt. Tuấn Minh (8 tuổi) vừa ngáp vừa đón chào chúng tôi, cậu bé cũng đang phải chống chọi lại với những cơn buồn ngủ vì lệch múi giờ, chưa kể vẫn tham gia học online đầy đủ (nhiều trường học ở Ukraine vẫn tổ chức dạy học online cho học sinh khi chiến sự nổ ra).
Ôm cậu con trai nhỏ Tuấn Minh trong lòng, chị Hạnh không giấu được nước mắt. Chị cho biết, sau hơn 20 năm sang xứ người lập nghiệp, vợ chồng chị cũng đã gây dựng được một cơ ngơi vững chắc. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi chị trở về quê hương để giải quyết việc gia đình, còn chồng con ở lại. Khi chiến sự xảy ra, chị đã trao đổi với chồng, bằng mọi giá phải đưa con ra khỏi vùng nguy hiểm.
Một hành trình dài từ Odessa sang Romania, lúc ấy, tưởng chừng phải đợi mua vé về Việt Nam thì gia đình chị nhận được thông tin sẽ có chuyến bay nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đưa công dân về nước, chị như trút được tảng đá đè nặng trong tim. Hai đứa con nhỏ đã trở về trong bình yên. Còn chồng chị phải ở lại để trông nom tài sản.
“Ai cũng có nhà có cửa, có tài sản. Đau xót lắm. Khi phải quyết định lựa chọn thì an toàn cho các con vẫn là lựa chọn đầu tiên”, chị Hạnh nghẹn lời.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi cuộc gọi được kết nối từ thành phố Bucharest của Romania, nơi chồng chị đang tạm thời ở lại chờ chiến sự lắng xuống để tìm cơ hội sớm nhất trở về Odessa trông nom nhà cửa. Qua điện thoại, chồng chị thông báo vẫn bình an nhưng trước mắt không trở về được Ukraine vì biên giới đã đóng. Với chị mong ước lớn nhất là nguyện cầu cho chiến sự chấm dứt để gia đình đoàn tụ.
Ôm chặt hai đứa con trong lòng chị Hạnh vẫn rưng rưng. Có những lúc chị đã lo chuyện chẳng lành, khi hai đứa con dứt ruột có thể không trở về được với mẹ.
“Không có bố mẹ đi kèm, nhưng trong hành trình về nước các cháu được chăm sóc chu đáo, về đến sân bay được phát sim điện thoại để liên lạc với người nhà. Đó là những ân tình mà tôi không thể nào quên. Trong cơn hoạn nạn của gia đình tôi và rất nhiều người khác, Tổ quốc đã không bỏ rơi đồng bào mình” - chị Hạnh nghẹn ngào.
3. Đã có thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt sinh ra lớn lên trên đất nước Ukraine bên bờ Hắc Hải, kể từ khi những người đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này mấy mươi năm trước. Quãng thời gian ấy, quá đủ làm nên sự gắn bó.
Bây giờ, nhìn lại, chị Hạnh cũng như chị Vân đều canh cánh trong lòng một nỗi nhớ Odessa. Nơi ấy đã là quê hương thứ hai. Ở đó là tất cả những gì gia đình các chị chắt chiu gây dựng. Là nơi các chị sinh ra những đứa con. Ngay cả trong giấc mơ tồi tệ nhất các chị cũng không nghĩ đến có ngày phải bỏ lại tất cả.
Chị Vân cho biết, mặc dù đã trở về nước nhưng gia đình vẫn giữ liên lạc với bà Lena một người bản xứ từng thân thiết với gia đình nhiều năm. Qua những cuộc nói chuyện, bà Lena thông báo tình hình ở Odessa. Lúc này, toàn bộ tài sản, nhà cửa của gia đình đều an toàn.
“Tôi chỉ cầu mong xung đột sớm chấm dứt. Tài sản của chúng tôi không bị tàn phá. Hy vọng một ngày không xa, cả nhà sẽ sớm quay lại Ukraine để ổn định cuộc sống”, chị Vân chia sẻ.
Trước mắt, chị Vân vẫn còn nhiều khó khăn. Tay trắng trở về. Con cái ăn học ra sao khi cả ba đứa trẻ đều nói tiếng Ukraine giỏi hơn tiếng Việt. Người mẹ ấy cũng đã bắt dầu tính chuyện cho lũ trẻ học thêm tiếng Việt. Những mối lo của chị Vân chỉ được giải tỏa và nguôi ngoai phần nào khi nhận được những lời động viên, chia sẻ từ lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Thuận Thành, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với bà Oanh, lần trở về này sẽ là một cuộc trở về theo đúng nghĩa. Quá nửa đời người phiêu bạt, trở về với quê nhà, nơi có những người thân yêu, nơi có biết bao kỷ niệm vui buồn, bà Oanh quyết định không ra đi nữa. Dù có khó khăn như thế nào thì quê hương vẫn là nơi bình yên và ngọt ngào nhất.
Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, thử thách. Nhưng khó khăn, thử thách lại là điều kiện để rọi chiếu mỗi con người, mỗi dân tộc. Với dân tộc Việt Nam, đó luôn luôn là nghĩa tình, là chia sẻ, là yêu thương đoàn kết. Đó là điểm tựa để mỗi con người hướng tới tương lai.
(Còn nữa)
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang Đỗ Minh Tân, khi phải đối mặt với tình huống bất ngờ, chưa có tiền lệ Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách kịp thời để nhanh chóng đưa đồng bào từ nơi chiến sự trở về quê hương. Những chuyến bay đưa công dân về nước là minh chứng rõ nét trong mọi hoàn cảnh Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay đón mọi con dân trở về.
Ông Tân cũng cho biết, với vai trò tập hợp đoàn kết toàn dân, MTTQ tỉnh Tuyên Quang sẽ lắng nghe để thấu hiểu mọi hoàn cảnh của người dân trở về từ vùng chiến sự, để đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo giúp đỡ mọi người từng bước vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. “Mong bà con hãy tin tưởng, Nhà nước sẽ có những chính sách để chăm lo cho bà con từ việc mưu sinh đến chuyện học hành của con cái” - ông Tân bày tỏ.
Bà Bùi Thị Thu - Chủ tịch UBMTTQ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, gia đình anh Thụ, chị Vân tuy sống xa quê hương nhiều năm, nhưng trong mọi hoạt động ở địa phương, thông qua bố mẹ ở quê nhà, đều có những đóng góp, chia sẻ. “Chúng tôi cảm ơn tấm lòng của anh chị. Nay gia đình anh chị gặp khó khăn, Mặt trận lúc nào cũng ở bên, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ để kiến nghị với các cấp ủy, chính quyền địa phương có những giải pháp kịp thời, giúp gia đình từng bước ổn định cuộc sống trước khi có thể quay trở lại Ukraine”, bà Thu khẳng định.
Theo ông Trần Đình Hùng - đại diện Tổ dân phố 15 phường Minh Xuân - TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, ngay khi biết trong khu dân cư có những trường hợp người dân trở về từ vùng xung đột Ukraine, đại diện tổ dân phố đã tổ chức đến thăm hỏi, động viên. Cùng với việc trực tiếp lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con, tổ dân phố cũng phối hợp với chính quyền, công an phường để hỗ trợ bà con thực hiện thủ tục về khai báo nhân khẩu, hộ khẩu. “Nếu trong thời gian tới bà con có nguyện vọng muốn ở lại, tổ dân phố và khu dân cư tiếp tục cùng với địa phương quan tâm tạo mọi điều kiện để bà con sinh sống ổn định ở quê nhà. Trước mắt, tổ dân phố sẽ vận động bà con tham gia vào các hội đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ để mọi người cùng bắt nhịp với cuộc sống hiện tại” - ông Hùng nói.