Nghịch lý sau sáp nhập xã ở Phú Thọ

Ngô Hùng - Công Tuấn 03/04/2023 07:00

Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp xã ở Phú Thọ đã tinh giản được bộ máy hành chính, cắt giảm chi phí ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trụ sở bị bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó có nơi cán bộ lại phải làm việc trong không gian chật chội.

Nhiều trụ sở UBND xã ở Phú Thọ sau khi sáp nhập bỏ hoang gây lãng phí.

Căn phòng chưa đầy 25m2, 4 người làm việc, không thể đặt bàn tiếp khách vì máy móc, tủ để giấy tờ đã chiếm hết diện tích, muốn đi lại trong phòng còn phải nghiêng người lách qua. Cảnh làm việc trong không gian chật chội này diễn ra từ lâu ở phòng Địa chính của UBND xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). “Phòng hẹp, đông cán bộ, lại là nơi quản lý nhiều văn bản, giấy tờ nên dù đã cố gắng bày trí gọn gàng nhất nhưng vẫn chỉ được vậy” - ông Nguyễn Văn Hiền, cán bộ địa chính xã Tu Vũ nói.

Cũng theo ông Hiền, năm 2020, 3 xã là Tu Vũ, Phượng Mao và Yến Mao sáp nhập, lấy tên Tu Vũ. Tất cả bộ máy xã Tu Vũ mới chuyển về làm việc tại xã Yến Mao (cũ), 2 trụ sở còn lại thì bỏ không. “Sau sáp nhập, xã Tu Vũ có diện tích, dân số thuộc diện lớn nhất huyện, nhiều khi dân đến làm việc đông, không đủ chỗ để tiếp, người dân đành phải xếp hàng hoặc ngồi ở hành lang chờ tới lượt” - ông Hiền cho biết.

Trong khi đó, tại trụ sở xã Tu Vũ (cũ) và xã Phượng Mao (cũ), cơ sở vật chất vẫn còn khá khang trang, nhưng hiện đã bỏ không, làm sân chơi cho trẻ con quanh vùng. “Đúng là 2 trụ sở cũ hiện đang bỏ hoang, trong khi trụ sở mới thì nhiều phòng làm việc quá tải vì đông người. Tuy nhiên, giờ xã cũng phải chờ huyện và tỉnh duyệt phương án xử lý. Theo tôi được biết, huyện đã đồng ý chủ trương di chuyển và xây trụ sở mới cho xã” - ông Khuất Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Tu Vũ nói.

Được biết, ngày 2/1/2020, bộ máy hành chính của 28 đơn vị hành chính cấp xã mới ở Phú Thọ sau sáp nhập đã chính thức hoạt động. Đợt sáp nhập này, tỉnh Phú Thọ giữ nguyên 13 đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thành 28 đơn vị hành chính mới, giảm 52 đơn vị.

Hơn 3 năm kể từ ngày sáp nhập, có nhiều trụ sở ủy ban bỏ không, xuống cấp, cỏ mọc um tùm, thậm chí có công trình vừa đưa vào sử dụng trong thời gian rất ngắn nhưng vì sáp nhập nên cũng không sử dụng gây lãng phí.

Cụ thể, tại huyện Tam Nông, có 12 xã được sáp nhập thành 4 xã mới, đến thời điểm hiện tại chỉ có trụ sở của UBND xã Văn Lương (nay là xã Vạn Xuân) được phá dỡ để xây trường học, trụ sở UBND xã Tam Cường (nay là xã Vạn Xuân) được tận dụng làm chợ tạm, còn 7 trụ sở cấp xã vẫn…bỏ hoang.

Còn tại huyện Cẩm Khê, trong đợt sáp nhập có xã Đồng Cam, Phương Xá và Phùng Xá thành xã Minh Tân; xã Thanh Nga, Sơn Nga, Sai Nga và thị trấn Sông Thao thành thị trấn Cẩm Khê; xã Hiền Đa, Cát Trù và Tình Cương thành xã Hùng Việt. Hầu hết các trụ sở xã cũ (không dùng làm trụ sở xã mới) sau khi sáp nhập đều trong tình trạng bỏ hoang. Trong đó lãng phí nhất có thể kể đến trụ sở xã Sai Nga (nay là thị trấn Cẩm Khê) đến nay vẫn còn rất mới, với tòa nhà ủy ban xây dựng hồi tháng 7/2017. “Trụ sở UBND xã Sai Nga mới khánh thành và đưa vào sử dụng 1 vài năm, vậy mà khi sáp nhập, nơi này bỏ hoang, nhìn tiếc quá” - một người dân bày tỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, trong quá trình rà soát, nhận thấy trường học bị xuống cấp nghiêm trọng, diện tích xây trường trên nền đất cũ không đủ, lại thấy trụ sở UBND xã Văn Lương (cũ) chưa sử dụng nên huyện đã báo cáo tỉnh xin chuyển trường đó. Còn những trụ sở cũ khác, hiện vẫn để không và chờ tỉnh có phương án xử lý.

Trong khi nhiều trụ sở làm việc mới sau sáp nhập chật chội thì không ít trụ sở UBND cũ lại bỏ hoang không sử dụng. Thiết nghĩ UBND tỉnh Phú Thọ cùng các cơ quan, ban, ngành cần rà soát, đánh giá để sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo ông Ngô Quang Ước - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê, hiện nay huyện đã giao cho phòng Tài chính và các cơ quan tiến hành rà soát, thống kê tài sản công trên địa bàn bao gồm cả các trụ sở xã cũ sau sáp nhập, sau đó báo cáo UBND tỉnh xin phương án sắp xếp, xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý sau sáp nhập xã ở Phú Thọ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO