Cứ vào mùa hè, TP Đà Nẵng lại đối mặt với tình trạng nước sông nhiễm mặn, dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Những năm qua, cụm từ "sông Cầu Đỏ nhiễm mặn" "Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt"... xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Nguyên nhân dẫn đến nước sông nhiễm mặn cũng được lặp lại như "điệp khúc" là do thủy điện thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn tích nước, triều cường, hạn hán...
Theo thông tin được công bố, nhu cầu nước cho 1,56 triệu dân của Đà Nẵng đến năm 2030 là 786.000 m3/ngày. Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt lớn nhất trong 1 ngày của TP Đà Nẵng đến năm 2030 là 865.000 m3/ngày. Trên thực tế, nhu cầu dùng nước – đặc biệt là nước sinh hoạt ở Đà Nẵng những năm qua đã vượt quá rất nhiều lần công suất vận hành của 5 nhà máy nước tại thành phố này là: Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước sân bay, Nhà máy nước Sơn Trà, Nhà máy nước Hải Vân, Nhà máy nước Hồ Hòa Trung (lấy nước từ 4 nguồn chính: chuỗi sông Yên – Cầu Đỏ, sông Cu Đê, suối, hồ). Trong số 5 nhà máy nước nêu trên, Nhà máy nước Cầu Đỏ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt lớn nhất cho người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, hàng năm cứ vào mùa hè là tình trạng xâm nhập mặn lại diễn ra ở khu vực lấy nước của nhà máy này, ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của đại bộ phận người dân, đặt cả thành phố trước nguy cơ thiếu nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài tác động của hệ thống thủy điện dày đặc ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn, nắng nóng kéo dài; tình trạng nhiễm mặn của nước sông Cầu Đỏ vào mùa hè, còn do hao hụt nguồn bổ sung từ dòng suối An Lợi của núi Bà Nà đổ vào sông Túy Loan, trước khi hòa vào sông Cầu Đỏ. Một số con suối từ núi Bà Nà chảy vào sông Túy Loan (bổ sung nước cho sông Cầu Đỏ) cũng không còn đủ nước do tác động khách quan. Hao hụt thường xuyên khoảng 5.000 m3/ngày bởi suối An Lợi và lượng lớn nước từ các dòng chảy tự nhiên cũng là tác nhân khiến sông Cầu Đỏ không đủ lực đẩy mặn xâm nhập.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, HĐND TP Đà Nẵng đã chấp thuận cho đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày/đêm (có tổng vốn đầu tư sau nhiều giai đoạn là 1.170 tỷ đồng). Kể từ sau khi khánh thành đến nay, nhà máy nước Hòa Liên vẫn chưa thể sản xuất được nước sạch.
Dư luận không khỏi băn khoăn trước nghịch lý, Nhà máy nước trị giá gần 2.000 tỷ đồng, đã xây xong nhưng sau gần 2 tháng người dân Đà Nẵng vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt bởi nguyên nhân rất khó hiểu là không tìm được đơn vị vận hành.
Được biết, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nước sinh hoạt cho 1,56 triệu dân cư, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam vừa có văn bản yêu cầu sở, ngành liên quan trình phương án khai thác tạm thời Nhà máy nước Hòa Liên trong quý II năm nay.