Xưa, chúng ta từng “đốt đuốc” đi tìm học sinh để vận động các em tới trường, thực hiện mục tiêu quốc gia phổ cập giáo dục. Nay, có nhiều học sinh nhưng thiếu giáo viên (GV), chúng ta lại “đốt đuốc” đi tìm thầy cô giáo.
Theo dự báo của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT), đến năm học 2024 - 2025, cả nước thiếu khoảng 30.000 GV, trong đó cấp THCS thiếu hơn 18.000 GV, cấp tiểu học thiếu hơn 12.000 GV. Trong đó, môn thiếu GV nhiều nhất là Công nghệ (thiếu hơn 11.500 GV); Tin học (thiếu hơn 6.600 GV); Tiếng Anh (thiếu gần 5.800 GV); Nghệ thuật (thiếu hơn 4.300 GV)...
Để giải quyết tình trạng thiếu GV, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế GV giai đoạn 2022 - 2026, trong đó, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV và năm học 2023 - 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế GV.
Tuy nhiên, tính đến hết học kỳ I năm học 2022 - 2023, các địa phương chỉ tuyển dụng được hơn 55% chỉ tiêu được giao, do thiếu nguồn tuyển dụng. Cụ thể: Tổng số GV cả nước còn thiếu là 118.000 người. 2 địa phương thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội, đều khoảng 9.000 - 10.000 người. Tại Hà Nội, kỳ tuyển dụng năm 2023 thông báo có 608 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 400 người. Trong số 208 chỉ tiêu chưa tuyển dụng được, có tới 115 chỉ tiêu không có người đăng ký.
Đâu là nguyên nhân? Theo báo cáo của Bộ GDĐT và đánh giá ở một số chuyên gia, sở dĩ có tình trạng bất hợp lý trên, phải có lý do của nó. Trước hết, thiếu GV dạy các môn học mới trong chương trình giáo dục 2018 (CT2018). Đây là các môn học đơn môn như Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Giáo dục Quốc phòng có nguồn tuyển do các trường đã đào tạo từ mấy năm trước. Tuy nhiên rất ít có GV đăng ký tuyển, do chuyên môn về Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, mang tính chất xu thế của thời đại, nên hiện nay trong xã hội rất “hot”. Nhiều GV sẵn sàng bỏ nghề và xin việc làm khác, vừa rất dễ tìm và lương cao hơn nhiều đi “gõ đầu trẻ”. Một bộ phận GV do sức ép cuộc sống trong cơ chế thị trường và cả sự vất vả trong chuyên môn khi giảng dạy CT2018 cũng đành bỏ nghề dạy học. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hay tinh giản biên chế đồng loạt trong các cơ sở giáo dục cũng góp phần làm tình trạng thiếu GV trầm trọng hơn.
Thừa thiếu GV hiện nay mang tính cục bộ, nơi thừa, nơi thiếu, có nơi vừa thừa và vừa thiếu. Tính riêng năm 2021 có tới hàng vạn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường nhưng đang thất nghiệp. Rõ ràng khoa học dự báo của các địa phương và các trường sư phạm, cũng như công tác lập và thực kế hoạch phát triển đào tạo đội ngũ GV, nhất là theo cơ cấu môn học làm chưa tốt, còn tình trạng “nước tới chân mới nhảy”, rồi tìm cách đưa ra các biện pháp chữa cháy.
Về giải pháp tình thế. Bộ GDĐT công bố dự thảo hồ sơ lập đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ Cao đẳng dạy một số môn học theo CT2018.
Trong tình trạng thiếu GV đạt chuẩn hiện nay thì đề xuất của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ để trình Chính phủ và Quốc hội là giải pháp tình thế và kịp thời. Tuy nhiên, để đề án sau khi được Quốc hội thông qua sẽ vào cuộc sống một cách khả thi, cần bám rất kỹ bối cảnh liên quan tới đội ngũ GV hiện nay, nhất là GV dạy các môn mới theo CT2018.
Chúng ta có 135 cơ sở đào tạo GV, với 31 ngành trình độ đại học, hàng năm có khoảng 2 vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường; hàng vạn sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp; GV thừa thiếu cục bộ; cơ chế thì trường tác động mạnh vào ngành giáo dục, đội ngũ GV... Nội dung đào tạo đi sát tới nội dung bồi dưỡng GV, thay sách giáo khoa mới, không dàn trải mà tập trung vào các kiến thức cơ bản và tăng cường thực hành, giảng dạy thực tế cho giáo sinh.
Phía cơ sở giáo dục có GV được đào tạo để nâng chuẩn và các cơ sở đại học được giao nhiệm vụ cũng nên thay đổi nhận thức, thay đổi cơ chế quản lý và kiểm tra chất lượng giáo dục. Tránh dư luận xấu, “đánh trống ghi tên”, tổ chức đào tạo thường hình thức ở phía cả người dạy và cả người học.