Trong khi không ít doanh nghiệp khai thác, chế biện quặng sắt trong nước đề nghị Chính phủ giảm thuế, phí và xuất khẩu quặng sắt tồn kho vì quá khó khăn, thì một số doanh nghiệp lớn lại phải tìm nguồn quặng sắt để nhập khẩu.
Trong khi quặng sắt trong nước không bán được thì lại xuất hiện
tình trạng nhập về để sản xuất.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng công suất của các lò cao đang hoạt động tại Việt Nam là 2 triệu tấn, riêng Hòa Phát là hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, công suất của các lò cao đang xây dựng theo quy hoạch của Bộ Công thương lên đến gần 10 triệu tấn/năm.
Cũng theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng quặng cần sử dụng cho giai đoạn sau năm 2015 là hơn 20 triệu tấn và nhu cầu quặng sắt sẽ tăng gấp nhiều lần trong 5 năm tới.
Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát (Tập đoàn Thép Hòa Phát) trao đổi với báo chí: Công ty vừa nhập khẩu lô hàng tinh quặng có khối lượng 55.000 tấn, được nhập về từ Nam Phi, có hàm lượng sắt cao, tỷ lệ tạp chất thấp, phù hợp cho các lò cao sản xuất gang thép của Hòa Phát. Chúng tôi đã bắt đầu buộc phải tìm nguồn nguyên liệu bên ngoài vì trong nước không cung ứng đủ.
Hơn nữa, ở thời điểm này, giá mua quặng của thế giới chỉ khoảng trên 50 USD/tấn, còn rẻ hơn mua trong nước nên nhập về cũng giúp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho lò cao của khu liên hợp gang thép của chúng tôi.
Quặng trong nước đang không thiếu, nhưng làm sao để sản xuất quặng chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh là câu chuyện hiện nay của ngành khai thác quặng sắt. Việt Nam đã hội nhập khá sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trong đó có lĩnh vực mỏ, khoáng sản và đều được điều chỉnh theo các nguyên tắc thị trường.
Hiện nay, để vận hành một Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát với công suất gần 2 triệu tấn từ năm 2016, Hòa Phát đang cần một lượng quặng rất lớn để phục vụ cho máy móc chạy thông suốt 24/7. Vậy nên việc đáp ứng các tiêu chí của Hòa Phát thì ngành khai thác quặng sắt trong nước sẽ có một hướng đi cho mình. Tuy nhiên, đến nay, để đáp ứng tiêu chí này, ít tỉnh thành đã đáp ứng được yêu cầu của họ.
Đứng trước những nguyên nhân chủ quan và khách quan, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp khai thác quặng sắt trong nước đã gặp khó khăn với đầu ra ngoài thị trường trong nước. Lý giải về tình trạng không xuất khẩu được, nhiều doanh nghiệp cho rằng đó là do phải chịu mức chịu mức thuế xuất khẩu khá cao, lên tới 40%. Trước tình hình hiện nay, các doanh nghiệp khai thác quặng sắt kiến nghị Chính phủ xem xét được tăng hạn ngạch xuất khẩu và giảm thuế xuất khẩu quặng sắt.
Theo lý giải của các doanh nghiệp này, khi được tăng lượng xuất khẩu, đồng nghĩa với mở rộng thị trường, doanh nghiệp khai thác quặng sẽ không phải chịu cảnh khốn đốn như hiện nay. Riêng về thuế xuất khẩu quặng sắt, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất xuống còn 5% để góp phần tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện ngoài thuế xuất khẩu, VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp khai thác quặng sắt còn chịu các thuế, phí khác như: phí môi trường, thuế tài nguyên, quỹ phục hồi môi trường, thuế quyền khai thác mỏ…
Theo ông Phạm Lê Hùng – Tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng long, các mức thuế, phí này về cơ bản rất hợp lý. Tuy nhiên, đối với các mỏ quặng nghèo (thành phần TFe 30-35%), thì lại chưa ổn. Bởi lẽ, với các mỏ quặng nghèo, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền nghiền mịn rồi mới thu được mạt sắt; đầu tư công nghệ xử lý môi trường. Chi phí cho khâu đầu tư này rất tốn kém.
Cũng theo cách lý giải này, cùng với thực tế khai thác của các doanh nghiệp, cho thấy, nếu theo cách tính hiện nay, càng khai thác quặng nghèo - quặng có giá trị kinh tế thấp hơn thì tiền thuế, phí càng cao. Trong khi đó, tại các mỏ ở các tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ có đến 80% là quặng nghèo mà nếu không được khai thác thì sẽ gây lãng phí lượng lớn tài nguyên quốc gia.
Các chuyên gia khoáng sản nhận định, nếu không tính toán kĩ chúng ta sẽ đối mặt với mối lo ngại từ việc phải nhập khẩu chính khoáng sản đã xuất thô ồ ạt với giá rẻ trước đây. Nếu không mạnh tay chấm dứt tình trạng này, năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng khi chúng ta buộc phải nhập khẩu khoáng sản với giá đắt để phục vụ nhu cầu trong nước.