Mới đây, Công an đã “bắt tận tay, day tận mặt” những đối tượng lan truyền tin bịa đặt về việc đổi tiền gây hoang mang dư luận thời gian vừa qua. Chắc chắn rồi đây, các đối tượng này (một trú tại tỉnh Đồng Nai và một trú tại tỉnh Lâm Đồng), sẽ phải nhận những xử phạt nghiêm minh của pháp luật.
Trước đó, đã có không ít người bị luật pháp nghiêm khắc xử lý (kể cả hình sự) về những hành vi “tung hỏa mù”, tung “tin vịt” (dù vô tình hay có chủ đích) gây xáo trộn đời sống xã hội, hoang mang dư luận, thậm chí gây ra những hệ lụy và tổn thất khôn lường cho nền kinh tế và cả những vấn đề thuộc phạm trù quốc kế dân sinh!
Trở lại với vụ việc vừa diễn ra, cơ quan công an đã xác định đối tượng Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, trú tại xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cùng hai đối tượng khác là quản trị viên của trang mạng fanpage Facebook có tên là “Vịt Bầu” cho đăng tải thông tin thất thiệt (bắt đầu từ nửa cuối tháng 10/2016) về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp đổi tiền.
Thậm chí, thông qua trang mạng trên, các đối tượng còn dàn dựng hình ảnh về mẫu tiền mới sắp đổi, đồng thời kêu gọi người dân đi rút tiền khỏi các ngân hàng về mua vàng và ngoại tệ. Điều này ít nhiều đã làm xáo trộn tình hình và ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ của nước ta.
Ngân hàng Nhà nước đã không ít lần ra thông cáo phát ngôn về những thông tin bịa đặt nêu trên, đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, những hệ lụy từ đó là không hề đo đếm được. Hiện, cơ quan điều tra đang đấu tranh khai thác, làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng này.
Đời sống xã hội từng điêu đứng, dở khóc dở cười vì những tin đồn thất thiệt, như đã có người mắc dịch Ebola tại nước ta, hay hàng loạt thiếu nữ bị rạch đùi … Trên thực tế, tin đồn là một hiện tượng thường gặp trong đời sống xã hội ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ giai đoạn nào.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, mặc dù công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ nhưng tin đồn vẫn tồn tại, phát triển và có tác động nhất định đến đời sống, nhận thức xã hội, và có thể gây ra những hậu họa khôn lường. Thực tế đã kiểm chứng hệ lụy và tác hại khôn lường của tin đồn.
Vì tin đồn thất thiệt người dân phải tán gia bại sản vì sản phẩm bị tẩy chay. Vì tin đồn, không ít doanh nghiệp, ngân hàng điêu đứng, phá sản, giải thể. Vì tin đồn nhiều lãnh đạo “trầy vi tróc vảy” lên xuống giải trình. Có lúc, có nơi, tin đồn gây nên những chia rẽ mất đoàn kết, thậm chí xung đột đẫm máu…
Chẳng hạn bạn đọc còn nhớ tin đồn xung quanh việc ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sắp bị bắt hồi tháng 2/2013.
Thông tin này ngay lập tức gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như Vn-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX- Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Có một thực tế là, không ít người nhầm lẫn giữa tin đồn và dư luận xã hội, thậm chí họ sử dụng tin đồn như chức năng của dư luận xã hội để phán xét, đánh giá, và lấy đó làm cơ sở đương nhiên tin cậy cho những suy luận tiếp theo. Chính việc dùng cái không xác thực, thiếu kiểm chứng, tạo dư luận, dùng số đông cổ súy, họ đã khoác cái áo sự thật cho tin đồn một cách vừa hồn nhiên, vừa tinh vi.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trí Tú - Công ty luật Minh Đức Việt Nam cho rằng, ranh giới từ việc “chém gió” trên mạng dẫn đến trở thành tội phạm là rất mong manh nếu các cư dân mạng không biết chọn lọc thông tin để chia sẻ, không ý thức được mối nguy hại xung quanh các thông tin mà mình chia sẻ. Việc bình luận về “tút” thông tin của người khác trên các mạng xã hội nếu không phù hợp có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Có thể họ sẽ phải chịu các hình phạt theo Điều 226 của Bộ luật Hình sự quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”.
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (nếu là tổ chức vi phạm) và 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (nếu vi phạm là cá nhân).