khi chính quyền thành phố khuyến cáo mọi người không ra đường để tránh dịch bệnh thì con gái chị vẫn trốn đi ăn, uống với bạn bè. Khi bố mẹ phát hiện trách mắng thì cô bé cũng chỉ xin lỗi qua quýt và vẫn tiếp tục như vậy dường như không hề lo lắng trước sự nghiêm trọng của dịch bệnh…Chị thấy con mình quá ngơ ngác trước cuộc sống.
“Con cái đang ngày càng ương bướng”, chị đồng nghiệp than thở trong giờ ăn trưa tại cơ quan. Chị kể, trong hai tháng nghỉ học vì dịch Covid-19, con gái chị đang học lớp 11 và con trai đang học lớp 7, ngoài thời gian học trực tuyến trên truyền hình ra, hai đứa con gần như chỉ “trò chuyện” với chiếc điện thoại. Gần như cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo vẫn do bố mẹ và bà làm, riêng việc rửa bát thì cứ đùn đẩy nhau... Thậm chí khi chính quyền thành phố khuyến cáo mọi người không ra đường để tránh dịch bệnh thì con gái chị vẫn trốn đi ăn, uống với bạn bè. Khi bố mẹ phát hiện trách mắng thì cô bé cũng chỉ xin lỗi qua quýt và vẫn tiếp tục như vậy dường như không hề lo lắng trước sự nghiêm trọng của dịch bệnh…Chị thấy con mình quá ngơ ngác trước cuộc sống.
Từ câu chuyện của chị, nhiều vị khác cũng chia sẻ chuyện gia đình mình với cùng một băn khoăn: Vậy nhà trường dạy học sinh thế nào trong tiết đạo đức và giáo dục công dân?
Theo các chuyên gia giáo dục thì giáo dục đạo đức là trang bị cho học sinh năng lực để tự điều chỉnh bản thân trong xã hội hiện đại với nhiều vấn đề phức tạp, nhưng theo ông Nguyên Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì các nhà trường hiện nay vẫn nặng về rao giảng đạo lý như học sinh cần phải làm gì và vì sao cần phải làm điều đó, giáo viên ít nghĩ tới cảm nhận của học sinh xem các em tiếp thu những vấn đề đó thế nào.
Thực tế, nhân cách không chỉ được hình thành bởi những điều nghe và nói mà phải hình thành từ nỗ lực hành động của mỗi người. Nếu quan niệm môn đạo đức, giáo dục công dân là môn giúp học sinh hình thành nhân cách thì phải xem đây là môn học mở chứ không thể vạch ra một chương trình cứng như hiện nay. Chương trình cần phải thay đổi để đơn giản hơn, thực tế hơn, gần gũi với nhận thức của học sinh. Xã hội hiện đại cần những kỹ năng gì, năng lực gì để lớp trẻ có thể hòa nhập và hoàn thiện mình thì trong nhà trường hãy tập trung trang bị cho học sinh cái đó, cần bỏ những kiến thức quá trừu tượng, xa rời thực tế đời sống. Ví dụ như thế hệ trẻ bây giờ cần học cách chào hỏi, ăn mặc, ứng xử trong những tình huống khác nhau, cách vượt qua khó khăn, hòa nhập, chia sẻ với cộng đồng,...
Theo ông Lâm, tất cả những điều đó không nên thiết kế như một bài truyền dạy, mà hiệu quả của giáo dục chỉ có thể đạt được bằng trải nghiệm của chính người học. Thực hành, trải nghiệm, thậm chí tạo nên nhiều tình huống khác nhau để học sinh phải va đập, suy nghĩ, tự tìm cho mình cách sống, hành vi phù hợp, điều đó mới có thể giúp các em thật sự có được năng lực để tự điều chỉnh bản thân và tham gia đời sống xã hội một cách tốt nhất. Hãy làm sao để học sinh không nghĩ mình đang học, mà nghĩ mình đang làm, đang hành động, đang trải nghiệm, đang tìm kiếm điều gì đó có ích cho mình. Đó là cách để môn học trở nên thu hút. Và đích đến là để các em không ngơ ngác sống.