Nằm cách trung tâm xã Cẩm Thành khoảng 10 km, thôn Bèo Bọt (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) như một ốc đảo tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng sông Mã. Hàng trăm năm qua, người dân ở đây có 2 cách để di chuyển ra bên ngoài, một là đi thuyền vượt sông, hai là leo qua núi đá vôi dựng đứng dẫn sang huyện Bá Thước.
Ốc đảo trên cạn
Cuối tháng 11, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Cẩm Thủy rồi đi thuyền qua sông, hướng về ngôi làng biệt lập. Mờ sáng, anh Cao Ngọc Hoan (46 tuổi, người lái đò) đã tất tả với những chuyến đò để đưa người dân qua sông đi học, đi làm.
Là người ở thôn Bèo Bọt, hơn ai hết, anh Hoan hiểu rất rõ những khó khăn của bà con nơi đây khi hàng trăm năm vẫn phải chịu kiếp qua sông, lụy đò và luôn thường trực hiểm nguy khi con thuyền chòng chành giữa dòng nước xiết.
“Thôn Bèo Bọt có 87 hộ dân với 385 nhân khẩu. Có những thời điểm giữa đêm hoặc 1 – 2h sáng, tôi đang nằm ngủ thì nhận được điện thoại cầu cứu của người dân trong làng. Thường thì những trường hợp đó là sản phụ trở dạ, người cần đi cấp cứu, trong tình trạng nguy kịch. Nhiều lúc đang mơ màng, cứ thấy điện thoại reo là giật bắn mình. Giờ thì tôi đã quá quen với những cuộc gọi như thế rồi”, anh Hoan tâm sự.
Đang cuốn theo câu chuyện của anh lái đò thì con thuyền liên tục lắc lư, nghiêng ngả bởi dòng nước dữ. Trông thấy một màu nước đục ngầu cuồn cuộn, trong lòng những vị khách phương xa như chúng tôi lại cảm thấy lo lắng. Cứ nghĩ dại, với độ sâu hiện tại của lòng sông là khoảng 30m, nếu không mặc áo phao mà rơi xuống nước, thì không biết thế nào.
Trong lúc còn mải mê suy nghĩ thì thuyền đã cập bến đến trước cổng làng. Mất một lúc đánh vật, cùng với sự hỗ trợ của người dân chúng tôi mới đưa được xe lên bờ. Ngoảnh lại phía sau, ông Hoan chẳng kịp nghỉ ngơi, lại tất tả nhổ neo, quay thuyền rồi đưa một tốp người dân sang sông cho kịp giờ làm.
Vào thôn Bèo Bọt, tôi đi một vòng khắp làng thì đếm không xuể những căn nhà mái ngói đơn sơ, trông đã bạc phếch màu thời gian. Những con đường cũng vậy, tuy đã được bê tông hóa nhưng vẫn lởm chởm những ổ voi, ổ gà, nhiều đoạn còn bị đứt lìa, bê tông vỡ nát.
Ông Cao Xuân Tuấn, Trưởng thôn Bèo Bọt cho tôi biết, trước kia, ở vùng “ốc đảo” này có 2 thôn, 1 là thôn Bèo, 2 là thôn Bọt. Do nhân khẩu ít ỏi nên cuối năm 2018, 2 thôn đã sáp nhập, và từ đó có cái tên Bèo Bọt. Về tuổi đời, cư dân đã sinh sống tại vùng đất này hàng trăm năm, và người dân chủ yếu trồng luồng, cấy lúa, sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp.
“Việc không có đường giao thông để giao thương với bên ngoài khiến người dân ở đây gặp vô vàn những khó khăn. Chẳng hạn như đến mùa thu hoạch luồng, khi chặt đủ cây, phải vác thành từng chuyến nhỏ mới có thể bỏ vừa cái thuyền, rồi chở hết cũng mất cả chục lần đi đò. Bán được sản phẩm, cũng mất phân nửa chi phí vận chuyển. Bởi vậy, đời sống bao năm qua của người dân ở đây chẳng khá lên được”, ông Tuấn giãi bày.
Theo ông Tuấn, Bèo Bọt là một trong những thôn thuộc diện khó khăn nhất của huyện Cẩm Thủy. Hiện tại, người dân trong thôn đang canh tác trên diện tích 250ha đất, trong thôn có 135 hộ với 385 nhân khẩu, trong đó, có 12 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo.
Hơn 80 học sinh vượt sông đến trường
Tại thôn Bèo Bọt, số học sinh theo học Tiểu học là 42 em, THCS 21 em, Mầm non hơn 20 em, THPT 4 em.
Vào mùa mưa bão hoặc khi thủy điện Cẩm Thủy xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết khiến các cháu gặp vô vàn khó khăn và nguy hiểm khi đi qua sông.
Chị Lữ Thị Phấn (hộ cận nghèo, trú thôn Bèo Bọt) có con gái 3 tuổi đang học tại Trường Mầm non Cẩm Thành cho biết, do con còn nhỏ, đi đò nguy hiểm nên ngày ngày, chị phải bố trí ngày mấy buổi đưa đón con đi học.
Ở Bèo Bọt hiện tại, đa phần chỉ còn người già, trẻ em và một số lao động bám địa bàn làm nông nghiệp, canh tác trên đất rừng sản xuất. Vốn đã biệt lập với bên ngoài, nay lại thưa thớt người càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm đìu hiu.
Ông Bùi Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: Những năm qua, thôn Bèo Bọt đã được quan tâm để đầu tư đường sá, hạ tầng nhưng cơ bản vẫn chưa đáng kể.
Ông Dũng cho rằng, người dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi khi giao thông nối ra đường lớn không có. Để bán con gà, con vịt… người dân cũng phải lặn lội đi đò, rồi vác cả xe máy sang sông để đem ra chợ bán. Khi xây nhà thì phải mang từng viên gạch, từng bao xi măng… lên thuyền để chở về thôn.
“Người lớn khổ đã đành, đây đến mấy đứa trẻ cũng phải chịu chung số phận. Mỗi lần thấy bọn nhỏ chòng chành trên sông nước, chúng tôi lo lắm, nhưng chỉ biết nhắc nhở chủ đò phải cố gắng đảm bảo an toàn chứ không biết làm gì hơn. Vấn đề cử tri kiến nghị xây cầu thì cũng đã có từ hàng chục năm trước, năm nào người dân cũng ý kiến, nhưng vì kinh phí không có”, ông Dũng chia sẻ.
Rời thôn Bèo Bọt, hình ảnh đọng lại trong tôi là chiếc thuyền chở hàng chục học sinh đeo cặp sách, vô tư nô đùa trên thuyền, còn ngay bên dưới là lưỡi hái của tử thần.