Ngôi làng của những người đúc tượng thủ công

Nguyễn Quốc 18/01/2021 06:30

Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) lại tất bật làm tượng ông Công, ông Táo để phục vụ người dân.

Hiện nay, tại làng Địa Linh chỉ còn 4 hộ gia đình theo giữ nghề làm tượng ông Công ông Táo.

Nằm “tựa mình” bên phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh - địa phương duy nhất còn sót lại của tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn lưu giữ nghề làm ông Công, ông Táo bằng phương pháp thủ công.

Những ngày cận Tết về đây, từ xa đã nghe tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc, mùi khen khét từ đất sét nung tỏa ra khắp cả một vùng. Để làm ra những bộ ông Công, ông Táo, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn đất sét, nung đất đến tô màu, trang trí...

Bà Hoàng Thị Lượng (54 tuổi, một trong những người đúc tượng ông Táo tại làng Địa Linh) cho biết, nghề đúc tượng ông Táo tại làng Địa Linh không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề này được ông cha truyền lại cho con cháu.

Theo bà Lượng, mặc dù chỉ bán vào dịp cúng ông Công, ông Táo vào tháng Chạp hằng năm, thế nhưng việc đúc tượng ông Công, ông Táo thường được người dân trong làng bắt tay vào làm từ khoảng tháng 3 hằng năm.

“Năm nay do mưa bão, lũ lụt triền miên nên việc làm tượng dồn cả vào cuối năm, cả nhà tôi đang tranh thủ thời gian, cố gắng hết sức để kịp đưa hàng ra thị trường”, bà Lượng cho biết.

Theo bà Lượng, để có những bức tượng đúng chuẩn, người làng Địa Linh chọn nguyên liệu làm khuôn từ loại gỗ lim. Khi cho đất vào khuôn đúc phải ép thật chặt để tượng không bị méo. Lấy tượng khỏi khuôn cũng đòi hỏi phải thật khéo.

Mỗi bức tượng ông Táo được bán ra thị trường với giá 1.500 đến 7.000 đồng.

Sau khi tượng rút bớt nước thì đem phơi. Nếu nắng đẹp, những bức tượng sẽ được phơi khoảng một ngày rồi cho vào lò nung.

Bình quân mỗi lò, người thợ nung được khoảng 1.000 - 2.000 tượng. Sau khi ra lò, tượng sẽ được để nguội rồi trang trí, phân loại. Tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng mà tượng được tô màu, rắc kim tuyến cho đẹp mắt hoặc đơn giản chỉ quét thêm một lớp sơn. Do việc trang trí, đóng gói từng loại khác nhau mà giá thành mỗi loại vì vậy cũng khác, dao động từ 1.500 đến 7.000 đồng/tượng.

Chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi, trú tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh) cho biết, cứ vào mỗi dịp Tết đến gia đình chị thường làm khoảng 30.000 – 40.000 tượng ông Táo để cung ứng ra thị trường. Thế nhưng, năm nay thời tiết không ủng hộ nên số lượng tượng làm ra không nhiều như mọi năm.

“Nghề làm tượng ông Công, ông Táo đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều công sức nhưng kinh tế mang lại không cao nên hiện tại trong làng Địa Linh chỉ còn rất ít gia đình giữ lại nghề truyền thống này”- chị Hòa tâm sự.

Là người có nhiều năm gắn bó với nghề đúc tượng ông Táo, ông Võ Văn Nam (56 tuổi, làng Địa Linh) cũng chia sẻ, việc gia đình ông tiếp tục gắn bó với nghề này chỉ để nối nghiệp của người cha để lại, muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình, của địa phương.

“Rồi đây, không biết nghề truyền thống này có còn được lưu giữ, khi mà lớp trẻ hiện tại không mấy mặn mà với công việc nặng nhọc này, trong khi thu nhập lại không đáng là bao”, ông Nam trăn trở.

Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, nghề đúc tượng ông Công, ông Táo tại địa phương đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên hiện nay tại làng Địa Linh chỉ còn 4 hộ theo nghề này.

“Trung bình mỗi tượng họ chỉ lời từ 500 – 700 đồng. Dẫu vậy, nghề đúc tượng ông Công ông Táo phần nào cũng mang lại công ăn việc làm và thu nhập nhất định cho người dân địa phương, đặc biệt là góp phần duy trì nét văn hóa bản sắc của dân tộc”- ông Giàu cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi làng của những người đúc tượng thủ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO