Ngôi làng nghĩa tình nơi phên dậu

Phạm Hưởng 13/02/2017 10:00

Ở xã biên giới Ia Pnôn (huyện Đức Cơ, Gia Lai) có một ngôi làng đặc biệt, đó là làng Trêl. Hầu hết người dân trong làng đều là người Campuchia trốn chạy khỏi sự tàn sát của quân Pôn Pốt từ năm 1976 sang định cư. Họ được cộng đồng người J’rai cưu mang, đùm bọc. Tình người nơi đất khách đã giúp xoa dịu đi những kí ức hãi hùng để cuộc sống mới bừng thức trong sự đoàn kết, chan hòa.

Trẻ em làng Trêl hôm nay đã trở thành công dân Việt Nam.

Tìm được sự sống trên đất Việt

Lục lại kí ức, nhiều người gốc Campuchia ở làng Trêl vẫn còn giật thót. Tháng 4/1976 ghim vào kí ức của họ những đớn đau, thổn thức và mất mát. Khi ấy quân Pôn Pốt trỗi dậy tại Campuchia với những cuộc tàn sát đẫm máu lan nhanh đến các huyện vùng giáp ranh với Việt Nam, hàng trăm hộ dân ở xã Pak Nhai (Ôzađao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) luồn rừng, vượt suối tìm đến xã Ia Pnôn (Đức Cơ) lánh nạn.

Từng trải qua và chứng kiến nhiều biến cố, già Ksor Rnhang hướng ánh mắt chứa ẩn nhiều nỗi niềm về phía bên kia biên giới kể: Nếu không có những người J’rai của Việt Nam đùm bọc thì đã không có sự sống như hôm nay. Ngày ấy các cánh quân của Pôn Pốt đi đến đâu là gieo rắc cái chết kinh hoàng ở các làng mạc Campuchia. Ai cũng lo sợ đội quân giết chóc ấy sẽ sớm tìm đến mình.

Để không phải hứng chịu những trận thảm sát đó, người dân thông báo với nhau về tình hình của đội quân diệt chủng Pôn Pốt rồi cùng ngồi họp lại để bàn cách bảo vệ những người làng.

Lúc ấy một già làng nói: “Bây giờ chỉ còn đi về hướng Đông (hướng Việt Nam) mới sống thôi. Bên ấy có người J’rai cùng họ hàng với mình, cái bụng họ tốt lắm. Qua bên đó đều là anh em với nhau nếu bọn Pôn Pốt có tới thì gộp sức lại bọn chúng không dám làm gì, tình đoàn kết sẽ đẩy lùi kẻ ác”.

Khi đã thống nhất xong, cả trăm hộ dân tiến về phía huyện Đức Cơ. Lúc ấy, lúa rẫy chưa ngả màu, hạt lép chỉ có đọng sữa, không thể thu hoạch được. Nhà giàu nhất chỉ có thể mang theo được vài con trâu. Vượt khoảng 30km đường rừng già thì đến xã Ia Pnôn.

Hai già làng ở Campuchia mang đến một con gà, một ché rượu cần, sau khi làm lễ, uống với những người J’rai ở xã Ia Pnôn, khi đã tỏ tường mặt nhau, đại diện già làng người Campuchia mở lời: Nay giặc Pôn Pốt truy lùng gần đến nơi rồi, chúng tôi ai cũng sợ giặc này lắm. Bọn nó đi đến đâu là phá hết, đốt hết, giết không tha một ai. Dù sống ở hai nước nhưng chúng ta đều có họ hàng với nhau, đều ăn cái lúa trên rẫy, uống cái nước của Yàng. Bây giờ chúng tôi muốn nhờ cậy người J’rai ở Đức Cơ giúp đỡ.

Lời tâm tình vừa dứt thì đồng loạt những người J’rai ở xã Ia Pnôn đồng thanh hô lên: “chúng ta không giúp nhau thì giúp ai. Phải đoàn kết lại thôi”. Sau khi bàn bạc với nhau, để bảo vệ cho mọi người bạn Campuchia chỉ còn một cách là đưa mọi người vào sâu trong địa phận huyện Đức Cơ, dựng nhà, lập làng để sinh sống, đó là làng Trêl ngày nay.

Rồi nạn diệt chủng cũng chấm dứt, bao mùa trăng sáng cũng là bấy nhiêu lần ngôi làng Trêl được mùa. Nhiều người dân ở Campuchia quyết định ở lại với làng mới, xem những người Việt Nam, đặc biệt là người J’rai là ân nhân, là anh em. Cũng từ những những mùa trăng sáng, những ngày hội làng lại tô đậm thêm những tình cảm sâu nặng. Trai làng Trêl kết duyên với gái làng khác và ngược lại. Sợi dây gắn kết ngày càng thêm khăng khít.

Đoàn kết vươn lên

Với những người J’rai ở xã Ia Pnôn đùm bọc, giúp đỡ những người bạn Campuchia cũng là niềm hạnh phúc. Già làng Rơ Châm Alunl (72 tuổi, trú tại làng Bua, xã Ia Pnôn) trầm ngâm nhớ lại: Năm 1976, lúc ấy tôi là cán bộ đoàn của xã, khi nhận nhiệm vụ cùng thanh niên bảo vệ người dân Campuchia ai cũng lo lắng. Chúng tôi tụ tập thanh niên trong làng, chia nhiều tổ để canh chừng kẻ xấu trà trộn vào làng. Tổ khác đi thông báo với cộng đồng J’rai nếu ai có hỏi gì về người Campuchia thì không được nói. Đồng thời đi tìm những người dân nước bạn cảnh báo nên cẩn thận khi đi ra ngoài. Nếu gặp người lạ hỏi thì nói đó là người của các làng ở xã Ia Pôn. Tuyệt đối không được nói đó là người ở Campuchia sang ở.

Đúng như dự đoán, có một số đội quân của Pôn Pốt men theo dấu vết của làng người Campuchia để tìm tới dò la hỏi thăm. Tuy nhiên các thanh niên, du kích đã xua đổi bọn này ra khỏi địa phận. Giữ bình yên cho làng mới lập nghiệp.

Cộng đồng người dân Campuchia lúc ấy đã yên bình, thế nhưng cuộc sống còn khó khăn. Vì lúc rời làng đi đã bỏ hết mùa màng, bỏ hết của cải, nhà cửa để sang đất mới sinh sống. Tất cả những khó khăn ấy đã được người J’rai giúp đỡ theo tinh thần bác ái, bị muối, lon gạo cũng sẻ làm đôi. Bước vào thời bình, tất cả cùng nắm tay nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.

Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, ông Rơ Châm Khiêm còn nhớ như in: Năm 1975, lúc ấy cả đất nước vừa mới giải phóng. Người dân xã Ia Pnôn cũng nghèo, cũng khổ. Cái gì cũng thiếu thốn nhưng đã giúp những người dân Campuchia hết mình. Tinh thần tương trợ lẫn nhau như mạch nước mát chảy trong huyết quản mỗi người vậy. Đến nay những người dân Campuchia ở lại làng Trêl đã có cuộc sống ấm no, sinh sống yên bình. Đời sống cả vật chất lẫn tinh thần ngày càng được nâng cao. Điều đáng quý nhất là tình đoàn kết coi nhau như anh em vẫn được trao truyền từ người này sang người khác, từ trẻ con đến người già.

Những câu chuyện ghi lại ở một xã biên giới trong những ngày đầu xuân này chợt khiến người ta thấy ấm lòng, bởi đó là kết quả của tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Làng Trêl hôm nay xứng đáng với tên gọi “Samaki” (theo tiếng Campuchia có nghĩa là đoàn kết) giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi làng nghĩa tình nơi phên dậu