Nửa tháng lại đây, nhiều hộ dân nuôi nghêu ở khu vực ven biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đã vô cùng bất ngờ khi nghêu bị chết hàng loạt ở nhiều bãi nuôi. Cá biệt, có bãi lượng nghêu chết chiếm tới hơn 80% khiến ngư dân điêu đứng, đối mặt với cảnh trắng tay và nợ nần bởi số tiền đầu tư nghêu giống khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng.
Nghêu chết, ngư dân Cần Giờ lo lắng.
Là người gắn bó với nghề nuôi nghêu đã hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Ba ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) than thở, mấy ngày nay phát hiện nghêu chết mà không biết tại sao. Theo ông Ba, quan sát nước và các chế độ triều thấy hoàn toàn bình thường.
Mà không chỉ có bãi nghêu nhà tôi, nhiều gia đình khác, thậm chí ở vùng nước xa bờ hay bên Long Hòa cũng xảy ra tình trạng này.
“Hồi đầu năm, mấy anh em trong xóm vay vốn, hùn với nhau được hơn 1 tỷ đồng, thả nuôi mấy tấn nghêu giống. Hi vọng cuối năm dư dả chút ít sửa nhà cho bọn trẻ nhưng nghêu chết quá nửa thế này thì dù giá có cao đến mấy cũng cầm chắc phần lỗ”- ông Ba nói.
Tương tự, một người nuôi nghêu khác, anh Lê Văn Hùng cũng ở Cần Thạnh cũng cho biết, anh bắt đầu phát hiện tình trạng nghêu chết khoảng gần một tuần nay. “Cứ nghĩ là bình thường vì nghêu thả tự nhiên, việc thất thoát năm nào cũng diễn ra. Thường thì 5-10% là cùng.
Nỗi lo lớn nhất với ngư dân nuôi nghêu chính là giá cả vì nó thất thường. Hầu như năm nào vào mùa thu hoạch cũng bị xuống giá, vì thương lái liên kết ghìm lại. Không ngờ năm nay lại xảy ra hiện tượng nghêu chết nhiều bất thường thế này”- anh Hùng băn khoăn kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ven biển Cần Giờ do địa hình bãi biển bằng phẳng, mực nước thấp nên hình thành nhiều bãi nghêu nuôi thả của ngư dân. Nhà nào nuôi nghêu chỉ cần khoanh vùng mặt nước, mua nghêu giống thả xuống. Sau đó đợi khoảng nửa năm là bắt đầu thu hoạch nghêu để bán.
Nhìn chung, do nuôi tự nhiên, mặt biển rộng nên con người ít can thiệp vào ruộng nghêu khi có sự cố bất thường xảy ra. Cá biệt, vùng biển này có nhiều kênh, sông, rạch chảy từ đất liền ra nên môi trường nước thường xuyên thay đổi, nhất là ven bờ. Nhiều khu vực ven biển bị ô nhiễm cục bộ do nước thải từ thượng nguồn đổ xuống vẫn thường xảy ra.
Theo đại diện của Chi cục Quản lý Chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM thì việc các vật nuôi ven biển bị chết là khá bình thường, do môi trường nước thường xuyên biến đổi. Với nghề nuôi nghêu, do không tốn các chi phí thức ăn, thuốc men hay vật tư khác nên người nuôi buộc phải chấp nhận phần trăm rùi ro.
Riêng với vùng nuôi nghêu Cần Giờ, Chi cục cũng thường xuyên khuyến cáo ngư dân nuôi theo mùa, ở những vùng nước xa để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vẫn có nhiều hộ nuôi ở vùng sát bờ, nhất là các nơi cửa sông, rạch nên tỷ lệ rùi ro lớn hơn.
Ngoài ra, đại diện chính quyền huyện Cần Giờ cũng cho biết, hiện tượng nghêu chết hàng loạt trên địa bàn là có, tuy nhiên không nhiều như ngư dân phản ánh mà chỉ ở mức 10-15%, không ảnh hưởng đến năng suất nuôi!
Đại diện huyện cũng khẳng định, nghêu chết do nhiều nguyên nhân như khí hậu, môi trường, độ mặn của nước biển, nền đáy… Hầu hết hiện tượng nghêu chết xảy ra ở các khu vực nuôi tự phát, không theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, rất khó quản lý.