Thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân ra khơi, đồng thời tuyên truyền các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân
Với Hà Tĩnh, hiện có 2.957/2.957 tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản; 101/101 tàu cá đang hoạt khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Ban Quản lý Các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh đã ban hành quy trình giám sát, bố trí nhân lực tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác tuyên truyền đối với các tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ luôn được lực lượng chức năng, địa phương đặc biệt quan tâm.
Một trong những nội dung quan trọng trong chống khai thác IUU là kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng. Để thực hiện công việc này, sở NN&PTNT đã bố trí nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua các cảng cá theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng huyện, tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” IUU. Chi Cục Thủy sản tỉnh cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp với xã, thôn rà soát lại các số liệu liên quan về tàu cá; tập huấn, hướng dẫn đến từng ngư dân cách thức để được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo đúng quy định.
“Bà con ngư dân cũng ý thức, tích cực thực hiện, nhờ vậy việc chấp hành các quy định có chuyển biến rõ nét, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền kiểm soát thông tin về đánh bắt thủy sản ở địa bàn xã” - ông Hùng nói.
Ngư dân Nguyễn Văn Hòa (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền nên nắm bắt được các quy định cụ thể. Khi tàu rời cảng và cập cảng, thuyền trưởng mang theo đầy đủ các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Khi hoạt động trên biển, chúng tôi luôn cố gắng ghi chép nhật ký khai thác để cung cấp cho Ban Quản lý cảng cá”.
Ngư dân an tâm đánh bắt
Tại Quảng Nam, hiện số lượng tàu cá đăng ký toàn tỉnh là 2.741 chiếc, trong đó vùng khơi là 672 chiếc (46 tàu có chiều dài từ 24m trở lên), vùng lộng là 731 chiếc, vùng bờ là 1.338 chiếc. Hiện nay, tổng số tàu cá từ 15m trở lên phải lắp giám sát hành trình (GSHT) là 672 tàu, trong đó 663 đã lắp đặt GSHT, chiếm tỷ lệ 98,7% và 9 tàu chưa lắp đặt GSHT.
Còn tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 2.938 tàu đã lắp đặt thiết bị GSHT/ 3.221 tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt GSHT, tỷ lệ tàu lắp đặt đạt 98,39% trên tổng số tàu đang hoạt động. Hiện còn 48 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp đặt thiết bị GSHT, trong đó chủ yếu tàu có công suất nhỏ, hoạt động gần bờ…
Chính nhờ đẩy mạnh công tác phòng chống IUU nên 2 tỉnh Quảng nam, Quảng Ngãi đã hạn chế tối đa số tàu cá vi phạm các quy định liên quan đến IUU.
Ông Lê Quang Dũng (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu cá QNa 91039 TS, công suất 800 CV cho biết: “Từ khi chính quyền cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động và ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, tôi và bạn tàu đã nhận thức và tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật khi đánh bắt thủy sản trên biển. Tàu cá tôi đã lắp đặt máy GSHT để xác định được vị trí, tọa độ tàu đánh bắt trên biển”.
Còn ngư dân Lê Lợi, trú xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa 91942 TS, công suất 420 CV cho biết, ông đã mua một máy định vị 28 triệu đồng, có chức năng xác định vị trí, hành trình di chuyển và tọa độ tàu cá khi đang hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Chỉ cần con tàu đến giáp ranh vùng biển nước khác thì máy sẽ liên tục phát ra tiếng động cảnh báo. “Nhờ có chiếc máy GSHT, tôi biết được vùng biển nào thuộc chủ quyền của nước Việt Nam”.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống IUU mà ngư dân an tâm đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Nam hàng năm từ đạt từ 95.000 - 100.000 tấn, trong đó khoảng 65% là từ khai thác vùng khơi. Còn tỉnh Quảng Ngãi 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt hơn 228 nghìn tấn, tăng 1,42% so với cùng kỳ.
Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Việc thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua đó đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý theo tham vấn của EC, đặc biệt là xây dựng và triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, xây dựng cơ sở dữ liệu tàu cá kết nối từ trung ương đến địa phương nên công tác phòng, chống IUU đạt hiệu quả hữu hiệu.