Những ngày cuối năm 2018 hàng loạt tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, cùng với đó những chuyến đánh bắt xa khơi trở về mang theo đầy tôm cá làm cho không khi cảng biển sôi động, nhôn nhịp mặt cho đang là giữa mùa bão giông
Những con tàu chuẩn bị xuất bến ra khơi.
Những ngày qua, chúng tôi đã có mặt tại nhiều cảng cá dọc ven biển của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tìm hiểu về tình hình đánh bắt hải sản của ngư dân những ngày cuối năm. Qua trao đổi nhiều ngư dân cho rằng, thời gian gần đây ngư dân gặp không ít khó khăn là do đã bước vào mùa mưa bão không thể lường hết hậu quả do thiên tai gây ra cùng với đó giá cả nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ tăng cao, ngoài ra còn nỗi lo bị tàu lạ xua đuổi, quậy phá, lấy ngư cụ, hải sản gây thiệt hại cho ngư dân... Nhưng với truyền thống bám biển, những tháng cuối năm 2018, nhiều ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn cho tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và tạo nên những “cột mốc” sống tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Sáng ngày 12/11, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại cảng cá Kỳ Hà, huyện Núi Thành, Quảng Nam, chứng kiến tại nơi đây, hàng chục tàu thuyền của ngư dân địa phương đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ chuẩn bị vươn khơi đánh bắt hải sản. Dự kiến, chuyến đi biển này của họ sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Trong khi đó những con tàu chở đầy hải sản đang cập bến và cảnh vận chuyển hải sản từ tàu lên bờ rất sôi động.
Ngư dân Nguyễn Thanh Dũng cho biết: “Tuy đã vào mùa mưa bão nhưng vốn hành nghề đánh bắt thủy hải sản thì phải kiên cường bám biển. Lần này chúng tôi ra khơi khoảng hơn 1 tháng mới về. Anh em bạn tàu cũng đã xác định tư tường, sống chết cũng bám biển Hoàng Sa, Trường Sa thôi”.
Còn tại Tổ đoàn kết C10 ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam như mọi năm những ngày này không khí nơi đây rất khẩn trương. Tất cả đang tất bật cho những chuyến ra khơi. Được biết, Tổ đoàn kết C10 được thành lập từ năm 2005 đến nay có hơn 30 chủ tàu cá và đem lại hiệu quả cho ngư dân trong liên kết đánh bắt hải sản, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn giữa biển khơi.
Ông Đỗ Văn Tiến, tổ Trưởng đoàn kết C10, cho biết: “Chúng tôi lập Tổ đoàn kết là để giúp đỡ lẫn nhau trong vươn khơi bám biển. Mỗi lần ra khơi cứ 5 tàu thành một nhóm, khoảng cách giữa các tàu 1 hải lý. Có trục trặc gì thì hỗ trợ nhau. Còn phát hiện luồng cá cũng ới nhau mà đánh bắt. Đáng nói là khi có tàu lạ, có cả tổ đồng hành với mình tàu lạ cũng không dễ gì gây khó cho tàu ta. Những ngày cuối năm này ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi”.
Sẵn sàng ra khơi cho dù mùa mưa bão.
Không chỉ ở những cảng cá, làng chai nói trên mà ở các vùng ven biển, cảng cá khác như cảng Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Mỹ Á, Tịnh Hòa… (Quảng Ngãi) và các đảo như Cù Lao Chàm, Lý Sơn ngư dân vẫn đang đoàn kết tổ chức vươn khơi bám biểm đánh bắt hải sản. Như tại xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam, ông Nguyễn Tin, Bí thứ Đảng ủy xã cho biết: Xã có tổng số 370 chiếc tàu cá lớn, nhỏ, trong đó có 110 chiếc tàu có công suất lớn đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Hiện nay tàu thuyền vẫn duy trì ra khơi và đoàn kết hỗ trợ nhau”.
Theo chúng tôi được biết, Quảng Ngãi hiện có gần 5.600 tàu thuyền, trong đó có trên 1.000 tàu thuyền hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, tại Hoàng Sa có hơn 600 tàu với gần 1.000 lao động, Trường Sa 425 tàu với trên 700 lao động.
Tỉnh Quảng Nam có khoảng 4.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở 2 quần đảo nói trên. Chỉ tính riêng huyện Núi Thành đã có 2.445 phương tiện hoạt động khai thác thủy hải sản với tổng công suất 52.250 CV, thu hút 9.400 lao động địa phương. Trong số đó, có hơn 2.000 lao động đặc thù đánh bắt xa bờ.
Nhiều tàu thuyền trong số đó đang bám biển, số còn lại vẫn bất bật cho những chuyến ra khơi. Ngoài sự nỗ lực và kiên cường bám biển của ngư dân thì hiện nay Nhà nước đã đồng hành cùng ngư dân từ việc hỗ trợ, cho vay đóng mới, nâng công suất tàu, đến chia sẻ từng khó khăn rủi ro trang nghề đi biển ngư dân càng an tâm bám biển cho dù đã vào mùa mưa bão.