Viên ngọc nặng hơn 2 chỉ, màu vàng và hồng nhạt được ngư dân Bạc Liêu tìm thấy trong miệng ốc giác khi đánh bắt.
Viên ngọc quý của anh Nam phát hiện trong miệng ốc giác. (Ảnh: Quốc Quy).
Anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cùng nhiều ngư dân đánh bắt cách vùng biển Thái Lan khoảng 20 hải lý, hồi tuần trước, thu được nhiều ốc biển (ốc giác), mỗi con nặng 3-5 kg.
Số ốc này được anh Nam chia đều cho các ngư phủ làm thức ăn. Riêng mình giữ lại 4 con lớn nhất tặng cho người thân. Khi làm thịt, người thân anh Nam phát hiện vật lạ như viên ngọc nằm trong miệng ốc nên gửi trả lại cho anh.
"Tôi mang đến tiệm vàng nhờ cân thì nó có trọng lượng hơn 2 chỉ. Họ xác định đây là ngọc", anh Nam nói và cho biết nhiều người hỏi mua nhưng anh chưa bán vì chưa thỏa thuận được giá.
Khi để ngọc trong lòng bàn tay viên ngọc có cảm giác mát lạnh. (Ảnh: Quốc Quy).
Viên ngọc có màu vàng như vỏ ốc và nhẵn bóng, một mặt có màu hồng nhạt. Để trong lòng bàn tay nó có cảm giác mát lạnh dễ chịu.
Đây là viên ngọc thứ 3 mà ngư dân Gành Hào đánh bắt được khi khai thác thủy sản trên biển. Trước đó, một viên ngọc tương tự đã bán được 450 triệu đồng.
Theo các chuyên gia nghiên cứu sinh vật biển, ốc giác hay còn gọi là ốc hoàng đế là một loài ốc trong họ Volutidae. Đây là loài ốc cỡ lớn và có giá trị kinh tế với việc khai thác ốc để lấy thịt và một số cá thể có thể tạo ngọc.
Chúng phân bố ở các vùng biển Hong Kong, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia... Nếu ngọc có trọng lượng dưới 2 chỉ thường non tuổi, cầm màu không tốt, để lâu không bảo quản kỹ sẽ xuống màu, mất giá.