Những ngày đầu xuân, người dân dọc ven biển Quảng Ngãi, Quảng Nam lại rộn ràng với nghề khai thác ốc gạo. Năm nay được mùa, ngư dân có thể thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán nhiều người dân vùng ven biển ở xã Bình Châu (Bình Sơn), xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) và xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ), xã Tam Tiến (Tam Hòa), huyện Núi Thành,.. tỉnh Quảng Nam lại rộn ràng với nghề khai thác ốc gạo.
Ngư dân ven biển ở các địa phương này cứ sáng sớm lại cùng nhau đem nhiều dụng cụ như cào lưới dài 2m, thùng, rổ rá,… ra khu vực cách bờ biển khoảng từ 20 đến 50m để cùng nhau cào ốc gạo.
Ở bờ biển Châu Tân, xã Bình Châu, ông Ngô Văn Tuấn (63 tuổi, trú xã Tịnh Khê đang đánh vật với những cơn sóng biển cào ốc gạo. Lau từng giọt mồ hôi trên trán, ông Tuấn chia sẻ, từ những ngày sau Tết đến nay, ông cùng ngư dân ở xã Tịnh Khê dậy sớm từ 3 giờ sáng, đi qua bờ biển Châu Tân cào ốc gạo. Mùa ốc gạo chỉ kéo dài từ tháng giêng đến hết tháng 4 âm lịch, chịu khó một chút có thể cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Để cào ốc gạo, phải chọn đúng thời điểm thủy triều rút xuống, ít sóng biển đánh mạnh, lúc đó cào ốc rất dễ hơn nếu hôm nào trời biển động mạnh, sóng lớn thì không thể cào ốc gạo được.
“Trung bình mỗi ngày, tôi cào được 6 thùng ốc gạo, mỗi thùng ốc gạo nặng từ 20-30kg, thương lái mua với giá 240 ngàn đồng/thùng. Vì vậy, tôi đã có nguồn thu nhập tiền triệu mỗi ngày để trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học”- ông Tuấn chia sẻ.
Cạnh đó, bà Đặng Thị Thủy ở xã Tịnh Khê, đang ngồi sàng ốc gạo trên bờ biển, nói: “Ốc gạo sống trong cát ở vùng gần biển. Để cào được nó người dân phải dùng tay cầm vợt cắm mạnh xuống dưới lớp cát dày và đi về phía trước khi nào thấy nặng là đưa vợt lên và rũ lớp rát rơi xuống thì còn lại ốc trong vợt. Cào ốc gạo chỉ đến tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm là hết mùa. Hiện tại mỗi ngày tôi cào được 5 đến 7 thùng ốc gạo, nên có thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày”.
Nhiều người khác khai thác ốc gạo ở đây cho biết thêm, nếu sàng lọc lựa ốc gạo loại lớn thì giá bán càng cao hơn. Điều đặc biệt, ốc gạo không bán theo kg mà bán theo thùng hoặc bao. Mỗi thùng ốc có giá hơn 200 ngàn đồng và kích cỡ thùng hoặc bao đựng ốc đã được các thương lái quy định trước.
Trong khi đó tại Quảng Nam, bà Võ Thị Ánh, trú ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết: “Ngay sau Tết Nguyên đán tôi và nhiều người dân địa phương đã đi cào ốc gạo, ốc gạo năm nay được mùa, được giá. Một ngày tôi cào được khoảng 5 đến 6 thùng, trung bình mỗi thùng 20kg thương lái mua hơn 100 đến 200 ngàn đồng tùy loại lớn nhỏ”.
Theo các thương lái mua ốc gạo ở xã Tam Tiến, họ thường dậy sớm từ 6h hằng ngày, đi xuống dọc ven biển ở huyện Núi Thành để đứng chờ người dân đi cào ốc gạo đem lên bán, trung bình mỗi ngày các thương lái thu mua được vài tạ đến tấn ốc gạo. Sau đó họ vận chuyển ốc gạo đem bán ở các thành phố, huyện thị khác.
“Bà con địa phương bắt đầu đi cào ốc gạo sau Tết đến nay. Hiện tại toàn xã có khoảng 100 người dọc ven biển đi cào ốc gạo, nghề này cũng góp phần giúp cho mọi người có nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, nghề cào ốc gạo chỉ mang tính thời vụ, đến cuối tháng 4 là hết mùa, sau bà con chuyển sang đánh bắt hải sản” - ông Trần Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) chia sẻ.