Những ngày gần đây, nhiều tàu câu mực xà của ngư dân xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sau vài tháng đánh bắt hải sản trên biển đã cập bờ mang theo hàng nghìn tấn mực khô, với giá trị ước đạt hơn 250 tỷ đồng.
Gặp chúng tôi ở cảng Sa Cần, tàu QNg 95422 TS của ngư dân Trần Tức ở xã Bình Chánh cùng với 54 thuyền viên rất phấn khởi, bởi vì sản lượng khai thác chuyến biển này tăng cao. Ngư dân Tức cho hay: “Chuyến biển này tàu tôi thu được 60 tấn mực xà, nhiều gấp đôi so với những chuyến năm ngoái, với giá bán hiện tại thì tàu tôi thu về hơn 8 tỷ đồng”.
Ngư dân Nguyễn Tấn Hai, ở xã Bình Chánh tâm sự, mỗi chuyến câu mực ở Trường Sa kéo dài gần 3 tháng. Phiên câu mực bắt đầu từ 16 giờ hôm trước đến sáng hôm sau. Tàu thả thúng cách rất xa nhau, mỗi người một thúng cứ thế câu. Trên thúng câu có đèn dụ mực. Mực thấy ánh sáng sẽ tập trung về phía thúng. Ngư dân dùng cần câu có nhiều lưỡi quăng xuống biển rồi kéo mạnh để bắt mực. Mỗi đêm một người có thể bắt được 80 đến 100kg mực tươi. Đến sáng, thuyền trưởng dựa trên định vị điều khiển tàu đi tìm kéo thúng lên.
Còn ngư dân Đỗ Lợi, ở xã Bình Chánh cho biết, ông gắn bó với nghề câu mực xà Trường Sa gần 30 năm. Chuyến này, ông được 900kg mực khô. Sau khi trừ phí tổn, ăn chia với chủ tàu, ông cũng còn khoảng 120 triệu đồng để đưa cho vợ con trang trải cuộc sống gia đình.
Ông Lợi nói thêm, chủ tàu tự bỏ vốn đóng tàu sau đó kêu gọi ngư dân tham gia đánh bắt. Những ngư dân đi câu mực được gọi bạn thuyền. Giữa chủ tàu và bạn thuyền thống nhất cách ăn chia chi phí, lợi nhuận. Phí tổn mỗi chuyến biển được chia đều cho những người đi bạn, mỗi người chịu một phần. Chi phí cho một chuyến ra khơi trung bình khoảng 1 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là tiền dầu. Sau khi bán mực, từng ngư dân trả tiền phí tổn cho chủ tàu. Sau đó, mỗi ngư dân tiếp tục trích 17% cho chủ tàu.
Còn ngư dân Nguyễn Tấn Dũng, ở xã Bình Chánh, chủ tàu QNg 95769 TS cùng hơn 40 thuyền viên vừa trở về đất liền mang theo hơn 45 tấn mực xà khô để bán cho thương lái, ước tính số tiền bán mực khô thu về hơn 6 tỷ đồng.
“Hiện nay các tàu câu mực của ngư dân địa phương cũng đang lần lượt về bờ sau thời gian dài khai thác trên biển. Chuyến khai thác đầu năm 2024 đạt sản lượng cao, giá bán 135.000 đến 145.000 đồng/kg mực xà khô khiến ngư dân rất phấn khởi”- ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, tổng số tàu thuyền địa phương hiện có là 142 chiếc, công suất 91.391CV, trong đó 10 chiếc có công suất nhỏ, khai thác thủy sản ven sông, tàu có công suất trên 90CV trở lên 131 chiếc (các nghề chính là câu mực, lưới vây và lưới rê). Sản lượng khai thác 1.635 tấn, trong đó mực khô 1.540 tấn, cá các loại 95 tấn, giá trị ước đạt 251,15 tỷ đồng.
Ông Đạo nói thêm, tổng kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ ở đợt 4/2023 là hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ nhiên liệu hơn 6,5 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên hơn 22 triệu đồng.
Ông Phạm Thế Uyên - Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh cho biết, ngư dân câu mực khơi ở địa phương về báo lại là mực năm nay xuất hiện rất nhiều trên biển, nên có nhiều tàu câu mực đánh bắt đạt được sản lượng cao. Tính bình quân đợt câu mực đầu tiên trong năm của làng biển Mỹ Tân, đạt 60 đến 65 tấn mực/tàu. Mỗi năm, ngư dân ở làng Mỹ Tân khai thác được khoảng 4.000 tấn mực xà, ngoài tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc.