Sự khác biệt rõ ràng về mô hình thủy triều và lượng cá đánh bắt được do biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến sinh kế của các ngư dân Sri Lanka. Đất nước này tiếp tục trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Căng thẳng kinh tế
Dọc theo bờ biển và đầm phá dài 1.700km của Sri Lanka, những ngư dân thả và thu lưới của họ tới 4 lần trong ngày (gấp đôi số lần so với trước đây), nhưng hầu như không có sự khác biệt về tổng số cá thương mại đánh bắt được vào cuối ngày. Trong khi đó, giá các mặt hàng như đậu và dầu thực vật tăng vọt đồng nghĩa với việc các ngư dân phải cắt giảm việc mua sắm cho gia đình. Những căng thẳng mới đang khuấy động khi Sri Lanka tiếp tục trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Ông Santhalingam Thanusanth - một nhà khoa học về thủy sản và sinh học cá tại Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển tài nguyên thủy sản Quốc gia (NARA) cho biết, lạm phát là thách thức cấp bách nhất đối với ngư dân quy mô nhỏ. Nhà nghiên cứu ước tính khoảng một nửa số ngư dân đánh bắt bằng lưới vây thủ công trên bãi biển đã áp dụng các phương pháp mới, cho dù đó là cơ giới hóa hay thiết bị công nghệ cao hơn.
Anh Kasun - là một ngư dân đã làm việc trong nghề giăng lưới vây trên bãi biển từ năm 16 tuổi. Tuy nhiên, anh Kasun đang đối mặt với phá sản vì tình trạng căng thẳng kinh tế.
6 năm trước, anh Kasun đã đầu tư mua 2 chiếc máy kéo - một chiến lược cơ giới hóa được trang bị tời để giúp kéo lưới đánh cá nặng. Anh Kasun phải trả 20.000 rupee Sri Lanka (64 USD) để thuê 12 người và 1 chiếc xe tải mỗi lần đánh cá. Tuy nhiên, năm nay không phải là một năm có lợi nhuận. Giá dầu hỏa, nhiên liệu cho thuyền đánh cá đã tăng gấp 4 lần, từ 87 rupee Sri Lanka (0,28 USD) vào năm 2022 lên 340 rupee (1,1 USD) cho 1 lít dầu vào năm 2023 - chi phí xăng dầu đã tăng hơn gấp đôi so với 2 năm trước.
Nhu cầu vật chất của việc đánh bắt cá và mức lương ngày càng thấp đã khiến các thế hệ trẻ tránh xa công việc này. Thiếu việc làm và thiếu lao động đang đe dọa tính liên tục của nghề vây biển truyền thống. Mặc dù máy kéo có thể thay thế con người trong việc kéo lưới, nhưng hầu hết các nhiệm vụ khác vẫn cần có lao động thủ công như tách mẻ lưới, phơi khô và làm sạch hoặc sửa chữa lưới.
Ông Aruna Maheepala - nhà khoa học cấp cao về kinh tế xã hội và tài nguyên thủy sản tại NARA - cho biết: “Hầu hết những người đánh cá bằng lưới vây trên bãi biển đều là đàn ông lớn tuổi. Công việc này được trả lương quá thấp và khó thu hút thế hệ trẻ”. Nhiều người đã chọn ở nhà hoặc tìm những công việc lặt vặt.
Tác động do khí hậu
Ông Babarandage don Sarath Appuham - một ngư dân 59 tuổi, đã làm việc tại Negombo Lagoon từ khi còn là một thiếu niên. Tuy nhiên giờ đây, sự khác biệt rõ ràng về mô hình thủy triều và lượng cá đánh bắt được do biến đổi khí hậu đã làm phức tạp công việc của ông.
“Trước đây, chúng tôi thường đi biển lúc 9 giờ sáng, sau đó là 1 giờ chiều. Nó không còn có thể dự đoán được nữa. Chúng tôi phải đánh giá điều kiện thời tiết từng ngày. Đôi khi những con sóng quá gồ ghề để mạo hiểm” - ông Sarath nói.
Nằm ngay phía Bắc của đường xích đạo, Sri Lanka đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động do khí hậu gây ra: nhiệt độ dao động, lượng mưa ngày càng thất thường, nước biển dâng và gió mùa.
Có 2 mùa đánh bắt cá ở Sri Lanka, từ tháng 10 đến tháng 4 ở bờ biển phía Tây và từ tháng 4 đến tháng 10 ở bờ biển phía Đông. Tuy nhiên, những mốc thời gian này đã trở nên mờ nhạt trong những năm gần đây vì sự thay đổi của môi trường.
Các kiểu thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng đến sự di cư theo mùa của những ngư dân di chuyển từ bờ biển phía Tây sang bờ biển phía Đông và ngược lại. Ông Mahipala cho biết: “Biển trở nên động hơn, điều đó có nghĩa là ngư dân phải nghỉ việc hoặc mạo hiểm mạng sống của họ”.
Cơ giới hóa đã dẫn đến sự xói mòn của cảnh quan ven biển. Vành đai ven biển dọc Kalpitiya có những đụn cát tự nhiên trải dài tuyệt đẹp, nhưng nếu ngư dân sử dụng máy kéo để đánh cá, đường đi của họ dễ làm xói mòn các bãi biển, dẫn đến sự phá hủy các thảm thực vật đặc hữu ven biển như rau muống, lê gai và cỏ ven biển.
Theo ông Sandaruwan - một nhà nghiên cứu kinh tế xã hội và tiếp thị tại NARA: “Việc đánh bắt cá quy mô nhỏ chưa bao giờ là một ngành kinh doanh có lợi nhuận đặc biệt. Ngư dân phải vay tiền từ những nguồn không chính thức để mua nhiên liệu. Họ hy vọng có thể nhanh chóng thanh toán khoản vay sau những mẻ cá lớn, nhưng với tình hình hiện nay, “canh bạc”’ có vẻ lớn hơn bao giờ hết”.
Ông Sandaruwan ước tính, trong số gần 50.000 ngư dân ở Sri Lanka, có khoảng 5.000 người làm việc trên các chuyến đi xa bờ trong nhiều ngày. Họ buộc phải tiết kiệm chi phí, làm việc nhiều giờ hơn trong các chuyến đi đánh cá ngắn hơn. Để so sánh, trước đây, thực phẩm, nước và nhiên liệu cần thiết cho một chuyến đi kéo dài 1 tháng từng tốn khoảng 150.000 rupee (408 USD), giờ đây nó tốn gần 250.000 (800 USD).