Xã hội

Ngư dân trúng đậm lộc biển đầu năm

Bài và ảnh: T.THÀNH-C. ĐẠI-ĐÌNH MINH 29/02/2024 07:05

Những ngày này, các tàu cá ở Quảng Ngãi đánh bắt xa bờ lần lượt cập cảng trong niềm vui phấn khởi trúng đậm lộc biển đầu năm. Trong khi đó, tàu lớn neo đậu tại các cảng cá của tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị xong những công việc cuối cùng để ra khơi, vào một mùa biển mới. Các địa phương ven biển trong cả nước đều tràn đầy hy vọng một năm đánh bắt hải sản bội thu.

anh-1(1).jpg
Cờ Tổ quốc được kéo lên trước mỗi chuyến đi biển của ngư dân Thanh Hóa.

Tại cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) và cảng cá Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), những tàu thuyền đánh bắt xuyên Tết trở về với cá đầy ắp khoang.

Những chuyến tàu đem tới niềm vui

Vụ chính khai thác cá ngừ bắt đầu từ tháng 11 âm lịch kéo dài cho đến tháng 3 âm lịch năm sau. Do đó, ngư dân đã tổ chức ra khơi đánh bắt xuyên Tết. Vụ cá đầu năm này, ngư dân Quảng Ngãi rất vui sướng vì trúng đậm.

Vừa cập cảng cá Sa Huỳnh, ngư dân Kiều Trạng - thuyền trưởng tàu cá QNg 98835 TS cho biết, chuyến này tàu của ông đánh bắt được gần 50 con cá ngừ đại dương, ước khoảng hơn 1,5 tấn, bán được khoảng 150 triệu đồng.

“Tàu tôi ra khơi vào ngày 30/1. Trước khi đi chuyến biển này, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ gà, bánh trái, hương đèn để đón thời khắc Giao thừa, mong sao năm mới mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng” - ông Trạng cho biết.

anh-3(1).jpg
Ngư dân Quảng Ngãi đưa cá ngừ vào cảng Sa Huỳnh.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Chiến (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ) cho biết, sau hơn 20 ngày đánh bắt, tàu QNg 94567 TS của ông đã đầy ắp khoang cá ngừ đại dương cập cảng Sa Huỳnh bán cho thương lái.

“Chuyến biển này tàu tôi đánh bắt được gần 30 con cá ngừ đại dương, mỗi con cá nặng từ 30 đến 40kg, với giá bán từ 92 đến 100 nghìn đồng/kg. Hy vọng trong năm nay sẽ đánh bắt trúng nhiều mẻ để có thu nhập cao lo cho gia đình” - ông Chiến nói.

Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Tấn Minh (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ) cho biết, sau 18 ngày lênh đênh, đã câu được 57 con cá ngừ đại dương. Sau khi trừ hết chi phí chuyến biển, chia cho bạn thuyền mỗi người 15 triệu đồng, ai cũng phấn khởi.

Còn tại cảng Sa Kỳ, hàng chục tàu đánh bắt cá cơm sau thời gian ngắn ra khơi nối đuôi nhau cập bờ. Ngư dân Võ Duy Linh, chủ tàu QNg 9642 TS cho biết: “Tàu tôi thu được gần 7 tấn cá cơm nên anh em rất phấn khởi. Cá cập bến được thương lái chờ sẵn để mua hết nên anh em rất vui và có thêm động lực để tiếp tục bám biển”.

Ngư dân Trương Đình Thành, chủ tàu cá QNg 96299 TS trúng luồng cá cơm khi chỉ đánh bắt cách đảo Lý Sơn khoảng 2 hải lý. Tàu của ông Thành thu lưới được 17 tấn cá cơm, bán ra thu về gần 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 62 tàu, với 378 ngư dân hành nghề xuyên Tết trên biển, các tàu này chủ yếu khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống. Đến thời điểm này đa số tàu cá đánh bắt xuyên Tết đã về bờ.

“Giá thu mua hải sản hiện nay hơi thấp. Nhưng dù sao ngay từ đầu năm trúng đậm vụ cá bà con cũng thấy rất vui” - ông Mười nói.

Quảng Ngãi hiện có trên 5.600 chiếc tàu thuyền, với hơn 40.000 lao động trực tiếp sản xuất trên biển. Năm 2023, giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt 7.200 tỷ đồng.

anh-4.jpg
Mùa cá cơm ở Quảng Ngãi.

Rộn ràng mùa biển mới

Sau những ngày tạm buông neo để nghỉ Tết Nguyên đán và ăn rằm tháng Giêng, đến nay, tàu lớn neo đậu tại các cảng cá của tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị xong những công việc cuối cùng để ra khơi, đón một mùa biển mới

Ngư dân Nguyễn Văn Long, trú xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết, năm nay ông và con trai ra khơi đánh bắt từ mùng 3 Tết tại khu vực cách bờ biển khoảng 4-5 hải lý. “Với ngư lưới cụ đơn giản, gia đình tôi lên tàu bè đánh bắt từ 4 giờ sáng, thu được khá nhiều cá, tôm, mực. Trừ chi phí cũng có lãi hơn 1 triệu đồng cho mỗi chuyến đi” - ông Long chia sẻ.

Ngư dân Trần Văn Tạo, trú xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương cho biết, mỗi chuyến vươn khơi, các tàu thuyền, bè mảng thường mất khoảng 150.000 đồng cho chi phí xăng dầu, bởi vậy, ngày thường họ chỉ đi một chuyến. Tuy nhiên, với việc hải sản đầu năm được giá như: Cá trích đang bán ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg; cá khoai từ 500.000 - 600.000 đồng/kg; tôm tít (bề bề) từ 300.000 - 400.000 đồng/kg; ghẹ xanh từ 600.000 - 700.000 đồng/kg... nên sau mỗi chuyến đi, mỗi thuyền có thể thu lãi vài triệu đồng.

“Đánh cá trích tuy vất vả nhưng “tiền tươi thóc thật”, nếu trúng mẻ cá lớn cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Vài năm lại đây, nhờ thời tiết thuận lợi, cá trích sinh sôi nảy nở, phát triển nhanh. Cứ mỗi lộng đánh bắt, bè của tôi thu về trung bình được 1-3 tạ cá, bán tại chỗ cũng thu lãi từ 2-3 triệu đồng. Cố gắng chăm chỉ ra khơi liên tục, chỉ vài tuần là có thể kiếm được vài chục triệu đồng, giải quyết được chi phí sinh hoạt và có tiền lo cho con cái ăn học lúc ra Tết”- ông Hoàng Văn An, trú tại xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương nói và cho biết, với số lượng cá đánh bắt được, ngoài việc bán cho các tiểu thương, ngư dân cũng liên kết với nhiều cơ sở trong và ngoài địa bàn, thu mua về ủ, chế biến nước mắm.

Ông Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, hiện tại, xã có 212 tàu, thuyền, trong đó, có 119 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, 93 chiếc có chiều dài từ 12 - 15m, 6 phương tiện khai thác hải sản xa bờ. Toàn xã có gần 1.500 lao động đi biển và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. “Dịp đầu năm, phần lớn các tàu thuyền đã bắt đầu vươn khơi, cho thu nhập tới 80 - 100 triệu đồng sau mỗi chuyến đi. Số tàu thuyền còn lại, hiện vẫn neo đậu tại bến để chuẩn bị cho ngày vươn khơi”- ông Bổ cho biết.

Còn xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) có 285 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và 31 bè mảng đánh bắt gần bờ. Ông Lê Văn Lành - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham chia sẻ, đa phần các bè mảng đều đã ra khơi từ mùng 3 Tết và đánh bắt được rất nhiều cá trích, tôm tít.

Anh Thạch Văn Phúc, trú xã Quảng Nham, chủ tàu 91851TS công suất 400 CV cho biết, tàu của anh hiện đang có 7-8 thuyền viên làm việc với mức thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, anh trúng đậm nhiều vụ tôm tít và ghẹ nên cuối năm, mỗi lao động đều mang về trung bình trên 100 triệu đồng. Sau dịp nghỉ Tết, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, anh Phúc cùng các bạn tàu đưa máy móc ra ngoài để tu sửa, bảo dưỡng, đồng thời, cũng chuẩn bị thêm lồng bẫy, sơn lại cửa, mua thêm xăng dầu, đồ ăn…

Nằm ngay sát tàu anh Phúc, con tàu công suất 350CV của anh Bùi Văn Trung cùng trú xã Quảng Nham cũng đang chuẩn bị các đồ dùng, dụng cụ cuối cùng trước ngày lên đường. Anh Trung chia sẻ: “Máy móc là trái tim của con tàu, vì vậy chúng tôi rất coi trọng việc bảo dưỡng các thiết bị này. Ngoài ra, tranh thủ dịp nghỉ sau Tết, tôi làm mới và sửa lại 1.600 chiếc lồng bẫy, mua hơn 3.000 lít xăng dầu, đá lạnh… Chuẩn bị càng kỹ thì khi hoạt động ngoài khơi, rủi ro sẽ càng thấp và để cầu mong có được một mùa đánh bắt bội thu”.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá cho biết, để những chuyến ra khơi của ngư dân được an toàn, hiệu quả; trước, trong và sau Tết, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã chú trọng cập nhật, thông báo đến ngư dân về thời tiết, ngư trường, những nơi đánh bắt thuận lợi để ngư dân ra khơi, bám biển. Đồng thời, tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt hải sản đúng nơi quy định; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát phòng chống cháy nổ tàu cá... Hy vọng năm nay sẽ là năm thắng lớn của ngư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân trúng đậm lộc biển đầu năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO