Liên quan đến đề xuất nâng giới hạn thời gian người lao động làm thêm trong tháng (từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ), đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng như các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội đều nhận thấy rằng: Đề xuất tăng giờ làm thêm chưa đầy đủ cơ sở khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đưa ra quan điểm: Việc tăng này là quá cao (180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và 240% so với Bộ luật Lao động năm 2012), tương ứng với 9 ngày làm việc bình thường. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo lại chưa đưa ra căn cứ thuyết phục cho đề xuất tăng giờ làm thêm.
Bà Thúy Anh cũng cho rằng, trong dự thảo nghị quyết, cơ quan soạn thảo đề xuất đối với giới hạn không quá 300 giờ làm thêm một năm được áp dụng cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực là quá rộng. Trong tờ trình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện vấn đề này.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đưa ra lập luận: Việc tăng giờ làm thêm trong tháng là nhu cầu của cả người lao động và doanh nghiệp do tác động tiêu cực của Covid-19. Việc tăng giới hạn giờ làm thêm trong tháng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển nhanh nền kinh tế.
Bộ trưởng Dung nói không sai. Đúng là cũng có người lao động muốn làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, “bù” vào thời gian phải nghỉ do giãn cách xã hội. Song, không phải mọi người lao động đều có nhu cầu làm thêm, bởi tiền không phải là tất cả, họ cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, để chăm sóc bố mẹ, con cái và gia đình.
Còn về phía các ông chủ sử dụng lao động (bao gồm cả khối nhà nước và khối tư nhân) dĩ nhiên là muốn tăng ca, thêm giờ làm để kịp tiến độ công việc, đơn hàng, hợp đồng... mà không phải nhận thêm người. Khi Nhà nước cho phép tăng giới hạn giờ làm thêm, ông chủ cứ theo đó đề nghị, liệu người lao động có thể từ chối làm thêm hay không?
Dĩ nhiên là sẽ chẳng ai dám nói không với chủ sử dụng lao động cả, nếu không muốn mất việc ra đường. Nhưng nếu cứ phải tăng giờ làm thêm liên tục, người lao động sẽ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, làm sao trụ nổi? Khi người lao động kiệt sức vì phải làm việc quá căng thẳng, ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về sức khỏe của họ?
Đâu phải vô cớ mà Luật Lao động quy định giới hạn số giờ làm thêm trong tháng không được vượt quá 40 giờ? Cũng đâu phải tự nhiên mà có quy định làm thêm không quá 300 giờ trong năm chỉ giới hạn thực hiện ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định? Những quy định ràng buộc đó là để bảo vệ người lao động, đảm bảo sức khỏe và tinh thần của họ.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là phải chăm lo tốt nhất cho nhân dân. Vì thế dư luận xã hội không thể lý giải nổi tại sao cơ quan soạn thảo lại đề xuất tăng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, đồng thời đề nghị “nới lỏng” ra tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Nhanh phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 dĩ nhiên cần, nhưng cũng nên cân nhắc việc gì nên và không nên làm, chứ không phải thực hiện bằng mọi giá.
Để kết bài viết, xin dẫn lại lời của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh: Việc tăng thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, an toàn lao động do người lao động không đủ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, tái tạo sức lao động. Việc đề nghị tăng giờ làm thêm của cơ quan soạn thảo trong bối cảnh dịch bệnh đang đi ngược với xu hướng tiến bộ, phát triển khoa học - công nghệ, tăng lương, giảm giờ làm.