Hơn 20.000 bệnh nhân ung thư đã không phải xin giấy chuyển tuyến lên Bệnh viện K ngay trong ngày đầu của năm mới 2025. Đây là hiệu quả ngay tức thì của Thông tư 01/2025/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Thông tư mới nói trên của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có quy định một số bệnh không cần giấy chuyển tuyến. Thông tư ban hành kèm danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được hưởng 100% mức hưởng theo quy định. Cụ thể, người bệnh được chuyển lên tuyến chuyên sâu không cần giấy chuyển viện sau khi đã được một cơ sở y tế chẩn đoán xác định mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh hiểm nghèo. So với danh mục cũ, danh mục mới tăng 20 loại bệnh.
Sau khi thực hiện hướng dẫn mới theo tinh thần Thông tư 01, đại diện Bệnh viện K chia sẻ: Đêm 31/12/2024, chúng tôi vẫn làm việc đến khuya để liên hệ, trao đổi công việc với các chuyên viên Vụ BHYT. Sáng 1/1/2025 vẫn tiếp tục làm việc về việc triển khai Thông tư 01, đề xuất những ý kiến về BHYT cho bệnh nhân ung thư. Theo đó, hơn 20.000 bệnh nhân ung thư đã không phải xin giấy chuyển tuyến của năm mới lên Bệnh viện K ngay trong ngày đầu của năm mới 2025.
Ghi nhận cho thấy, ngay sau khi Thông tư 01/2025/TT-BYT có hiệu lực, Bệnh viện K đã cập nhật 3 nội dung chính liên quan người bệnh điều trị tại bệnh viện và tăng cường việc giải đáp tư vấn cho người bệnh qua fanpage, Tổng đài 1900886684. Bệnh viện đã lưu ý 3 nội dung để bệnh nhân và người nhà nắm rõ. Cụ thể: Kể từ ngày 1/1/2025, người bệnh mắc bệnh u ác tính (là bệnh mã ICD-10 C00 đến C97) và u tân sinh tại chỗ (là bệnh có mã ICD-10 từ D00 đến D09) được sử dụng Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn một năm (không áp dụng với trường hợp bệnh đã điều trị ổn định hoặc không có chỉ định điều trị đặc hiệu - phẫu thuật, hóa chất, tia xạ....); người bệnh đã được cấp các giấy chuyển viện năm 2024 nhóm bệnh ung thư được hưởng BHYT tiếp đến đủ 1 năm từ ngày ký giấy chuyển viện (không áp dụng với trường hợp bệnh đã điều trị ổn định hoặc không có chỉ định điều trị đặc hiệu - phẫu thuật, hóa chất, tia xạ....); người bệnh được chẩn đoán xác định mắc một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được thanh toán 100% tỷ lệ mức hưởng thẻ BHYT chi phí khám bệnh, chữa bệnh (kể từ ngày 1/1/2025) khi lên thẳng Bệnh viện K khám bệnh, chữa bệnh mà không cần phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, Bệnh viện K cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cập nhật các quy định mới về BHYT cho hơn 400 cán bộ nhân viên bệnh viện K. Thông qua tập huấn này, Ban lãnh đạo Bệnh viện đề nghị các đơn vị liên quan và cán bộ y tế toàn bệnh viện nghiên cứu kỹ các nội dung, quy định mới về BHYT, hỗ trợ tư vấn tối đa cho người bệnh trong quá trình thăm khám điều trị và tiếp tục cập nhật, hướng dẫn nếu có những nội dung mới.
Có thể thấy, những điểm mới trong Thông tư 01 đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời đối với các bệnh cần chuyên môn sâu mà các cơ sở y tế cấp cơ bản hoặc ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai.
Tại Nghệ An, thời gian qua ngành y tế địa phương đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển tuyến, chuyển viện theo Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế. Đồng thời, các cơ sở được yêu cầu không được “giữ” bệnh nhân, đảm bảo tối đa quyền lợi của người bệnh. TS Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay, hiện ngành y tế địa phương này đang tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, và hướng dẫn để người tham gia BHYT nắm rõ danh mục 62 bệnh được phép vượt tuyến và 141 bệnh được cấp giấy chuyển viện có giá trị 1 năm/lần. Đồng thời, người bệnh được khuyến cáo đến các cơ sở y tế phù hợp để được hỗ trợ tốt nhất và đảm bảo quyền lợi tối đa. Sở Y tế Nghệ An cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng theo chính sách mới.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, hệ thống khám, chữa bệnh hiện nay được chia thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu (trước đây gồm 4 tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Người tham gia BHYT được hưởng các mức hỗ trợ khác nhau: 80% tại cơ sở chuyên sâu, 95% tại cơ sở cơ bản và 100% tại cơ sở ban đầu. Năm 2024, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc phân cấp chuyên môn và kỹ thuật tại các cơ sở y tế. Các bệnh viện cấp chuyên sâu thường là các bệnh viện tuyến Trung ương (như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Da liễu...) và một số bệnh viện cấp tỉnh có chuyên môn cao.
Thông tư 01 cũng nêu rõ: Người tham gia BHYT được hưởng mức hỗ trợ 100% khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế khác nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, không phân biệt địa giới hành chính. Trường hợp thay đổi nơi lưu trú hoặc tạm trú (như học sinh, sinh viên đi học sau đó về quê nghỉ Tết, nghỉ hè), người tham gia BHYT cần đăng ký tạm trú hoặc thông báo thay đổi lưu trú với cơ quan chức năng, đồng thời cập nhật thông tin lên ứng dụng VNeID.
Trước đó, trong quá trình điều trị tại tuyến cơ sở, nhiều người có nhu cầu chuyển tuyến BHYT, tuy nhiên không phải lúc nào cũng được chuyển tuyến. Việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thực hiện theo Thông tư 14/2014/TT-BYT, trừ một số trường hợp cụ thể khác được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT. Cùng đó, các quy định về đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi KCB tại cơ sở khác ở tuyến tương đương hoặc tuyến thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp còn phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người bệnh. Theo bà Trần Khánh Thu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, người bệnh bức xúc không phải vì giấy chuyển viện BHYT mà vì những khó khăn trong việc xin cấp giấy này, việc bỏ giấy chuyển viện nghe có vẻ hỗ trợ người bệnh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho hệ thống y tế.
Giờ đây, việc bỏ chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không chỉ là giải pháp hợp lý mà còn nhân văn, giúp giảm bớt gánh nặng và lo âu cho người bệnh cũng như thân nhân của họ.
Vừa rồi, tại Hội nghị phổ biến Thông tư 01 ngay trong dịp đầu năm mới 2025, GS, TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia nhấn mạnh: Thông tư là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho trên 13.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới.
Đồng thời, theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) , những quy định mới tại Thông tư 01 có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng KCB để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai; góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở KCB cho người bệnh; giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, tiết kiệm được những chi phí cần phải thực hiện ở tuyến dưới chỉ để chuyển người bệnh lên tuyến trên và các chi phí khác liên quan đến thân nhân người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị. Từ đó góp phần làm giảm chi tiền túi của hộ gia đình liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm với 6 triệu người đang mắc, trong đó có tới 58% bệnh hiếm ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi. Việc tiếp cận với liệu pháp điều trị bệnh hiếm còn chậm và gặp nhiều thách thức. Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh, nhóm bệnh sẽ giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT.