Người chân thành 

TRẦN HỮU THĂNG 26/03/2023 07:18

Người chân thành, người chí thành, người chân thật, người chân thực, người chân tình là những con người rất đáng quý trong xã hội. Chính nhờ có những con người này mà xã hội trở nên tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, nâng đỡ nhau trên mọi nẻo đường đời.

Ở thế kỷ trước, học giả Trần Trọng Kim (1882 - 1953) đã có một định nghĩa hết sức ấn tượng về người chân thành như sau: “Người chân thành là người đã khiến mình trở nên thuần túy như cái tinh khôi mà tạo hóa đã ban tặng”. Dấu hiệu chân thành, chí thành, chân thật, chân thực, chân tình quả nhiên là một bản tính lương thiện nhất của con người.

Đông phương Cổ học tinh hoa đã viết: “Con người ta sinh ra vốn mang tính lương thiện, chân thành” (Nhân chi sơ tính bản thiện).

Học giả Galerita lại khẳng định một cách chắc chắn: “Sự chân thành là danh dự của lương tri”.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Chân thành là hết sức thành thật, xuất phát tự đáy lòng. Thí dụ: Tấm lòng chân thành. Chân thành cảm ơn”. “Chân thật là: 1/(con người): Trong lòng nghĩ như thế nào thì bày tỏ ra ngoài đúng như thế. 2/(nghệ thuật): Phản ánh đúng với hiện thực khách quan. Thí dụ: Tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống”. “Chân tình là: 1/ Lòng thành thật. Thí dụ: lấy chân tình mà đối xử với nhau. 2/ Lời nói chân tình. Thí dụ: Quý thay lời nói chân tình”.

Theo Từ điển tiếng Pháp Larousset: “Chân thành là: 1/ Bày tỏ nguyên vẹn những suy nghĩ của mình. Thí dụ: Một người bạn chân thành. 2/ Con người từ suy nghĩ đến hành xử hết sức trung thực. Thí dụ: Anh ta có những quyết định chân thành”.

Học giả người Thụy Sĩ Henri Frédéric Amiel (1821- 1881) đã thành thực nhắc nhở con người: “Bạn hãy chân thành, vì đó là bí quyết của sự hùng biện và sự thể hiện của đức hạnh; đó là cái uy thế của sức mạnh đạo lý và đó là phương châm cao cả nhất của nghệ thuật và đời sống”.

Ở Việt Nam, cha ông ta đã dạy: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” cũng là ý đề cao cái chân thật, cái thật thà để chiến thắng bọn dối trá, lừa đảo, mưu hèn kế bẩn.

“Bạn hãy chân thành, vì đó là bí quyết của sự hùng biện và sự thể hiện của đức hạnh; đó là cái uy thế của sức mạnh đạo lý và đó là phương châm cao cả nhất của nghệ thuật và đời sống” - Henri Frédéric Amiel.

Trong lịch sử của một cộng đồng hay của một con người, ai ai cũng đã bừng tỉnh một kết quả rất khách quan là: Cái xấu, cái ác có sức mạnh nhất thời của nó, nhưng cái sau cùng, cái tiếng nói kết thúc bao giờ cũng thuộc về cái chính nghĩa, cái chân thực, cái chân thành. Vì sao như thế? Vì quần chúng luôn tỉnh táo sáng suốt, họ luôn nhìn thấy cái đúng, cái thuận để ủng hộ, để che chở, để nâng đỡ. Nhất thời có thể có những ngộ nhận, những toan tính thiệt hơn, nhưng nhất định lẽ phải sẽ thắng. Cái xấu, cái ác chắc chắn bị phơi bày và lộ nguyên hình. Chân lý sẽ thuộc về quần chúng sáng suốt.

Mổ xẻ sâu thêm về những suy nghĩ và phát ngôn dối trá, thiếu trung thực, nữ triết gia danh tiếng, bà De Necker (1766 – 1846) đã thẳng thắn lên án: “Khi người ta không dám nói cái mà người ta nghĩ chính là khi người ta không còn tin vào cái mà người ta nói nữa”. Như thế nghĩa là sự dối trá, thiếu chân thực đã chết ngay từ lúc nó mới hình thành bởi vì nó không có không khí, nó không có mảnh đất để nảy sinh, để phát triển.

Mổ xẻ sâu thêm về người chân thành, sự chân thành, Đông phương Cổ học tinh hoa cũng có những đóng góp triết học quan trọng. Triết gia đời Tống – Chu Liêm Khê (1017 – 1073) đã khẳng định: “Đức chân thành là cội rễ của thánh nhân” (Thành giả thánh nhân chi bổn). Lại có câu trong tục ngữ dân gian đời Hán: “Khôn gian trá không bằng vụng thật thà” hay “Lời nói xảo không sánh được với lời nói thẳng”. Chỉ trích dẫn sơ sơ như vậy cũng thấy được từ nghìn năm trước thiên hạ phương Đông đã hết sức khinh ghét sự dối trá, người dối trá và hết sức ca ngợi, ca tụng sự chân thực, người chân thực.

Các triết gia phương Tây cũng có những lập luận rất hay, rất sâu sắc để định giá đúng cho sự chân thực và người chân thực.

Ông George Washington (1732 - 1799) là Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa kỳ, cũng là nhà triết học lớn khi ông xác định như sau: “Tôi hy vọng rằng tôi sẽ luôn luôn có đầy đủ cõi lòng vững vàng và đạo đức để giữ được cái danh hiệu mà tôi thèm khát nhất, đó là tính chất của một người chân thật”. Đoạn văn hùng hồn và mang dấu ấn giá trị lịch sử này của Washington được viết trong tác phẩm vĩ đại lúc bấy giờ là cuốn “Danh ngôn đạo đức” (nguyên văn tiếng Anh là “Moral Maxim”). Mãi biết ơn Washington vì cái cách tu thân, cách giữ mình, cách phấn đấu cho đến suốt đời để mong sao đạt được tiêu chuẩn “một người chân thật”.

Triết gia danh tiếng Archbishop Whately đã khẳng định: “Thật thà là chính sách hay nhất” (nguyên văn tiếng Anh: Honesty is the best Policy). Chữ Policy có nghĩa rất rộng, nó là chính sách của cả một chính phủ để điều hành quốc gia, nhưng nó cũng là đường lối, là phương hướng cho hoạt động của cả một đời người. Vì thế các danh nhân thành đạt trên mọi lĩnh vực đều là những con người thật thà, chăm chỉ và biết sống trọn vẹn cho một lý tưởng cao quý. Victor Hugo đã từng khuyên nhủ con người nên sống lương thiện, chân thành. Ông viết: “Chúng ta phải sống lương thiện sao cho khi ta chết, đến ngay cả người phu đào mộ cũng xót thương ta”. Cao quý thay lời ca ngợi sự lương thiện, sự thật thà, sự chân thành của Victor Hugo để lại cho hậu thế.

Trong các câu tục ngữ cổ của người Đức, ai cũng thích câu: “Một lạng trung thực bằng một tấn thông minh”. Nhiều người vẫn cho rằng phải có thông minh mới có sự nghiệp. Điều đó chỉ đúng một phần vì đã có rất nhiều người thông minh, có thể đạt đến một kết quả nào đó, nhưng sau khi lộ rõ là người thiếu trung thực, gian dối, lập tức sẽ bị vứt vào sọt rác của đời sống, cùng chung số phận với bọn bất lương, lừa dối.

Triết gia Alexander Pope (1658 – 1748) đã khẳng định sự cao quý số một của con người chân thật qua câu danh ngôn: “Một người chân thật là một tác tạo cao quý nhất của Thượng đế”. Thật đáng kính trong lời so sánh này của Pope. Theo truyền thuyết tôn giáo, Thượng đế trong 7 ngày đã tác tạo nên vũ trụ lần lượt là: đất, đá, sông, biển. Rồi cây cối mọc lên đem lại lương thực cho các sinh vật đầu tiên trên trái đất. Sau đó từ loài vượn người, đặc biệt từ chủng vượn người cao cấp Néandertan tiến hóa thành con người nguyên thủy. Theo các Học thuyết về Tiến hóa của các nhà khoa học, các Homosapiens dần dần thành con người đi bằng hai chân, đứng thẳng, hai bàn tay đã biết săn bắn trồng trọt. Rồi lại tiến hóa nữa mà hình thành các cộng đồng con người ngày nay. Trong số 8 tỷ người, theo Liên hợp quốc công bố năm 2022, thì có bao nhiêu người chân thật? Về con số tuyệt đối thì không ai có thể biết được cả, nhưng theo cách suy nghĩ của triết gia Pope thì đó là những “tác tạo cao quý nhất của Thượng đế”. Chúng ta tin vào lời dạy của Pope bởi vì trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nhờ có những con người chân thật cao quý nhất đó mà loài người đã có những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, về văn hóa xã hội, về một đời sống văn minh tiến bộ như ngày hôm nay.

Một xã hội văn minh hiện đại là phải biết bồi dưỡng, giáo dục con người để hình thành nên những lớp người ở các thế hệ lương thiện, chân thực, không dối trá, không làm việc xấu. Có như thế xã hội mới ổn định và phát triển được. Ở nước ta, qua các thông tin đại chúng, mọi người đều biết đến những tấm gương người tốt, việc tốt. Từ đó nhân rộng các hành động cụ thể như: dũng cảm cứu người trong thiên tai, trong tai nạn dân sự, hiến máu cứu người, hiến tạng cứu người. Trong trường học, từ tiểu học đã phải dạy môn giáo dục công dân, ca ngợi phẩm chất thật thà, chăm chỉ để hướng các em đến các việc thiện, giúp đỡ người nghèo, người hoạn nạn, người bệnh.

Tuy nhiên, bất cứ việc gì trên đời cũng đều có hai mặt. Triết gia André Maurois (sinh năm 1885 -?) đã nhắc nhở: “Sự chân thật là thủy tinh, sự thận trọng là kim cương”. Có tác giả phân tích lời dạy của Maurois như sau: Trong xã hội, những người chân thật, lương thiện lắm khi cũng bị thiệt thòi cho bản thân họ. Có người nói thẳng, nói thật thì có hại đến thân, không được cất nhắc, không được đề bạt, không được tăng lương ...

Lời dạy của Maurois đáng để cho chúng ta tham khảo một cách thận trọng, nhưng nhìn về tổng thể mà nói, chúng ta vẫn mãi mãi phải đi theo lẽ phải, phải theo pháp luật và đạo lý làm người để suốt đời phấn đấu cho một cuộc đời lương thiện, chân thật, chân thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chân thành