Tại buổi mít tinh sáng nay, một người có H cho biết:“Nói giảm kỳ thị với người nhiễm HIV thì có giảm nhưng giảm bằng 0 thì chưa. Chúng tôi chết nhanh nhất không phải vì bệnh tật mà chính là vì sự kỳ thị”.
Chị Phan Thị Hiền phát biểu tại lễ mít tinh. (Ảnh Trần Ngọc Kha).
Sáng nay, ngày 29/11, một cuộc mít tinh diễu hành do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Ninh tổ chức đã diễn ra nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) tại TP Bắc Ninh.
Tham dự có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, bà Kristan Schoultz - giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam và lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương.
Phát biểu tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chủ đề của Tháng hành động “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam”.
27 năm qua, kể từ ngày Thế giới phòng, chống AIDS lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1988, đại dịch HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, hơn 16,8 triệu người trên toàn thế giới đã được cứu sống do được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV, số ca nhiễm mới HIV đã giảm 35% từ năm 2000, số trường hợp tử vong do AIDS cũng đã giảm 42% kể từ cao điểm năm 2004. Nhưng HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật đối với mỗi quốc gia, là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Đến nay toàn thế giới đã có 36,9 triệu người đang nhiễm HIV và gần 40 triệu người đã tử vong do AIDS.
Thay mặt những người có H (những người bị nhiễm HIV/AIDS), chị Phan Thị Hiền bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng, Nhà nước và tất cả mọi người có lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ những người không may mắn như chị, vượt qua bệnh tật, khó khăn. Tuy nhiên, chị cũng xin phép được bày tỏ cảm nghĩ rất thật của mình, rằng: “Nói giảm kỳ thị với người nhiễm HIV thì có giảm nhưng giảm bằng 0 thì chưa. Kỳ thị hiện nay tinh vi và khôn khéo lắm, vẫn ngày ngày gây tổn thương đến chúng tôi. Chúng tôi chết nhanh nhất không phải vì bệnh tật mà chính là vì sự kỳ thị” - Chị nhấn mạnh.