Bằng uy tín và sự tận tụy, trách nhiệm, thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Sơn La đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, là tấm gương sáng trong cộng đồng các DTTS.
Trước đây, nhân dân bản Cáy Khẻ, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên chỉ quen trồng cây lương thực trên nương, đời sống nhiều khó khăn. Với vai trò là người uy tín của bản, ông Hạng A Mua tích cực vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mía, dâu tây, mận hậu. Để tạo lòng tin, ông thực hiện trước, hỗ trợ một số hộ làm theo, dần dần thay đổi thói quen sản xuất của bà con. Để bà con tin và nghe theo, ông Mua luôn làm trước rồi mới chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Nhờ làm theo ông Mua, bà con trong bản đã biết trồng dâu tây và trồng mía. Hiện nay, bản Cáy Khẻ có gần 50ha mía; 30ha dâu tây, 20ha mận hậu, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ở xã Tân Phong, huyện Phù Yên, ông Mùi Văn Tháng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ đó, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhất là, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng sản xuất dọc hai bên bờ sông, chuyển đổi diện tích đất nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Đến nay, toàn xã đã trồng hơn 140 ha cây gỗ tếch, 115 ha cây ăn quả các loại; duy trì 36 lồng cá. Ông Mùi Văn Tháng chia sẻ, muốn thuyết phục được người dân, mình phải gương mẫu, đi trước, làm trước. Hiện nay, gia đình tôi trồng hơn 2 ha gỗ tếch, đầu tư nuôi 2 lồng cá, tích cực phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả kinh tế của mô hình, đã có nhiều hộ trong bản đến học theo cách làm của tôi và đã thoát nghèo.
Gương mẫu trong cộng đồng dân cư, trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương... Đây là những việc làm thường xuyên của người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Sơn La. Từ đó, góp phần không nhỏ triển khai hiệu quả Nội dung số 1, Tiểu dự án 1 về “Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Dự án 10, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Được biết, toàn tỉnh Sơn La hiện có 2.188 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, người có uy tín đã trở thành “hạt nhân” đoàn kết, gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời, phát huy vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tham gia giải quyết nhiều vụ việc phát sinh tại cơ sở, giữ vững an ninh trật tự; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Nhiều người có uy tín đã có những đóng góp quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình hạ tầng, các dự án hỗ trợ sản xuất, góp phần vào thành công của Chương trình MTQG 1719 ở cơ sở.
Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, năm 2024, tỉnh Sơn La được giao gần 6,7 tỷ đồng thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức 4 hội nghị cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 238 Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ; Trưởng, Phó bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có uy tín. Đồng thời, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người có uy tín hoạt động hiệu quả, giữ vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.