Người dân từ sáng sớm đã có mặt tại chợ Cầu Đông (TP Hà Tĩnh) để chọn cho gia đình những bông hoa, loại quả đẹp nhất dâng lên tổ tiên trong ngày Rằm tháng Bảy. Từ ngày 12/7 Âm lịch, không khí những khu khu chợ ở Hà Tĩnh đã bắt đầu nhộn nhịp. Các tiểu thương cho biết, năm nay dịch bệnh được kiểm soát tốt, tại các nhà thờ họ đông người tổ chức tế lễ, nhiều gia đình đón Rằm quy mô lớn nên các mặt hàng bán ra tăng mạnh hơn so với rằm năm ngoái. Theo nhiều tiểu thương, hoa cúc là loại hoa được hầu hết người dân chọn mua cho ngày Rằm. Năm nay, giá hoa cúc khá cao, ngày thường trung bình khoảng 6 nghìn đồng/bông thì đợt rằm này, mỗi bông cúc có giá từ 10 -12 nghìn đồng. Ngoài những bông hoa cúc được nhiều người lựa chọn, đoá hoa sen tươi thắm cũng thu hút người mua. Nông thôn đổi mới, đời sống thôn quê ngày càng khá giả, việc tổ chức cúng Rằm, ăn Rằm của người dân ít nhiều có biến đổi để phù hợp hơn với cuộc sống. Điều dễ nhận thấy nhất là hoa quả tươi, thực phẩm ngon, sạch, lạ sẽ được ưu tiên. Lễ vật hoa quả dường như được chú trọng hơn với tinh thần "lễ đẹp lòng thành". Ngày thường, chuối qua các tiểu thương khá rẻ, nhưng ngày Rằm, giá chuối tăng vọt 5 -7 lần. Một nải chuối ngự, chuối tiến "vừa mắt", giá thấp nhất cũng 30.000 - 50.000 đồng. Thương hiệu bưởi Hương Khê cũng không thể thiếu trong không khí Rằm tháng Bảy. Ngoài những đoá hoa, nhiều quả đẹp để dâng tên tổ tiên, người dân còn tìm đến những món ẩm thực như; nem rán, bánh chưng là nét đặc trưng, đậm đà bản sắc của người Hà Tĩnh. Người đi chợ Rằm tháng Bảy thường mua sắm vàng mã, một lễ vật quan trọng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, họ tộc. Hiện nay, hàng mã được thiết kế phong phú, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc với tinh thần "dương gian như thế nào thì âm phủ như thế đó". "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, đó là quan niệm của người dân trong những ngày này nên lễ vật để dâng lên cần tươm tất chưa đầy lòng thành kính với tổ tiên, dòng tộc.