Thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét ban hành quyết định mới về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến, quý III/2019, chính quyền thành phố sẽ chính thức triển khai được quyết định này. Theo đó, tiêu chí quyết định chi tăng thu nhập cho cán bộ chính là chỉ số hài lòng của người dân.
Người dân đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ giải quyết hồ sơ tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Ảnh: Việt Dũng.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, việc chi thu nhập tăng thêm cần có sự cân nhắc rất thận trọng. Chúng ta cải cách hành chính tốt, mức độ hài lòng của người dân tăng thì mới có thể nhận thu nhập tăng thêm.
Xác định tiêu chí hài lòng của người dân
Việc ban hành quyết định mới về chi thu nhập tăng thêm của UBND TP HCM phải hoãn lại so với dự kiến. Lúc đầu, UBND TP dự định đưa vấn đề ra kỳ họp HĐND TP vào tháng 3/2018, nhưng 100% đại biểu đã chọn phương án tạm ngưng thông qua tờ trình về nội dung này để tiếp tục hoàn thiện. Thế nhưng, tại kỳ họp này cũng có đột phá trong Nghị quyết 03/2018 đã đề ra tiêu chí xếp loại cán bộ xuất sắc được tăng tối đa 0,6 lần mức chi hiện tại. Năm sau tăng lên 1,2 lần và gấp 1,8 lần vào năm 2020. Đến quý II năm nay, TP một lần nữa phải tạm dừng việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để chờ áp dụng quy định mới.
Lý do được ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM lý giải, TP cần thời gian cho việc đánh giá và ký quyết định mới, bởi vì bắt buộc phải dựa vào chỉ số hài lòng của người dân. Do đó trong quý II, việc thực hiện đánh giá chi thu nhập tăng thêm chưa được áp dụng, thay vào đó vẫn thực hiện theo quy định cũ (số 4631/QĐ-UBND). Cũng theo Chủ tịch UBND TP HCM, với các đánh giá mới thì tất cả các lãnh đạo, các đơn vị, địa phương phải hoàn thành xuất sắc khoảng 50% đầu việc và yêu cầu cần phải thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc. Rút kinh nghiệm trước đó, công tác đánh giá từ lãnh đạo đến cán bộ công chức văn phòng đều đạt xuất sắc nhất nhưng không sát với công việc, nhiệm vụ được giao. Còn với cách đánh giá mới sẽ giúp đánh giá đúng người, đúng việc và xác thực hơn vì chỉ số đánh giá cán bộ, công chức sẽ dựa trên chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân.
Chỉ số này được Đảng bộ, chính quyền TP HCM thống nhất và đồng thuận rất cao. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, việc chi thu nhập tăng thêm cần có sự cân nhắc rất thận trọng. Chúng ta cải cách hành chính tốt, mức độ hài lòng của người dân tăng thì mới có thể nhận thu nhập tăng thêm. Ngoài việc đánh giá mức độ hài lòng, người dân còn biết hồ sơ mình đang nằm ở đâu, khâu nào? Từ đó, hàng tháng mới đánh giá được cán bộ, công chức. Đây cũng chính là cơ sở để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ. Chung quy lại, tiêu chí bắt buộc là phải có sự hài lòng của người dân và đây được xem là thước đo chất lượng phục vụ của cán bộ. TP HCM phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hài lòng của người dân tham gia vào đánh giá khi đến thực hiện thủ tục hành chính sẽ đạt được khoảng 80%.
Người dân đến làm thủ tục hành chính ở TP HCM.
Nỗ lực nâng chất lượng cán bộ
Theo ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, quyết định mới ban hành về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tới đây nhắm đến việc đánh giá hiệu quả công việc hằng quý của họ. Hiện nay, cơ chế để TP HCM vận hành toàn bộ máy để đạt các mục tiêu đề ra chính là đẩy mạnh cải cách hành chính. Và, ở nơi nào cải cách hành chính hiệu quả, cán bộ, công chức, viên chức phục vụ dân tốt mới xứng đáng nhận phần thu nhập tăng thêm này.
Theo dự kiến, TP HCM sẽ chi thu nhập tăng thêm cho khoảng 130.000 cán bộ, công chức (chưa kể cán bộ không chuyên trách ở các phường, xã, thị trấn), với số tiền dự kiến chi riêng năm 2019 vào khoảng hơn 7.200 tỷ đồng, lấy từ các khoản ngân sách dành cho cải cách tiền lương (năm trước chuyển sang năm sau); cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm; nguồn từ đề xuất bằng cơ chế đặc thù; từ ngân sách cấp quận/huyện, thành phố.
Tuy nhiên, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM, dù cơ sở dựa vào Nghị quyết 03 của HĐND TP về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, nhưng cho đến nay diện hợp đồng Nghị định 68 chưa được Nghị quyết 54 điều chỉnh. Ngoài ra, vấn đề ở đây là mức chi thu nhập tăng thêm rất lớn, tiêu tốn ngân sách, do đó việc đánh giá vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức để hưởng thu nhập tăng thêm là hết sức quan trọng. Quá trình này đòi hỏi phải đảm bảo công bằng, công khai, đúng người, đúng việc, tránh tình trạng kiện cáo. Trong các trường hợp thì trách nhiệm nên thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Căn cứ vào dự thảo quy định mới của Sở Nội vụ vừa trình UBND TP HCM, muốn đạt loại xuất sắc, cán bộ, công chức, nhân viên phải có 20% khối lượng công việc hoàn thành vượt thời gian quy định và có điểm số đạt từ 90 điểm trở lên (trước đây là 80 điểm). Thủ trưởng đơn vị nếu có điểm số cá nhân đạt 90 điểm trở lên cộng với đơn vị đạt tỷ lệ hài lòng 80% trở lên mới được loại tốt, 90% trở lên mới đạt xuất sắc. Đặc biệt thủ trưởng đơn vị đạt 100/100 điểm nhưng tỷ lệ hài lòng của cơ quan đơn vị phụ trách dưới 80% thì không được thu nhập tăng thêm.
Theo ông Lắm, các tiêu chí trên sẽ đánh giá được sát hơn, chặt chẽ hơn và đạt được mục tiêu gắn với sự hài lòng của người dân, tác động vào thời gian giải quyết công việc của cán bộ phải nhanh hơn.
Đối với người đứng đầu, quy định mới cũng gắn gắn trách nhiệm của họ. Cụ thể, nếu thủ trưởng đơn vị được đánh giá 100 điểm nhưng tỉ lệ hài lòng của cơ quan đơn vị chỉ đạt dưới 80% thì thủ trưởng/người đứng đầu đó cũng không được chi thu nhập tăng thêm. Do đó, muốn đủ điều kiện, bắt buộc thủ trưởng đơn vị phải có điểm số cá nhân đạt 90 điểm trở lên, cộng với đơn vị đạt tỉ lệ hài lòng của người dân là 80% trở lên (loại tốt) hoặc 90% trở lên mới (loại xuất sắc).
(Còn nữa)