Dịch Covid-19 tại nhiều địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao. Trước tình hình này, một số người dân bắt đầu tìm mua các thiết bị y tế cung cấp khí oxy để chủ động phòng dịch tại nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không nên mua, tích trữ các bình khí oxy tại nhà vì chẳng những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn mối nguy cháy nổ rất lớn…
Theo chủ một cửa hàng bán thiết bị y tế trên phố Phương Mai (quận Đống Đa - Hà Nội), ngoài số người mua bình oxy dự trữ trong nhà để phục vụ người thân bị viêm phế quản, hen suyễn thì nhiều người mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc Covid-19. Có người còn cẩn thận mua cả máy tạo oxy y tế, máy đo nồng độ oxy, máy đo huyết áp…
Do cầu vượt cung dẫn đến thị trường bắt đầu có dấu hiệu khan hàng và đẩy giá. Theo khảo sát của chúng tôi trên các trang điện tử, tùy từng loại máy tạo oxy sẽ có giá dao động từ khoảng 8 triệu đến hơn 30 triệu đồng. Còn bình oxy có giá từ 1-3 triệu đồng/bình.
Trước tình hình này, chuyên gia của Bộ Y tế đã có cảnh báo việc người dân tự mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi đã mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở.
Ngoài ra, nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Thêm vào đó, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, trong quá trình bệnh nhân sử dụng máy trợ thở, cần được người có chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết và có những chỉ định, xử lý kịp thời. Bởi nếu người dân sử dụng sai có thể dẫn đến những tác hại nguy hiểm vô cùng. Oxy không phải dùng bao nhiêu cũng được, máy thở cũng vậy, phải theo liều lượng nhất định.
Bộ Y tế cũng khẳng định không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế. Bộ tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở oxy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương.
Người dân không nên mua, tích trữ bình oxy, máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến khó lường.
ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng khẳng định: Về vấn đề nguồn cung khí oxy, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy tại nước ta, kết quả cho thấy khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện, do đó nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung hay tại TP HCM nói riêng đều không thiếu.