Xã hội

Người đàn ông dành cả thập kỷ cưu mang chim trời

Tuệ Yên 15/01/2024 14:17

Câu chuyện người đàn ông không vợ, không con ngày ngày bán cây kiểng tích góp tiền để nuôi đàn chim trời đã không còn xa lạ với bà con ngụ cư khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

anh-4.jpg
Những chú chim bồ câu dạn dĩ đậu lên túi lúa trên người ông Chương để mổ thóc.

Bán cây kiểng dạo, góp tiền nuôi "đàn con đặc biệt”

Về đường Hoà Bình, ngay trung tâm quận Ninh Kiều, hỏi thăm về người đàn ông sống độc thân, bán cây kiểng nuôi đàn chim trời, không ai không biết. Gần 12 năm, ở trọ một mình, chỉ với chiếc xe cây kiểng bên cạnh Bưu điện thành phố, ông Nguyễn Văn Chương (61 tuổi, ở quận Cái Răng, Cần Thơ) đã dùng tiền túi thầm lặng cưu mang hàng trăm chú chim trời.

Theo lời kể của ông Chương, ông bắt đầu gieo mối duyên lành với đàn chim trời vào khoảng giữa năm 2012, khi đó, ông bán bánh bò chứ chưa bán cây kiểng. Mỗi buổi chiều, khi có bánh thừa, bể vụn, ông ngắt thành từng miếng nhỏ, rải trên vỉa hè cho vài chú chim sẻ ăn. Được cho ăn, bầy chim sẻ kéo đến ngày càng nhiều, đàn bồ câu cũng từ đó men lối theo về.

Ông kể, tôi cưu mang bầy chim trời này ngót nghét gần 12 năm rồi. Ban đầu, chỉ có vài con, được mình cho ăn lâu dần thành quen, chúng tụ họp thành bầy, đàn (phần lớn là bồ câu).

Hiện tại, đàn chim trời đã lên đến vài trăm con. Mỗi ngày, chúng ăn hết khoảng 15 kg lúa, tương đương 180 ngàn đồng. Tiền mua gạo, lúa chủ yếu được tích góp từ tiền lời nhờ nghề bán cây kiểng.

Số tiền ấy, với người đàn ông ở trọ bán từng chậu cây nhỏ quả thật rất lớn, nên gần 2 năm trở lại đây, ông còn lấy thêm vé số bán mới đủ chi phí trang trải.

Mỗi ngày, trung bình ông Chương bán được 100 tờ vé số, kiếm thêm khoảng 100 ngàn đồng tiền lời, thêm thắt, dành dụm để mua thức ăn cho đàn chim.

dscf0405.jpg
Số lượng chim ngày càng nhiều, lợi tức từ công việc bán cây cảnh không đủ, ông Chương bán thêm vé số để đảm bảo cuộc sống và bữa ăn của bầy chim trời.

“Mấy năm gần đây, tình hình kinh tế chung khó khăn hơn trước, hầu hết mọi người đều cắt giảm chi tiêu, sức mua cây kiểng giảm, nguồn thu nhập vì thế cũng thấp hơn, nhưng tôi vẫn cố gắng, không để tụi nó chịu đói ngày nào”, chỉ tay về phía đàn chim trời ông Chương nói.

Theo lời ông Chương, mỗi ngày, ông dậy sớm đạp xe từ nhà trọ ra góc đường Hoà Bình tại nút giao với đường Ngô Hữu Hạnh, kéo xe cây kiểng được gởi tại một cơ quan gần đó đi bán dạo. Trước khi đi, ông mang lúa, gạo rải đều trên lề đường bên hông Bưu điện thành phố cho đàn chim trời ăn, đến trưa ông trở lại cho ăn cử trưa rồi lại đi bán tiếp. Đến khoảng 17h30, ông đưa xe về cất, cho chim ăn lần cuối rồi trở về phòng trọ nghỉ ngơi, kết thúc một ngày làm việc.

dscf0328.jpg
Công việc bán cây kiểng dạo đã giúp ông có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi đàn chim trời ngần ấy năm qua.

“Tụi nó xem tui là bạn, nhìn thấy tụi nó ăn, quấn quýt với mình nên tui thương lắm, ngày nào còn khoẻ, còn buôn bán được, tui còn mua lúa, gạo cho lũ chim ăn”, vừa rải thức ăn cho chim, ông Chương vừa nói.

Trong lúc tôi trò chuyện cùng ông, từ trên những cành cây, cột đèn, toà nhà,… hàng trăm chú chim bồ câu, se sẻ sà xuống ăn. Nhiều chú bồ câu dạn dĩ, tinh nghịch, đứng cả trên cánh tay ông Chương mổ những hạt thóc ông đang có trong tay.

Hình ảnh đàn chim bay rợp góc trời đường Hoà Bình được rất nhiều người đi đường ghi lại. Có người, còn nhẹ nhàng tiến lại gần, tránh khuấy động để bắt được những khoảnh khắc lãng mạng cùng đàn bồ câu.

“Là một người yêu thương động vật, tui xem chúng như những đứa con của mình. Hôm nào, lỡ có con nào bệnh ủ rũ, bị thương, chân đi cà nhắc, bỏ ăn, hôm đó tôi rất buồn, đứng ngồi không yên. Năm 2020, khi lâm bệnh nặng, người thân đưa vào bệnh viện, nằm trong viện chuyện khiến tôi lo lắng nhất chính là đàn chim, lo lắng liệu ai cho nó ăn, lỡ chẳng may mình không còn, sau này ai sẽ nuôi, bảo vệ tụi nó đây”, ông Chương xúc động.

Sau một thời gian, tiếng lành đồn xa, thấy được việc làm ý nghĩa, nhân văn của ông Chương, nhiều bà con trong và ngoài vùng tìm đến, có người hỗ trợ lúa, gạo, có khi là cơm, bánh bò,… gởi ông phụ cho chim ăn, cũng có người giúp đỡ bằng cách mua cây kiểng, vé số ủng hộ để ông có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi dưỡng đàn chim.

anh-3.jpg
Ông Chương vui mừng khoe bịch nilông bên trong đầy lúa, được người dân gần đó gởi nhờ cho đàn chim ăn hộ.

Cô Khổng Đức Thu (người dân sinh sống gần đó) cho hay, tôi thường xuyên đi chợ buổi sáng ngang qua khu vực này, lần nào đi ngang cũng ghé chơi, xem bồ câu ăn, có khi tôi mua lúa, gạo, mang cơm thừa đến nhờ cho đàn chim ăn dùm. Nhìn bồ câu ăn tui thấy vui lắm, đây là một hành động đẹp, vô cùng ý nghĩa, hẳn phải có tâm lắm mới làm được.

Đàn chim trời, điểm nhấn giữa lòng phố thị

Sau khi đã ghi dấu nhiều hình ảnh đẹp với đàn chim trời, em Huỳnh Thanh Trúc, du khách đến từ Bạc Liêu thích thú chia sẻ, ông bà ta có câu “Đất lành chim đậu”, đúng như câu tục ngữ ấy, có thể nói Cần Thơ như một mảnh đất lành, nhìn từng đàn chim trời rủ nhau kéo về trú ngụ, đáp xuống ăn, sảy cánh bay lên, lại lượn lờ đáp xuống, thành phố trong mắt em thật yên ả, thanh bình.

Đàn chim trời tại đường Hoà Bình gần cạnh công viên Tao Đàn đã trở thành điểm chơi đùa, lý tưởng của những đứa trẻ nhỏ. Đến đây vào một buổi chiều, chúng tôi thấy rất nhiều phụ huynh đưa các con đến chơi, nô đùa với chim, có những em bé buông tay bố, mẹ, nô đùa, rượt đuổi theo chim. Mỗi khi có người lạ tiến đến gần, những chú chim tung cánh bay lượn rợp trời, chao vài vòng rồi lại đáp xuống.

Đưa con gái đến chơi với đàn chim, chị Phạm Thu Phương (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, với con chị, đàn chim trời từ lâu đã là bạn. Mặc dù từ nhà đến đây gần 10 cây số, nhưng mỗi chiều cuối tuần, chị đều tranh thủ đưa con ra khu vực này chơi với chúng, bé gái nhà chị rất thích bồ câu, nhất là những “bé” có bộ lông màu trắng.

Như một điểm nhấn đặc biệt, nhìn những chú chim bồ câu “biểu tượng của hòa bình” sải cánh bay rợp trời giữa lòng mảnh đất Tây Đô, chợt nghĩ ông Chương đã chọn khoác cho riêng mình một “sứ mệnh” đặc biệt, thu phục, nuôi giữ và bảo vệ đàn chim trời, để lại một hình ảnh khó quên trong lòng chúng tôi, người dân bản địa, cũng như những người lữ khách phương xa từng ghé qua.

Khi được hỏi, ông định duy trì công việc và nuôi đàn chim trời này đến bao giờ, ông Chương bộc bạch: Tôi luôn cầu nguyện cho mình có thật nhiều sức khoẻ, nguyện sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng đàn chim trời đến khi mình không còn nữa.

Chia sẻ về động lực để ông tiếp tục hành trình này, ông Chương tâm sự: Được tiếp tục công việc này với tôi đó là hạnh phúc. Tôi luôn tin rằng khi bản thân hướng thiện, gieo hạt giống lành, ắt gặt hái quả ngọt, cuộc đời sẽ bớt khổ đau. Rất mong câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng, lan toả rộng rãi nhiều hơn đến cộng đồng, để mọi người nâng cao ý thức, cùng chung tay làm điều tốt đẹp.

Tạm biệt ông Chương ra về, tôi mong ông có thật nhiều sức khỏe để chăm sóc đàn chim trời, như giữ gìn một nét đẹp văn hóa về lòng nhân ái và tình yêu thương để mai đây khi nhắc về Cần Thơ, sẽ có người thốt lên: Ở đó, có ông lão độc thân với tấm lòng nhân hậu, dành cuộc đời mình cưu mang đàn chim trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đàn ông dành cả thập kỷ cưu mang chim trời