Dù luật đã tạo ra cơ chế cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hành vi sai trái của công chức gây ra - thực hiện quyền yêu cầu nhà nước bồi thường, nhưng quá trình thực hiện có khó khăn, bất cập.
Vụ án ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình
có số tiền bồi thường kỷ lục hơn 20 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận đủ.
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, sau 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ thụ lý, giải quyết được 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó có 204 vụ việc đã có Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực với số tiền bồi thường hơn 111 tỉ đồng, nhưng mới chi trả được gần 49 tỉ đồng cho 142 vụ việc. Riêng trong lĩnh vực tòa án (bồi thường oan, sai), đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, và đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng và bồi thường hơn 10,7 tỉ đồng; 2 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp...
Đây là kết quả đáng ghi nhận, song theo Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Hà Văn Bốn thừa nhận, con số này chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Thủ tục xác định thiệt hại và giải quyết bồi thường còn nhiều bất cập.
Cùng quan điểm này, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng cho rằng, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện nay có nhiều bất cập nên công tác bồi thường gặp khó khăn. Vấn đề mấu chốt trong việc yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường được luật quy định rất phức tạp và khó khăn cho người bị thiệt hại.
Cụ thể, Điều 6 về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường quy định phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại;…
Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bắt buộc phải có hai điều kiện: có văn bản của cơ quan nhà nước, trong đó xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc bản án, quyết định trong tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại được bồi thường, và điều kiện thứ hai là phải có thiệt hại thực tế xảy ra.
“Đây là một quy định rất khó khăn trong thực tế thi hành luật, đặc biệt đối với người bị thiệt hại, bởi trong mối quan hệ bồi thường này là quan hệ bất bình đẳng giữa một bên là Nhà nước và một bên là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Để có văn bản xác định hành vi sai trái của người thi hành công vụ là cả một vấn đề, thậm chí các cơ quan còn né tránh không ra văn bản hoặc có ban hành văn bản thì mang nội dung chung chung mà không ghi nhận sự sai trái đó”- Đại diện Bộ Tư pháp cho biết.
Sửa Luật để bảo đảm quyền của người yêu cầu bồi thường
Thực tế tại Hội nghị tổng kết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chính các cơ quan có trách nhiệm bồi thường cũng thừa nhận đang rơi vào tình trạng lúng túng đối với một số trường hợp phát sinh trên thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 18 Luật và Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 16/NĐ-CP để xác minh thiệt hại. Mặc dù pháp luật quy định “căn cứ vào tính chất nội dung của vụ việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể tổ chức việc định giá tài sản giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khỏe”, song lại không quy định rõ ràng, chi tiết, liệt kê về những trường hợp nào thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường cần tiến hành định giá tài sản, những trường hợp nào thì cần giám định thiệt hại tài sản nên đã dẫn đến tình trạng cơ quan có trách nhiệm bồi thường hiểu lầm, lúng túng hoặc áp dụng phương thức định giá, giám định đối với tài sản bị thiệt hại chưa phù hợp, ảnh hưởng đến kết quả xác minh thiệt hại, tất yếu sẽ làm ảnh hưởng tới việc xác định mức bồi thường khi đưa ra thương lượng với người bị thiệt hại.
Khắc phục thực trạng kể trên, Bộ Tư pháp cho biết, việc xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán sang mô hình cơ quan giải quyết bồi thường tập trung (thay vì giao cho nhiều cơ quan giải quyết bồi thường như hiện nay, việc giải quyết bồi thường sẽ được giao cho cơ quan chuyên trách đại diện nhà nước thực hiện), đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý người thi hành công vụ, các cơ quan tư pháp địa phương trong giải quyết bồi thường.
Với mô hình này, khi phát sinh quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, người bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan chuyên trách giải quyết yêu cầu của mình. Trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc người bị thiệt hại không đồng ý với kết luận của cơ quan chuyên trách thì có thể khởi kiện ra tòa án.
Đánh giá về phương án này, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho biết, đây là mô hình giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Cơ chế này sẽ giải tỏa tâm lý cho cả người bị thiệt hại và cơ quan quản lý người thi hành công vụ, đồng thời việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường được thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp hơn.
Dự kiến tháng 10/2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Hy vọng với những bất cập tồn tại đã được chỉ rõ, việc sửa đổi Luật tới đây sẽ tạo cơ chế khả thi hơn để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.