Người dân tố bị dựng khống hồ sơ làm sổ đỏ: Chính quyền địa phương nói gì?

Quang Lộc - Tuấn Minh 07/12/2022 07:00

Việc nhiều hộ dân ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) tố bị chính quyền dựng khống hồ sơ, giả mạo chữ ký để làm sổ đỏ rồi bán cho bên thứ 3, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - Nguyễn Đình Hoa đã chỉ đạo lập tổ kiểm tra, làm rõ. Nhưng kỳ lạ, sau đó từ cấp xã đến huyện đều thông báo đã “thất lạc” toàn bộ hồ sơ vụ việc trên.

Người dân bức xúc vì khu đất sử dụng làm nơi sinh hoạt chung của thôn Đông Nam bị cắt bán.

Người dân phản ánh

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, năm 2008, UBND xã Nam Phương Tiến lập Đề án Đề nghị xử lý tồn tại lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân xã Nam Phương Tiến để khai thác và huy động các nguồn vốn từ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đất ở ven làng Đông Nam được đưa vào đề án.

Khu đất trên có nguồn gốc hình thành từ những năm 1968, được nhân dân trong thôn đào ao (2 ao) thả cá. Năm 1980, toàn bộ phần diện tích này được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung cho toàn bộ nhân dân của thôn Đông Nam. Sau đó, lãnh đạo UBND xã Nam Phương Tiến thông qua đề án 01 ban hành ngày 15/10/2008, cấp sổ đỏ và chuyển nhượng cho bên thứ 3.

Theo phản ánh của người dân, năm 2008, họ đã bị UBND xã Nam Phương Tiến lập khống hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), sau khi các hộ gia đình trên được cấp sổ đỏ nhưng đều không được giữ bất kỳ giấy chứng nhận đất nào. Các trường hợp cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất ban đầu đều là hồ sơ dựng nên, không phải là người sử dụng đất như các cá nhân: Kiều Văn Đức, Hoàng Công Huân, Nguyễn Minh Cao, Cao Xuân Rô, Nguyễn Minh Phong, Kiều Văn Ban, Lương Văn Sử, Cao Xuân Tiến.

Ông Lương Văn Sử - một trong những người đứng đơn tố cáo cho biết, tôi nắm được thông tin gia đình tôi có sổ đỏ khu đất với diện tích 266m2, nhưng UBND xã Nam Phương Tiến đã làm khống hồ sơ cho gia đình tôi. Tôi không nắm được thông tin gì về khu đất đó. “Gia đình tôi rất bức xúc bởi chúng tôi không hề ký vào văn bản nào vẫn được làm sổ đỏ, xong bán sang tay bên thứ 3 gia đình cũng không biết. Sau này, tôi mới biết khi nhìn thấy bản photo bìa đỏ mang tên tôi ở UBND xã Nam Phương Tiến, mong muốn cơ quan chức năng làm rõ việc này” - ông Sử bức xúc nói.

Những người đứng tên trong hồ sơ cấp đất cũng cho rằng mình bị giả mạo chữ ký trong hồ sơ cấp đất lần đầu. Cụ thể, trong danh sách tổng hợp số liệu kèm theo đề án của UBND xã Nam Phương Tiến thì khu đất ven làng thôn Đông Nam có 11 người có tên được cấp sổ đỏ. Trong đó có nhiều người làm đơn tố cáo mình đã bị giả mạo chữ ký.

“Lô đất của tôi là quả đồi cạnh thửa đất này, đất của tôi là đất giãn dân. Sau đó tôi được cán bộ xã gọi lên nhiều lần để ký giáp ranh với lý do làm bìa đỏ cho gia đình. Tôi ký nhiều biên bản, sau đó mới biết là họ bảo tôi ký để làm bìa đỏ cho các lô đất bên cạnh” - ông Nguyễn Minh Cao, người dân thôn Đông Nam kể lại.

Ông Kiều Văn Ban (một trong những người dân bị lập khống hồ sơ để làm sổ đỏ) cho biết: “Sau cơn sốt đất vừa qua, giá đất lên cao, các thửa đất do những người đứng tên khống nêu trên đều đã được chuyển nhượng sang tên cho người khác. Có rất nhiều trường hợp, thửa đất đã được thế chấp cho ngân hàng, đến khi không trả được nợ, ngân hàng thực hiện việc thu giữ thửa đất thì một trong những người có tên cấp sổ ban đầu mới biết. Gia đình tôi cũng bất ngờ khi biết từng có 1 lô đất và đã bán cho người khác, dù mình chưa bao giờ thấy bìa đỏ và ký một giấy tờ gì”.

Chính quyền báo thất lạc hồ sơ?

Trước phản ánh của người dân, đầu tháng 11/2022, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Nam Phương Tiến và UBND huyện Chương Mỹ để làm rõ sự việc.

Ông Hoàng Bá Phích - Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, xã đã nhận được đơn tố cáo của người dân từ lâu. Bởi vấn đề đã xảy ra từ mấy nhiệm kỳ trước nên chưa nắm rõ sự tình vụ việc. “Chúng tôi đã làm việc với người dân để nắm bắt thông tin, qua đó kiến nghị UBND huyện có giải pháp xử lý. Còn hồ sơ, sổ mục kê, dữ liệu về các lô đất trên văn thư đang tìm kiếm. Vụ việc làm bìa đỏ diễn ra từ lâu nên dữ liệu không được lưu trên máy tính, tôi sẽ chỉ đạo văn thư, địa chính tìm các hồ sơ, tài liệu liên quan” - ông Phích nói.

Theo ông Trịnh Bá Thường - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Chương Mỹ: Năm 2008, UBND xã Nam Phương Tiến đã đưa khu đất có diện tích 2.467m2 chia làm 11 thửa đất để xử lý, thu tiền. Tổng số tiền thu được có biên lai là 276.682.000 đồng và lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân thôn Đông Nam (8 người này đang đứng đơn tố cáo chính quyền địa phương làm khống hồ sơ, giả mạo chữ ký của mình - PV). Sau đó những lô đất này được UBND xã Nam Phương Tiến làm thủ tục chuyển nhượng cho 7 cá nhân khác. “Nhiều hộ dân tố cáo việc dựng khống hồ sơ, giả mạo chữ ký trong hồ sơ cấp đất lần đầu, chữ ký giáp ranh, hiện trạng sử dụng đất... những vấn đề này ngoài thẩm quyền giải quyết của tôi” - ông Thường nói và cho biết, Phòng TNMT huyện sẽ công tâm, khách quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ về vụ việc trên, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị UBND huyện có giải pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đình Hoa - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, đã chỉ đạo Phòng TNMT kiểm tra các thông tin để cung cấp cho phóng viên.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng rà soát, đến ngày 1/12, tại buổi hẹn làm việc và cung cấp thông tin với phóng viên, bà Nguyễn Thanh Hương - Phó Phòng TNMT cho biết: “Thời gian trước có 2 văn thư, nhưng nay đều chuyển về xã nên không tìm được các tài liệu liên quan đến vụ việc. Sổ mục kê thì ở xã chứ huyện không nắm giữ. Hồ sơ chuyển nhượng các lô đất trên là ở văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc sở TNMT chứ huyện không nắm giữ? Ở đây có hồ sơ đăng ký cấp sổ lần đầu phòng TNMT giữ nhưng đang thất lạc vì không scan và lưu trên máy tính”?

Tương tự, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến - Hoàng Bá Phích cũng cho rằng: Hiện xã chưa tìm thấy các hồ sơ, tài liệu liên quan vì không lưu trên máy. Xã cũng đã làm việc với Phòng TNMT huyện về vụ việc này.

Khi hỏi về biên bản làm việc giữa Phòng TNMT huyện và UBND xã Nam Phương Tiến thì cả 2 đơn vị đều bảo không có biên bản.

Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Công ty Luật TNHH CHD LAW (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo tài liệu tiếp cận được từ người dân, việc làm trên của cán bộ UBND xã Nam Phương Tiến lúc đó là vi phạm Quy định của Luật Đất đai 2013.

Việc Lập hồ sơ cấp giấy khống, sai đối tượng, sai diện tích cấp giấy, không đủ điều kiện để được cấp giấy là vi phạm quy định của pháp luật về đất đai. Thuộc một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013 “nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trong các trường hợp… d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân tố bị dựng khống hồ sơ làm sổ đỏ: Chính quyền địa phương nói gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO