Từ ngày 29 đến 30/11, tại Bình Định, Phú Yên đã xuất hiện mưa to đến rất to. Mưa lớn kéo dài gây ngập trên diện rộng tại thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát… (Bình Định). Còn tại Phú Yên, lũ trên sông Kỳ Lộ gây ngập lụt nhiều nơi, người dân vất vả chạy lũ.
Mưa lớn trong suốt mấy ngày qua làm nước dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng ở huyện Tuy Phước, Phù Cát và thị xã An Nhơn và TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định, hiện đỉnh lũ gần tương đương trận lũ lịch sử năm 2016. Tại các xã nằm ven đê Đông tiếp giáp đầm Thị Nại, cuối nguồn sông Côn và sông Hà Thanh, gồm xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Chánh (huyện Phù Cát), nhiều nhà dân ngập sâu hơn 1m.
Chính quyền địa phương đã di dời dân ở những nhà ngập sâu lên trú tạm ở những nhà cao hơn và bố trí ghe máy sẵn sàng di dời các hộ ở vùng nguy cơ cao lên ở tại các nhà văn hóa thôn và trường học an toàn.
Tại xã Phước Thắng có 1.121 nhà dân bị ngập từ 0,3 – 1 m. Do được thông báo trước nên các hộ dân đã chủ động kê cao tài sản, đưa gia súc gia cầm lên cao, tránh được thiệt hại. Người già, trẻ em ở vùng ngập sâu được di dời lên nơi an toàn. Đến sáng 30/11, trên địa bàn xã đã có 6 thôn ven đầm Thị Nại bị nước lũ cô lập, cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình mưa lớn ngày càng phức tạp, khó lường, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tình hình lũ lụt tại huyện Tuy Phước. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, đã chỉ đạo trước mắt phải kịp thời thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Nhất là cảnh báo, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập lụt; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men... đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 khi sơ tán dân ở các vùng ngập lụt sâu, bị chia cắt...
Cùng với Bình Định, tỉnh Phú Yên cũng liên tục phải hứng chịu nhiều cơn mưa lớn trong suốt thời gian qua, gây ngập úng và chia cắt giao thông ở nhiều các tuyến đường. Hầu hết mực nước ở các sông suối đã lên đến báo động III, và II, các hồ thủy điện đều đã xả lũ, làm cho nước lên cao gây ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Dự báo, nước lũ trên sông Ba và sông Kỳ Lộ sẽ vượt mức báo động 3, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị. UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời người dân sống ở khu vực trũng thấp đến nơi an toàn. Hiện công tác di dời đã được một số địa phương ở vùng hạ du sông Ba thực hiện khẩn trương. Huyện Sơn Hòa đã có hơn 1000 hộ dân phải di dời. Các lực lượng trên địa bàn huyện Sông Hinh cũng hỗ trợ di dời 2.000 hộ dân ở các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Giang đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Đỗ Văn Cấp cho biết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã dọc sông Bánh Lái thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, ngập lụt, chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; cắm các biển báo, gác chắn không để dân đi qua lại ở những khu vực nguy hiểm; cử lực lượng ứng trực nơi xung yếu để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tổ chức di dời tất cả các hộ dân và tài sản đến nơi an toàn ...
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, lũ lụt năm nay đạt đỉnh tương đương đợt lũ lịch sử năm 2016. Huyện Phù Cát bị ngập hơn 1.500 nhà, huyện Tuy Phước ngập 11.000 nhà, thị xã An Nhơn ngập gần 3.000 nhà, thị xã Hoài Nhơn ngập hơn 500 nhà, huyện An Lão ngập gần 250 nhà, Hoài Ân ngập gần 1.500 nhà, TP Quy Nhơn ngập hơn 1.300 nhà.